Trong các cuộc khởi nghĩa từng phần sau khi Nhật đảo chính Pháp, khởi nghĩa Ba Tơ là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu tại địa bàn Nam Trung Bộ, sau đó là quá trình xây dựng, phát triển căn cứ địa tiến tới Cách mạng Tháng Tám tại Quảng Ngãi
Khởi nghĩa thắng lợi
Ở Nam Trung Bộ, khởi nghĩa từng phần đầu tiên diễn ra tại Ba Tơ (Quảng Ngãi). Đây là không chỉ cuộc khởi nghĩa từng phần đầu tiên mà còn là duy nhất ở các tỉnh Nam Trung Bộ. Điểm cần nhấn mạnh ở đây là khởi nghĩa từng phần ở Ba Tơ do các chiến sĩ tù chính trị cộng sản thực hiện, khác với các cuộc khởi nghĩa từng phần ở một số địa phương phía Bắc sau ngày 9/3/1945.
Trong cảnh lao tù, trước tình thế cách mạng sục sôi, Chi bộ Căng an trí (Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi) đã có kế hoạch tổ chức cho tù chính trị thoát ly tập thể, dự tính tiến hành vào ngày 15/3/1945. Khi chủ trương được đưa ra bàn thảo cũng là lúc được tin Nhật đảo chính Pháp. Trước tình hình đó, Chi bộ/ Tỉnh ủy lâm thời đã đi đến quyết định khởi nghĩa từng phần theo tinh thần Nghị quyết Trung ương Tám (5/1941).
Tuy chưa biết Trung ương Đảng đã thay đổi khẩu hiệu Đánh Pháp đuổi Nhật thành Đánh đuổi phát xít Nhật, Pháp, nhưng Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi đã mạnh dạn thay đổi khẩu hiệu mới “Đánh đuổi phát xít Nhật, tẩy sạch phát xít Pháp ở Đông Dương” đúng như chủ trương mới của Đảng.
Đây là một sáng tạo của Đảng bộ địa phương. Và do biết nắm bắt thời cơ, chỉ trong ngày 11/3/1945, khởi nghĩa Ba Tơ giành thắng lợi, chính quyền cách mạng châu Ba Tơ được thành lập, Đội du kích Ba Tơ chính thức ra đời.
Đây là chính quyền cách mạng đầu tiên và lực lượng vũ trang đầu tiên ra đời trong cao trào cách mạng giải phóng dân tộc tại các tỉnh Nam Trung Bộ.
Thành lập Đội du kích Ba Tơ, xây dựng căn cứ địa
Ngày 12/3/1945, Đội du kích Ba Tơ chính thức thành lập. Đây là đơn vị vũ trang cách mạng đầu tiên được tổ chức sau ngày Nhật đảo chính Pháp và nó trở thành tiền đề hết sức quan trọng, có tác động đến quá trình xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng ở Nam Trung Bộ.
Hơn nữa, sự ra đời của Đội du kích Ba Tơ đã trở thành “hạt nhân của các lực lượng vũ trang cách mạng Liên khu 5 sau này” và theo đánh giá của đồng chí Phạm Văn Đồng, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “Đội du kích Ba Tơ xứng đáng là một trong những tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, chỉ ra đời sau Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân 83 ngày”[1].
Sau khi ra đời, từ tháng 4 đến tháng 5/1945, Đội du kích Ba Tơ hoạt động trong vùng đồng bào Thượng (trên dãy núi Trường Sơn hiểm trở).
Nhận thức rõ sự nguy hiểm của Đội du kích Ba Tơ, kẻ thù đã tìm mọi cách để truy lùng hòng tiêu diệt đội du kích đang trong thời kỳ trứng nước. Do vậy, Đội phải chịu đựng muôn vàn khó khăn gian khổ. Tuy nhiên, từ cán bộ đến chiến sĩ ai nấy đều giữ trọn lời thề trong ngày thành lập. Trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi bề, Đội đã đoàn kết keo sơn, tình quân dân thêm gắn bó.
Đội du kích Ba Tơ tuyên thệ, tháng 3/1945 (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Đến tháng 5/1945, Tỉnh ủy Quảng Ngãi cử đồng chí Nguyễn Chánh làm Chính trị Ủy viên cùng với các đồng chí Phạm Kiệt và Nguyễn Đôn lãnh đạo, chỉ huy Đội du kích Ba Tơ. Chi bộ Đảng được thành lập do đồng chí Nguyễn Chánh làm Bí thư.
Giai đoạn này, nhiều chiến sĩ cách mạng, nhiều tổ chức Đảng ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hóa, Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Bình đã trực tiếp liên lạc hay tham gia Đội du kích Ba Tơ.
Tháng 5/1945, Đội du kích Ba Tơ chia làm hai bộ phận: Một đứng chân ở ba huyện Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành và bộ phận còn lại đứng chân ở ba huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và Tư Nghĩa.
Bộ phận phía Bắc lại chia làm ba nhóm nhỏ đứng chân ở Khánh Mỹ, Phương Đình, Châu Nhai, Vĩnh Lộc, sau đó chuyển sang Tư Nghĩa rồi tiếp tục chia ra thành từng nhóm nhỏ từ 2 đến 3 người đi vào các thôn, xóm liên hệ với cơ sở Việt Minh vận động quần chúng, tuyển lựa hội viên cứu quốc tích cực, có sức khỏe bổ sung cho Đội du kích Ba Tơ.
