Sáng 10/6, chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về việc xây dựng và ban hành Hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, việc xây dựng, ban hành ngành kinh tế xanh quốc gia cần bám sát nghị quyết 24 của Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, các chiến lược, quy hoạch, Luật Bảo vệ môi trường 2020, từ đó, làm rõ các tiêu chí, danh mục phân loại xanh. Đặc biệt, là thể chế hóa Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài Nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu trình Thủ tướng ban hành Bộ tiêu chí xanh Quốc gia. Trên cơ sở Bộ tiêu chí, các bộ - ngành phân loại các danh mục ngành kinh tế xanh, từ đó, Bộ kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, hoàn thiện danh mục Hệ thống ngành kinh tế xanh trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kể hoạch Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, Hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia được xây dựng tập trung vào mục đích thống kê, theo dõi chỉ tiêu công và chỉ tiêu tư nhân, tạo nền tảng xây dựng các chính sách nhằm thu hút đầu tư. Theo đó, hướng đến xây dựng một công cụ thống nhất để đánh giá quá trình xanh hóa nền kinh tế một cách toàn diện, trên cơ sở thống kê các hoạt động, dự án đóng góp cho nền kinh tế xanh.
Đây cũng là cách tiếp cận phổ biến khi xây dựng Hệ thống ngành kinh tế xanh của một số tổ chức quốc tế và quốc gia trên thế giới. Dựa trên kinh nghiệm từ Quốc tế, Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống phân loại xanh theo danh mục tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với mục đích xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Theo kinh nghiệm của Trung Quốc, hệ thống đáp ứng 3 mục tiêu cụ thể gồm: Danh mục hướng dẫn về ngành kinh tế xanh, các hướng dẫn tín dụng xanh và Danh mục trái phiếu xanh dựa trên các mục tiêu tăng trưởng xanh và Tiêu chí sàng lọc.
Cũng theo đó, Bộ kế hoạch và Đầu tư chia ngành kinh tế xanh thành 3 nhóm chính gồm: ngành xanh, ngành chuyển đổi và ngành phụ trợ. Thông qua quá trình phân loại, hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia đưa ra gồm 18 lĩnh vực xanh và 109 ngành kinh tế xanh.
Xây dựng và ban hành hệ thống ngành kinh tế xanh là cơ sở pháp lý chính thức để xây dựng các cơ sở chính sách, cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp thuộc ngành, các hoạt động kinh tế đạt chuẩn xanh.