Những thách thức không thể xem nhẹ
Đại hội lần thứ XIII của Đảng lần đầu tiên đưa ra lộ trình, biện pháp nhằm hiện thực hóa chủ trương “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, với mục tiêu đến năm 2045 khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Đây là chủ trương thể hiện tầm nhìn chiến lược, quyết tâm chính trị và là sự phát triển quan trọng trong tư duy lý luận của Đảng về đường lối phát triển đất nước. Chủ trương này có đầy đủ cơ sở cả về lý luận và thực tiễn và cũng là sự phản ánh thống nhất giữa ý Đảng và lòng dân. Tuy nhiên, các lực lượng thù địch, phản động, thiếu thiện chí đã ra sức phê phán, công kích chủ trương này khi cho rằng đó chỉ là “khẩu hiệu tuyên truyền”, là “ước vọng chủ quan”, “duy ý chí”, “phi thực tế”, “bất khả thi”!
Từ sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng đến nay, tình hình thế giới biến đổi sâu sắc, mau lẹ, phức tạp, khó lường với những diễn biến chưa từng có tiền lệ. Xung đột quân sự Nga - Ukraine bùng nổ và kéo dài đến nay chưa có dấu hiệu chấm dứt; xung đột Israel-Hamas bùng phát nghiêm trọng; cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc ngày càng quyết liệt khiến an ninh quốc tế bị suy yếu nghiêm trọng, gia tăng căng thẳng, đối đầu, phân tách trong chính trị và quan hệ quốc tế. Cùng với đó, Đại dịch Covid-19 để lại những hệ quả nặng nề về nhiều mặt cho thế giới, các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh, an toàn mạng, tài chính, tiền tệ, năng lượng, lương thực, hàng hải … ngày càng hiện hữu, diễn biến phức tạp, khó lường, tác động sâu rộng tới đời sống con người, tới sự phát triển của mỗi quốc gia và toàn thế giới, khiến lạm phát gia tăng, nguy cơ đứt gãy, phân tách chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào trì trệ, suy giảm kéo dài.
Cùng với những tác động tiêu cực từ bối cảnh quốc tế nói trên, những hạn chế, tồn tại tích tụ kéo dài trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc những năm qua chậm được khắc phục hiệu quả, triệt để. Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân ta. Các thế lực thù địch, phản động, định kiến với Việt Nam cũng không ngừng phá hoại sự nghiệp đổi mới, nỗ lực xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc của Đảng và dân tộc ta.
Tất cả những hạn chế, khó khăn, thách thức bên trong và bên ngoài, khách quan và chủ quan trên đây đã phần nào kìm hãm đà phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ít nhiều đã làm suy giảm niềm tin, gây tâm lý bi quan, mơ hồ, dao động, mất định hướng, làm nhụt ý chí và quyết tâm hành động của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân ta nhằm thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Cơ sở để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Mặc dù khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc luôn bị các thế lực thù địch xuyên tạc, phủ nhận nhưng đó là khát vọng chính đáng của cả dân tộc ta, được dựa trên những cơ sở sau:
Một là, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc được dựa trên cơ sở lý luận khoa học, khách quan. Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc được đưa ra tại Đại hội XIII của Đảng thực chất và trước hết chính là mục tiêu, tầm nhìn dài hạn và định hướng chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới đến 2045 được vạch ra dựa trên những cơ sở lý luận và thực tiễn khoa học, khách quan. Trên cơ sở đó, Đảng ta đã vạch ra tiến trình, lộ trình, kế hoạch, biện pháp và chính sách cụ thể để lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân ta từng bước đạt được mục tiêu đó.
Thực tiễn cho thấy không ít những quốc gia dân tộc trên thế giới nhờ sức mạnh của ý chí và khát vọng vươn lên mà đã hiện thực hóa được mục tiêu thịnh vượng, hùng cường. Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước từ thời Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh, cũng chính nhờ khát vọng sinh tồn và phát triển mãnh liệt, với ý chí quật cường và sức mạnh vô song của lòng yêu nước mà dân tộc Việt Nam đã vượt qua vô vàn những gian lao, thách thức nghiệt ngã tưởng để trường tồn và không ngừng phát triển. Khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng hiện nay là mục tiêu và động lực mới của dân tộc ta nhằm tiến cùng thời đại, xứng đáng với lịch sử dân tộc và mong ước “vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hai là, khát vọng phát triển đất nước được dựa trên cơ sở thực tiễn phong phú, vững chắc, do đó mang tính khả thi cao. Dựa trên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong 35 năm đổi mới, Đại hội XIII khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước”[i] Trong suốt gần 40 năm đổi mới, kinh tế - xã hội nước ta phát triển nhanh và khá toàn diện, với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 6% đến 7%, trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới, bộ mặt đất nước thay đổi nhanh chóng. Nhờ đó, Việt Nam ngày càng trở thành trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có sự có mặt ngày càng nhiều và sâu của các tập toàn hàng đầu thế giới và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu. Cùng với đó, chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững, tăng cường; văn hóa - xã hội đạt nhiều thành tựu nổi bật; quan hệ đối ngoại rộng mở, hội nhập quốc tế sâu rộng, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.
