Trong những năm 1939-1945, Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ và Đảng bộ Hà Nội đã tích cực xây dựng hệ thống căn cứ địa cách mạng - An toàn khu của Trung ương, của Xứ ủy Bắc Kỳ trên địa bàn Hà Nội và một số địa phương quanh Hà Nội. Những cơ sở này có vai trò quan trọng trong thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Hà Nội
Chủ trương và việc xây dựng An toàn khu
Ngày 1/9/1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Hội nghị Trung ương tháng 11/1939 đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Cuối năm 1939, Đảng từ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp rút vào hoạt động bí mật, chuyển trọng tâm công tác về nông thôn.
Từ giữa năm 1940, địch đánh phá dữ dội vùng cơ sở cách mạng ở ngoại ô Hà Nội. Nhiều cán bộ, đảng viên trong đó có nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Trung ương, của các Xứ ủy và Đảng bộ Hà Nội bị bắt, Ban Thường vụ Trung ương nhận thấy cần phải bảo vệ Trung ương và Xứ ủy bằng việc lập các An toàn khu (ATK) của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ hoạt động theo nguyên tắc hoàn toàn bí mật, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Trung ương và Xứ ủy.
Từ cuối năm 1940, Trung ương Đảng chủ trương xây dựng an toàn khu ngay sát Hà Nội. Xứ ủy Bắc Kỳ cũng đặt cơ quan chỉ đạo bí mật tại nhiều vùng ở xung quanh Hà Nội. Nhiều ban chuyên môn của Trung ương và Xứ ủy đã cùng với các ban của Thành ủy Hà Nội trực tiếp gây dựng cơ sở cách mạng ở nội thành.
Quán triệt Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 5/1941, các cấp bộ Đảng từ Trung ương đến địa phương đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng về mọi mặt, nhất là công tác khôi phục, củng cố tổ chức Đảng. Sau Hội nghị, Ban Thường vụ Trung ương gồm các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hạ Bá Cang quyết định về đóng cơ quan ở vùng ven Hà Nội, từ đó chỉ đạo phong trào trong cả nước. Đây là quyết định đúng đắn, sáng suốt của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, không đóng cơ quan trong nội thành, song, cũng không chuyển hẳn về nông thôn, mà đóng sát trung tâm chính trị, sát cơ quan đầu não của đối phương để chủ động nắm bắt thông tin, đánh giá tình hình, “bắt mạch” phong trào quần chúng, kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng Hà Nội và cả nước.
Làng Vạn Phúc, một trong những địa điểm trong hệ thống ATK trước Cách mạng tháng Tám (Ảnh tư liệu)Ban Thường vụ Trung ương đã lập một khu an toàn khá rộng trong các làng, xã bao bọc gần già nửa ngoại thành Hà Nội, nằm trên hai bờ sông Hồng, cách trung tâm thành phố từ 10 đến 20 km, thuộc địa bàn thành phố Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Ninh ngày nay. Trên địa bàn Hà Nội, ATK trung ương (ATK1)[1], thuộc các quận, huyện Cầu Giấy, Tây Hồ, Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức; được bố trí tại các địa điểm như Thượng Cát, Xuân Đỉnh, Phú Thượng, Thụy Phương, Đông Ngạc, Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh, Phú Gia, Hồ Khẩu, Đông Xá, An Thái, Bái Ân, Thọ Thôn, Nghĩa Đô, Xuân Canh, Võng La, Vĩnh Ngọc, Hải Bối, Vân Nội, Dục Tú, Cổ Loa…[2].
Cùng với xây dựng ATK của Trung ương, ATK của Xứ ủy Bắc Kỳ được tổ chức ở Tây Mỗ, Đại Mỗ, Vân Canh, Vạn Phúc, Chương Mỹ, Thanh Oai, Nam Ứng Hòa; ATK của Ban Cán sự, Thành ủy Hà Nội được tổ chức ở Dịch Vọng, Yên Hòa, Nghĩa Đô…
Phụ trách An toàn khu là một Đội công tác do Ban Thường vụ chỉ đạo trực tiếp. Tổ chức Đảng trong An toàn khu chỉ có các mối liên kết dọc do Đội công tác trực tiếp phụ trách. Việc chọn các cơ sở đóng cơ quan do các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương trực tiếp cùng một đồng chí trong Đội công tác đi liên hệ, lựa chọn, tự bố trí. Mối liên hệ giữa các đồng chí và các nơi thông qua các đường dây song hành, biệt lập và gián tiếp. Các cơ quan của Trung ương như Ban công vận, Ban binh vận... đều đóng biệt lập, độc lập với nhau và không đóng một chỗ quá lâu. Trong mỗi cơ quan chính lại có một hoặc hai cơ quan dự bị.
