Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi
Trong rất nhiều bài viết được công bố thời gian gần đây, Tổng Bí thư luôn khẳng định vai trò lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Dấu ấn đậm nét nhất là trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Trong bài viết, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng nước ta. Bài viết khẳng định: “Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam”[1].
Bài viết đã lược khảo đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng từ Cương lĩnh chính trị năm 1930 đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) để khẳng định đường lối phát triển đất nước của Đảng ta qua các thời kỳ lịch sử vừa có sự nhất quán, vừa có sự bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện hơn cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Bài viết nhấn mạnh: “Trong những năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, Đảng Cộng sản Việt Nam từng bước nhận thức ngày càng đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội; từng bước khắc phục một số quan niệm đơn giản trước đây”[2]. Đây là một nhận định khách quan, trên cơ sở của quá trình tổng kết thực tiễn về đường lối lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ đổi mới; đồng thời trực diện phản bác những quan điểm cố tình xuyên tạc, bóp méo khi cho rằng đường lối cách mạng của Đảng ta “thể hiện rõ sự bảo thủ, thiếu đổi mới, sáng tạo”.
Qua việc chỉ ra một cách rất cụ thể những đặc điểm của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhân dân ta đang xây dựng, bài viết đã khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ việc chỉ ra những kết quả toàn diện trên các mặt mà nước ta đã đạt được, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, đồng chí Tổng Bí thư đã khẳng định, việc thực hiện đường lối đổi mới đã đem lại những chuyển biến rõ rệt, hết sức sâu sắc và tích cực ở Việt Nam: kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; nghèo đói giảm nhanh, liên tục; đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố”. Từ đó, đồng chí Tổng Bí thư đã đưa ra quan điểm mang tính khái quát, có tính quy luật với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đó là: Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Quyết tâm vượt qua những khó khăn, thách thức để vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng
Với tinh thần khách quan, nhìn thẳng vào sự thật nói, rõ sự thật, Tổng Bí thư cũng nhiều lần chỉ ra những hạn chế, khó khăn của nước ta trong thời kỳ quá độ bởi lẽ các nhân tố xã hội chủ nghĩa được hình thành, xác lập và phát triển đan xen, cạnh tranh với các nhân tố phi xã hội chủ nghĩa, gồm cả các nhân tố tư bản chủ nghĩa trên một số lĩnh vực. Sự đan xen, cạnh tranh này càng phức tạp và quyết liệt trong điều kiện cơ chế thị trường và mở cửa, hội nhập quốc tế. Do đó, “thành công hay thất bại là phụ thuộc trước hết vào sự đúng đắn của đường lối, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”[3]. Đây là một nhận định rất quan trọng vì đã chỉ ra một nguyên tắc tiên quyết trong việc thành công hay không thành công của Việt Nam trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội những năm tiếp theo. Đó cũng chính là lời cảnh tỉnh cho chính chúng ta nếu quá tự mãn với những kết quả đã đạt được; chủ quan, duy ý chí, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng thì tất yếu sẽ dẫn đến những thất bại.
Không chỉ có vậy, đồng chí Tổng Bí thư đã đưa ra những định hướng quan trọng để tiếp tục có được đường lối lãnh đạo đúng đắn. Điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. Đây được coi là một trong những vấn đề “mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn” đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động.
Sỡ dĩ Đảng ta và đồng chí Tổng Bí thư đặt ra vấn đề này là vì thời gian qua, sự chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động ngày càng tinh vi hơn; những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và tình hình tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... còn diễn biến phức tạp. Nghiêm trọng hơn, “Một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”[4].
Như vậy, bài viết của đồng chí Tổng Bí thư không chỉ làm sáng tõ thêm, sâu sắc thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà còn khẳng định sự lựa chọn của Đảng ta về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là hoàn toàn đúng đắn. Sự lựa chọn đó không chỉ phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân mà còn phù hợp với điều kiện, thực tiễn của Việt Nam và xu thế vận động khách quan của thời đại. Những kết quả đạt được của nước ta qua gần 40 năm đổi mới được đồng chí Tổng Bí thư đưa ra trong bài viết chính là những bằng chứng thuyết phục hơn khẳng định đường lối lãnh đạo của Đảng chính là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đây cũng chính là luận cứ khoa học sắc bén để phản bác lại những luận điệu cố tình bóp méo, xuyên tạc, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng ta.
Đúng như đồng chí Tổng Bí thư khẳng định, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam còn rất nhiều khó khăn, thách thức; đường lối lãnh đạo của Đảng vì thế cũng cần được tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo để luôn có thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống. Do đó, chỉ cần luôn vững tin vào đường lối của Đảng, mỗi chúng ta sẽ có thêm nghị lực và bản lĩnh, tinh thần và trí tuệ để chung sức, đồng lòng bảo vệ, phát triển đường lối của Đảng, đồng thời kiên trì, kiên quyết đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ra đang xây dựng.
Mặc dù một trái tim lớn đã ngừng đập nhưng trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần kiên trung của người cộng sản ấy vẫn tiếp tục soi sáng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta trong những năm tiếp theo. Mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục phát huy trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần “nêu gương”, “tự soi”, “tự sửa” để kế tục sự nghiệp cách mạng của Người, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
[1] Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2022, tr.22
[2] Nguyễn Phú Trọng, Sđd, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2022, tr.23-24
[3] Nguyễn Phú Trọng, Sđd, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2022, tr.25
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.168
Chiên Lê