Ba là, những khó khăn thách thức bên trong và bên ngoài ngày càng lớn và khó lường nhưng thực tiễn quốc tế, trong nước cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục, vượt qua và vươn lên. Môi trường quốc tế sau Đại hội XIII ngày càng biến động khó lường, tác động tiêu cực tới an ninh và gây ra nhiều khó khăn thách thức cho các mục tiêu phát triển của nước ta. Tuy nhiên về tổng thể, chúng ta vẫn khẳng định hòa bình, hợp tác và phát triển, xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ vẫn là những xu thế và đặc điểm nổi bật của thế giới, đem lại cho ta nhiều cơ hội phát triển. Cạnh tranh cường quốc và những thách thức an ninh đa dạng hiện nay là thách thức lớn nhưng trong nguy cơ vẫn luôn chứa đựng thời cơ nếu ta biết nhìn ra và tận dụng, yếu tố nội lực, chủ quan vẫn mang tính quyết định.
Trong khu vực và trên thế giới có không ít quốc gia đã tranh thủ được những cơ hội để vươn lên giàu mạnh từ trong môi trường bên ngoài đầy thách thức thời chiến tranh Lạnh. Đất nước ta cũng đã vượt qua thách thức cực kỳ to lớn để hoàn thành công cuộc giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX, tìm cách vượt qua bao vây, cấm vận, tranh thủ cơ hội để thoát đói nghèo trong những thập kỷ đầu sau chiến tranh Lạnh. Đặc biệt, từ sau Đại hội XIII đến nay, dù đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn, chưa có tiền lệ do những tác động kép tiêu cực từ Đại dịch Covid-19 và những bất ổn của chính trị, an ninh và kinh tế thế giới nhưng đất nước vẫn ổn định về mọi mặt, vượt qua khó khăn và phục hồi, phát triển ngày càng rõ nét. Năm 2023, tăng trưởng kinh tế vẫn nằm ở top cao của khu vực, thế giới, quy mô GDP đạt 430 tỷ USD (nằm trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới), GDP/đầu người đạt khoảng 4.300 USD. Thu hút FDI, du lịch, hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là giao thông phát triển mạnh mẽ, văn hóa - xã hội, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, cải cách bộ máy hành chính, chống tham nhũng… có những bước tiến nổi bật.
Bốn là, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là sự hòa quyện giữa tầm nhìn, quyết tâm chính trị của Đảng và ý chí, hoài bão và khát vọng vươn lên của cả dân tộc ta. Đây không chỉ là mục tiêu và định hướng phát triển đất nước được xây dựng dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn trong nước, quốc tế một cách khách quan, khoa học mà còn là sự thể hiện trách nhiệm, tầm nhìn và quyết tâm chính trị lớn lao của Đảng trước tiền đồ và vận hội mở ra cho dân tộc. Mục tiêu, tầm nhìn và định hướng này lại là sự kết tinh của ý chí và khát vọng của một dân tộc mà lịch sử hàng ngàn năm đã chứng minh rằng luôn tìm cách vượt qua mọi thách thức để vươn lên. Dưới thời đại Hồ Chí Minh, dân tộc ấy đã chiến thắng mọi kẻ thù hùng mạnh bậc nhất thế giới để giành, bảo vệ quyền tự quyết và phẩm giá dân tộc. Ngày nay, với nền tảng nội lực, vị thế và cơ hội hiện có, dân tộc Việt Nam hoàn toàn có cơ sở, ý chí và niềm tin để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng được Đại hội XIII vạch ra.
Như vậy, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc không phải là “ý muốn chủ quan” hay là “ước muốn viển vông” mà xuất phát từ cơ sở khoa học và tiềm lực, vị thế của đất nước. Khát vọng đó cũng chính là động lực tinh thần to lớn để cả dân tộc ta vượt qua những khó khăn, thách thức, sớm hiện thực hóa khát vọng cao đẹp của cả dân tộc.
[i] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I, tr. 104
Ngô Chí Nguyện