Trong vùng An toàn khu của Trung ương không phát động quần chúng đấu tranh, làm như “phong trào đang ngủ" để không gây sự chú ý của địch. Phương châm hoạt động trong An toàn khu là: Dựa vào dân, bám chắc nhân dân; địch đến ta đi, địch đi ta đến; ngụy trang khéo léo.
Dưới sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, của Xứ ủy Bắc Kỳ, của Ban Cán sự Đảng Hà Nội, sự ủng bộ và che chở, bảo vệ của các tầng lớp nhân dân Hà Nội, An toàn khu của Trung ương, của Xứ ủy Bắc Kỳ, của Thành ủy Hà Nội có vai trò to lớn trong cuộc vận động Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Vai trò của các An toàn khu trên địa bàn Hà Nội
Thứ nhất: An toàn khu là nơi bảo đảm an toàn cho các đồng chí lãnh đạo, bảo vệ cơ quan của Đảng. Những địa bàn được chọn để tổ chức An toàn khu là nơi có cơ sở quần chúng vững chắc, tuyệt đối trung thành với Đảng, với cách mạng. Nhân dân là “tai mắt” theo dõi, phát hiện những hoạt động do thám, đánh phá của địch, kịp thời báo cho Đội công tác để kịp thời đối phó, bảo vệ các đồng chí Thường vụ Trung ương. Nhân dân ở các ATK đã khéo léo bố trí nơi ăn, ở, làm việc thuận tiện, kín đáo cho cán bộ; khôn khéo che mắt, đánh lạc hướng địch. Nhiều người không may bị lộ, bị địch bắt, đã mưu trí, dũng cảm, chịu đựng mọi cực hình để bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ quan của Đảng.
Được Đảng tuyên truyền, vận động và dẫn dắt, mặc dù nhân dân trong An toàn khu đa số là nông dân, người lao động nghèo khổ, song họ đã nhường cơm, sẻ áo nuôi giấu cán bộ, chăm sóc các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như chăm sóc người thân. Các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương như Tổng Bí thư Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt; của Xứ ủy Bắc Kỳ và của Thành ủy Hà Nội như Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân, Văn Tiến Dũng, Đào Duy Kỳ… đã được nhân dân, các cơ sở cách mạng ở Liên Mạc, Phú Thượng, Phú Gia, Xuân Tảo (Từ Liêm), Ngọc Giang (Đông Anh)… nuôi giấu. Nhiều gia đình còn đóng góp quần áo, chế thuốc dân gian để bồi dưỡng sức khỏe các đồng chí lãnh đạo của Đảng.
Chính nhờ tổ chức ra An toàn khu, nhờ sự ủng hộ, giúp đỡ, chở che của các tầng lớp nhân dân Hà Nội và các địa phương lân cận mà các đồng chí lãnh đạo có điều kiện thuận lợi về vật chất, tinh thần để tập trung trí tuệ và sức lực hoạt động cách mạng. Trong suốt những năm từ đầu 1942 đến tháng Tám 1945, cơ quan Trung ương được bảo đảm an toàn để lãnh đạo công cuộc cứu quốc.
