Bài viết đã đánh giá những kết quả cơ bản của nhiệm kỳ Đại hội XII, từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ XIII và giai đoạn sắp tới, khái quát những vấn đề lý luận và thực tiễn sâu sắc, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và khát vọng phát triển, đi lên của cả dân tộc, thu hút sự quan tâm, đồng tình, đánh giá cao của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Mỗi kỳ Đại hội Đảng đều có ý nghĩa rất quan trọng, là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, của đất nước trong từng giai đoạn, từng thời kỳ phát triển. Đại hội là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, là dịp đánh giá những thành tựu, kết quả đạt được cũng như những hạn chế, khiếm khuyết trong nhiệm kỳ vừa qua; trên cơ sở đó, quyết định đường lối, mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ tiếp theo.
Đại hội XIII của Đảng diễn ra vào thời điểm có tính bước ngoặt lịch sử, đất nước đã trải qua 35 năm đổi mới, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, hướng tới 100 năm thành lập Đảng (năm 2030) và 100 năm thành lập nước (năm 2045) nên càng có ý nghĩa quan trọng, góp phần cổ vũ, khích lệ toàn dân tộc phấn đấu vượt qua những khó khăn, thách thức để hoàn thành những mục tiêu lớn hơn trong tương lai.
Theo đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, một trong những điểm nhấn quan trọng của Đại hội XIII của Đảng là xác định mục tiêu tổng quát trong định hướng phát triển đất nước: phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để đạt được mục tiêu trên, Đảng ta đã đưa ra các mục tiêu cụ thể:
- Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
- Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Những mục tiêu được Đảng ta nêu ra dựa trên cơ sở vững chắc là từ thực tiễn phát triển đất nước trong gần 35 năm đổi mới, đồng thời Đảng cũng đã dự báo những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức trong thời gian tới có thể tác động tích cực hoặc là rào cản đối với quá trình phát triển.
Tuy nhiên, ngay khi bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước được đăng tải, đã có một số ý kiến tỏ rõ sự hoài nghi về các mục tiêu mà Đảng ta đưa ra ở Đại hội XIII. Họ cho rằng những mục tiêu đó không có tính khả thi vì hiện tại Việt Nam vẫn là một nước nghèo, kém phát triển, do đó sẽ không thể đạt được những mục tiêu như đã đề ra trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Có những kẻ còn cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử khi cho rằng “lịch sử Việt Nam 70 năm trở lại đây đã minh chứng rằng người sau chẳng bao giờ nghe theo người trước” nên mới có sự thay đổi tên Đảng, tên nước!
Có thể nói, đây thực chất là những luận điệu của những kẻ cố tình bóp méo lịch sử, quy chụp nhằm chia rẽ nội bộ, làm mất niềm tin của Nhân dân với Đảng, với định hướng phát triển đất nước.
Thực tiễn lịch sử hơn 90 năm thành lập Đảng, hơn 75 năm thành lập nước đã cho thấy: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Từ một nước nhỏ bé, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, ngày nay Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có quy mô dân số gần 100 triệu người, kinh tế đang phát triển năng động, có mức thu nhập trung bình; có quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới, tham gia vào hầu hết các tổ chức quốc tế có uy tín, là thành viên, đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Có được những kết quả đó là nhờ Đảng ta đã kiên trì, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng bổ sung, phát triển đường lối, cương lĩnh của Đảng cho phù hợp với bối cảnh của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử cũng như phù hợp với yêu cầu của tình hình quốc tế. Do đó, không thể cố tình xuyên tạc rằng ở Việt Nam “người sau chẳng bao giờ nghe theo người trước”.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh
Trong bối cảnh khu vực và thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức và diễn biến khó lường, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được nâng lên một bước. Xã hội cơ bản ổn định, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam... có nhiều chuyển biến tích cực.
Đặc biệt, năm 2020, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát, ngăn chặn được sự lây lan của đại dịch COVID-19 trong cộng đồng, hạn chế tối đa những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”; đồng thời từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh, nỗ lực hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2020 và cả giai đoạn 2016 - 2020, trở thành một điểm sáng về phòng, chống đại dịch COVID-19, được thế giới ghi nhận, đánh giá cao, góp phần nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng những mục tiêu mà Đảng ta đã đề ra không phải là không có căn cứ để thực hiện. Những mục tiêu đó cũng chính là động lực, là “ngọn đuốc soi đường” để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ra sức đồng tâm nhất trí, chung sức đồng lòng, chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh’, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc.
Chiên Lê