Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng”, “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng nhấn mạnh “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” là một trong những giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, bảo đảm cho mọi hoạt động ở cơ sở theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Được xem là “nền tảng” của Đảng, là “hạt nhân” chính trị ở cơ sở, chi bộ trong sạch, vững mạnh sẽ đáp ứng tốt yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Công tác chi bộ nói chung và vai trò của chi bộ trong việc tuyên truyền, giáo dục chính trị cho cán bộ đảng viên, tạo nên lá chắn thép với những nhận thức đúng đắn từ đó đẩy lùi những luận điệu xuyên tạc, chống phá, bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng đã được chứng minh trong thực tiễn.
Tuy nhiên, hiện nay, chất lượng sinh hoạt chi bộ đang đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục điều chỉnh, định hướng với không ít những tồn tại hạn chế. Đó là công tác chuẩn bị cho mỗi buổi sinh hoạt chi bộ thường sơ sài, mang tính hính thức, đảng viên ngại ghi chép vào sổ Đảng hay còn e dè, thảo luận thiếu sôi nổi. Buổi sinh hoạt chi bộ chưa tìm ra được điểm mới để đưa ra nghị quyết sát với thực tiễn, kết luận buổi sinh hoạt còn chung chung, chưa rõ ràng, cụ thể... Một số đồng chí bí thư chi bộ trong điều hành còn thiếu linh hoạt, cứng nhắc, chưa “truyền lửa” và tạo được sức hấp dẫn đối với cán bộ, đảng viên. Điều đó khiến cho việc truyền tải các văn bản, ý kiến chỉ đạo của Đảng còn dập khuôn, máy móc, chưa tập hợp, phát huy được trí tuệ tập thể trong sinh hoạt chi bộ. Không ít các đồng chí đảng viên khi dự họp còn thụ động, ít tham gia phát biểu ý kiến, trong khi nội dung sinh hoạt chi bộ đơn điệu, chậm đổi mới khiến cho mỗi kỳ sinh hoạt trở nên áp lực đối với đảng viên.
Chất lượng sinh hoạt ở các chi bộ không đồng đều. Có những chi bộ trong các buổi sinh hoạt chưa phân biệt rõ giữa sinh hoạt Đảng và sinh hoạt chuyên môn. Mặc dù sinh hoạt chuyên đề có vai trò hết sức quan trọng, nhưng có chi bộ tổ chức sinh hoạt chưa thường xuyên hoặc không sinh hoạt theo từng chủ đề, chuyên đề. Đây là lý do vì sao chất lượng sinh hoạt chi bộ không cao, cần phải đổi mới, tìm hướng đi thích hợp. Những hiểu biết về công nghệ thông tin, truyền thông trên mạng xã hội còn hạn chế dẫn đến việc chưa nắm bắt một cách đầy đủ, toàn diện về nguồn thông tin, dẫn đến có những lúc ngộ nhận, dao động.
Trước một thực trạng như thế, việc đẩy mạnh xây dựng chi bộ trong tình hình mới được đặt ra như một yêu cầu cấp bách. Trong đó, quan trọng nhất là xác định được vị thế, tầm vóc của chi bộ trong cuộc đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, phản bác lại những quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội.
Để công tác xây dựng chi bộ trở thành then chốt trong nhiệm vụ đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội, cần tập trung xây dựng chi bộ vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh ở cơ sở. Điểm mấu chốt để xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh là yếu tố con người, tức là mỗi đảng viên phải “vừa hồng vừa chuyên”, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị vững vàng.
Nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ, thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình. Nâng cao chất lượng công tác cán bộ, từ việc quy hoạch đến nhận xét, đánh giá, gắn với kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Trong sinh hoạt chi bộ thường kỳ hàng tháng cần đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) trở thành nội dung sinh hoạt bắt buộc. Trong sinh hoạt chi bộ, cấp ủy cần thường xuyên quán triệt nhiệm vụ đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch để đảng viên nhận thức rõ vấn đề, có chính kiến và sẵn sàng đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nếu mỗi đảng viên chưa nhận thức hoặc nhận thức chưa đầy đủ về yêu cầu của nhiệm vụ, im lặng trước những luận điệu xuyên tạc, chống phá sẽ không thể tuyên truyền để nhân dân biết hệ lụy khi tiếp nhận những quan điểm sai trái, thù địch.
Xác định nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt của chi bộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Phát triển đảng viên là nhiệm vụ thường xuyên, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ. Trong tình hình mới cần phát triển đảng viên trong doanh nghiệp nước ngoài, trong học sinh, sinh viên, thanh niên lao động tự do tại địa phương. Không chỉ quan tâm đến số lượng, cần chú trọng đến chất lượng, hướng đến mỗi đảng viên trong chi bộ sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, chủ động nắm bắt tình hình trên không gian mạng, biết cách phản bác những quan điểm sai trái, dùng chính những quan điểm sai trái đó để vạch trần bản chất chống phá của các thế lực thù địch.
Từng địa phương, cơ quan, đơn vị, cấp ủy chi bộ và mỗi đảng viên cần nâng cao trách nhiệm gương mẫu, đi đầu trong việc nhận diện hành vi xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch; chủ động đấu tranh phản bác, vạch trần những thủ đoạn lợi dụng tự do, dân chủ để kích động, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào Đảng và chính quyền. Mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng được chi bộ vững mạnh với đội ngũ cán bộ đảng viên có bản lĩnh chính trị sẽ có được hiệu quả tích cực trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch./.
PV