Nhà bà Nguyễn Thị Thủy (tức bà đồ Hoan) ở thôn La Cả, xã Dương Nội, Hoài Đức, Hà Nội là nơi ở và hoạt động của các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh, Đào Duy Kỳ (Ảnh tư liệu)
Thứ hai: An toàn khu trên địa bàn Hà Nội là đầu mối giao thông liên lạc đối với phong trào cách mạng trên cả nước. Việc bảo đảm giao thông liên lạc thông suốt có tầm quan trọng đặc biệt trong bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng và sự phát triển của phong trào cách mạng. Trong hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm do địch thường xuyên dò la, vây ráp đánh phá cơ sở và phong trào cách mạng; giăng bẫy, truy bắt những cán bộ lãnh đạo của Đảng; ngăn chặn, cắt đứt giao thông liên lạc của Đảng, nhân dân trong An toàn khu trên địa bàn Hà Nội đã giúp các đồng chí làm nhiệm vụ giao thông liên lạc đưa đón cán bộ, chuyển tải tài liệu của Ban Thường vụ Trung ương đến các tổ chức Đảng tại các địa phương được kịp thời, bí mật và an toàn. Tại khu vực Đông Anh, Từ Liêm, nhiều cơ sở, trạm giao thông liên lạc được thiết lập tại các làng, xã như: làng Bỏi (Hải Bối), Văn Thượng - Văn Lộc, Cổ Loa, Phú Xá (Phú Thượng), Cáo Đỉnh (Xuân Đỉnh), Liên Mạc, Chèm (Thụy Phương), Bưởi, Nhật Tân… Trạm liên lạc có thể đặt ở gốc cây gạo, có thể trong quán cơm, trong các gia đình cơ sở trung kiên, thậm chí tại bè kéo vó trên sông Hồng… Từ đây, các nghị quyết, chỉ thị, ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương, báo Cờ Giải phóng, báo Cứu quốc theo các tuyến liên lạc ngược lên Việt Bắc, xuống đồng bằng, vào Trung Kỳ, Nam Kỳ xa xôi, đến với các tổ chức, cán bộ đảng viên trong toàn quốc.
Có thể nói, An toàn khu trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đầu mối giao thông liên lạc, đóng góp vào công tác bảo đảm giao thông liên lạc từ Ban Thường vụ Trung ương đến các Xứ ủy, Tỉnh ủy trên cả nước, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Thứ ba: An toàn khu trên địa bàn Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc giữ vững sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với phong trào cách mạng cả nước. Đứng chân trong An toàn khu đóng sát Hà Nội, Ban Thường vụ Trung ương có điều kiện thuận lợi để nhanh chóng nắm bắt tình hình chuyển biến trong nước và quốc tế, nắm được các âm mưu, hành động của địch, sự phát triển của phong trào cách mạng để dự kiến xu thế phát triển, đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, thúc đẩy phong trào cứu quốc trên cả nước. Trên địa bàn An toàn khu, Ban Thường vụ Trung ương đã tổ chức nhiều hội nghị quan trọng, xây dựng và ban hành nhiều chủ trương lãnh đạo phong trào cách mạng, tiêu biểu như: Năm 1943, tại Phú Thượng (Từ Liêm), đồng chí Tổng Bí thư Trường Chính soạn thảo “Đề cương về văn hóa Việt Nam”; trên tinh thần Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng (9/3/1945), Tổng Bí thư Trường Chinh đã soạn thảo Chỉ thị lịch sử “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội đã chủ động bám sát tình hình trung ương đầu não của thực dân Pháp và phát xít Nhật để đưa ra được những quyết sách chiến lược sáng tạo, chủ động, có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh cách mạng Việt Nam nói chung và phong trào cách mạng ở Hà Nội nói riêng.
Trên địa bàn An toàn khu, Ban Thường vụ Trung ương tổ chức những cơ quan tham mưu, giúp việc, tuyên truyền phục vụ công tác lãnh đạo cao trào cứu quốc như Ban Công vận, Ban Binh vận của Trung ương, của Xứ ủy Bắc Kỳ. An toàn khu cũng là địa bàn các cơ quan báo Đảng, báo Mặt trận như Cờ giải phóng, Tạp chí Cộng sản, Cứu quốc, Chiến đấu, đứng chân, làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến đường lối của Đảng, của Mặt trận đến các cấp bộ Đảng, Mặt trận trên cả nước.
Được xây dựng mang tính liên hoàn trên địa bàn bao bọc gần già nửa ngoại thành Hà Nội, có cơ sở quần chúng vững chắc, có các tuyến giao thông liên lạc thông suốt, An toàn khu trên địa bàn Hà Nội có vai trò quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi và là nhân tố bảo đảm sự lãnh đạo liên tục, sâu sát và kịp thời của Ban Thường vụ Trung ương, của Xứ ủy Bắc Kỳ và của Đảng bộ Hà Nội để đưa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tới thành công.
Nhẫn Trần
[1] Ngoài ATK1, đến năm 1943, Trung ương còn tổ chức ATK dự bị (còn gọi là ATK2) nằm hai ben bờ sông Cầu, thuộc địa phận các huyện Hiệp Hòa (Bắc Ninh), Phú Bình, Phổ Yên (Thái Nguyên), một số xã thuộc Kim Anh, Đa Phúc (Phúc Yên),
[2] Hiện nay, các làng, xã trong ATK có nhiều biến đổi về tên gọi địa giới hành chính.