Từ vùng đồng bằng Tư Nghĩa, bộ phận này chuyển lên lập căn cứ tại khu vực Đá Sơn ở chân núi Thạch Bích. Sau đó, đơn vị lại chuyển lên vùng Tà Ót và cuối cùng chuyển toàn bộ lực lượng về huyện Sơn Tịnh, chọn vùng Vĩnh Tuy - nơi có phong trào mạnh, có địa thế thuận lợi, dễ dàng liên lạc với cơ sở cách mạng ra phía Nam tỉnh Quảng Nam; khi gặp khó khăn có thể cơ động chuyển lên vùng núi Trà Bồng, Sơn Hà.
Từ đây, Chiến khu Vĩnh Sơn (vùng núi Vĩnh Tuy) được hình thành.
Bộ phận đi về phía Nam lúc đầu lấy Gò Huyện - Thiết Trường dọc ven sườn Đông Bắc Núi Lớn, ở phía Tây Nam huyện Mộ Đức làm nơi đứng chân và hình thành Chiến khu Núi Lớn. Đây là nơi tiếp giáp các huyện Nghĩa Hành ở phía Bắc, huyện Đức Phổ ở phía Nam, vùng rừng núi Ba Tơ, Minh Long ở phía Tây; có đường liên lạc với các huyện Hoài Nhơn, An Lão của Bình Định. Từ đây, một bộ phận phát triển xuống liên lạc với các tổ chức cứu quốc ở phía Đông đường số 1; một bộ phận phát triển vào phía Nam đến tận vùng biển Sa Huỳnh.
Từ hai Chiến khu Vĩnh Sơn và Núi Lớn, du kích Ba Tơ tiếp tục cử cán bộ đi tuyên truyền xây dựng lực lượng chính trị và quân sự ở các phủ, huyện của tỉnh Quảng Ngãi và cử cán bộ đi giúp các tỉnh Quảng Nam, Bình Định.
Sau một thời gian phát triển, Ban Quân sự tỉnh thành lập hai đại đội du kích tập trung. Đại đội Phan Đình Phùng ở phía Bắc, chọn Vĩnh Sơn làm nơi đứng chân. Đại đội Hoàng Hoa Thám ở phía Nam, đứng chân tại Chiến khu Núi Lớn.
Đội du kích Ba Tơ tham gia giành chính quyền tại Thị xã Quảng Ngãi, tháng 8/1945 (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)Không chỉ là nơi đứng chân luyện tập của lực lượng vũ trang, hai Chiến khu Núi Lớn và Vĩnh Tuy còn là địa bàn đứng chân hoạt động của cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban vận động cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi trong thời điểm lịch sử lúc bấy giờ. Theo đó, nhiều hội nghị quan trọng đã được tổ chức tại đây. Các cơ sở ấn loát cũng đặt tại đây. Nhiều chủ lò rèn xung phong đưa đe, búa lên Chiến khu rèn gươm, mã tấu cho du kích đánh địch. Chiến khu Núi Lớn có một xưởng rèn với số lượng tới hơn hai chục lò. Ở mỗi chiến khu nhỏ cũng có một bộ phận sửa chữa súng hỏng. Lúc đầu, việc ăn ở của các đơn vị du kích hết sức thiếu thốn. Về sau, nhân dân quyên góp lương thực, thuốc men ủng hộ. Hàng tuần hay nửa tháng, các huyện lại tổ chức một chuyến tiếp tế, tạo điều kiện cho Chiến khu phát triển.
Có thể nói, so với các tỉnh Nam Trung Bộ, chủ trương xây dựng căn cứ địa phát triển lên thành Chiến khu, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa chỉ có Quảng Ngãi thực hiện thành công. Các tỉnh khác, cũng có tỉnh đề ra chủ trương nhưng do quá gấp, phải tập trung vào xây dựng cơ sở chính trị nên không có thời gian thực hiện. Tuy hai Chiến khu của tỉnh Quảng Ngãi không phải là vùng giải phóng như Khu giải phóng ở Việt Bắc; hơn nữa, chính quyền bù nhìn cấp tỉnh, cấp huyện chưa bị phá bỏ như ở Chiến khu Trần Hưng Đạo, nhưng trên thực tế, phần lớn vùng núi nông thôn và đồng bằng Quảng Ngãi đều do cách mạng kiểm soát.
Sự hiện diện của hai Chiến khu trong thời điểm lịch sử lúc bấy giờ còn là nguồn cổ vũ lớn không những đối với phong trào cách mạng ở Quảng Ngãi mà còn cho cả khu vực các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, để quần chúng cách mạng mạnh dạn tham gia tranh đấu và làm cho các tầng lớp trung gian ngả mạnh hơn về phía cách mạng.
Hơn nữa, với hai Chiến khu này, Quảng Ngãi đã trở thành điểm quan trọng, nối đường dây liên lạc giữa Trung ương và các tỉnh từ Quảng Bình, Quảng Trị đến Khánh Hòa, Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên.
Bình Nguyễn
[1] Cách mạng Tháng Tám tại các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, Nxb, Đà Nẵng, 2005, tr.133.