Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng ta đã nêu bật tầm quan trọng và khẳng định công tác xây dựng Đảng giữ vị trí then chốt. Trong hơn 35 năm qua, việc thực hiện kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng gắn liền với cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 Khóa VIII, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ
Cuộc vận động tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 lần 2 (năm 1999)
Trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ VIII, tại Hội nghị Trung ương Hội nghị Trung ương 6 lần 2, tháng 01/1999, Trung ương triển khai Nghị quyết Số 10-NQ/TW, ngày 02/02/1999 “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”. Ban Chấp hành Trung ương đã có một quyết định đặc biệt là phải tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình.
Cuộc vận động được tiến hành theo 3 bước:
Bước chuẩn bị kiểm điểm: Việc tự phê bình và phê bình được tiến hành từ trên xuống. Ở Trung ương, tập thể và cá nhân các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị kiểm điểm trước, tiếp sau đó là kiểm điểm của các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy. Bản dự thảo kiểm điểm của Bộ Chính trị có sự góp ý từ các ban đảng; bản kiểm điểm của các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc, các ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, có sự đóng góp ý kiến của cấp ủy cấp dưới, các tổ chức quần chúng, các đồng chí lão thành cách mạng. Trên cơ sở bản dự thảo kiểm điểm của các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc, các ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, có sự đóng góp ý kiến của các ban đảng, Thường vụ Bộ Chính trị có bản gợi ý kiểm điểm đối với tập thể và các thành viên trong ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc, các ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy.
Bước tiến hành kiểm điểm: Trên cơ sở bản kiểm điểm của ban thường vụ cấp ủy, bản gợi ý của Thường vụ Bộ Chính trị và bản giải trình theo gợi ý của Thường vụ Bộ Chính trị, các đơn vị tiến hành kiểm điểm theo chỉ đạo của Tổng bí thư. Các cấp ủy phải đặt lên bàn nghị sự những vấn đề nổi cộm. Nếu trong quá trình kiểm điểm có vấn đề quan trọng có ý kiến khác nhau thì tiến hành biểu quyết.
Bước sau kiểm điểm: Từng đơn vị có kế hoạch sửa chữa những khuyết điểm đã được kết luận trong hội nghị kiểm điểm. Đối với những vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì giao cho các cơ quan chức năng giải quyết theo pháp luật.
Nhiệm kỳ lần thứ VIII của Đảng đã đề ra Nghị quyết “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”, tháng 2/1999 (Ảnh tư liệu)Cuộc vận động đã mạng lại những kết quả đáng khích lệ.
Bước chuẩn bị kiểm điểm: Nhìn chung, các ban thường vụ cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu đã thể hiện ý thức trách nhiệm cao trong việc chuẩn bị kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Nhiều ban thường vụ cấp ủy xây dựng bản kiểm điểm khá công phu, có nơi viết đi viết lại nhiều lần và mỗi lần bổ sung hoàn chỉnh đều tiến hành thảo luận tập thể trong Ban Thường vụ, trong lãnh đạo để có sự thống nhất và nâng cao chất lượng báo cáo. Nhiều đồng chí đứng đầu Ban Thường vụ cấp ủy, tổ chức đảng đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng báo cáo, suy nghĩ về những vấn đề được nêu trong kiểm điểm, đặc biệt là tìm phương hướng giải pháp khắc phục những khuyết điểm, yếu kém. Bản kiểm điểm đã lấy ý kiến đóng góp của cấp ủy cấp dưới, của các tổ chức đảng, ban, ngành, đoàn thể, của các đồng chí lão thành cách mạng, các cấp ủy viên đã nghỉ hưu, có nơi tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, khu dân cư nơi đồng chí thường vụ cấp ủy đang sống. Nội dung của nhiều bản kiểm điểm đã phân tích, nêu rõ những sự việc tiêu cực, nổi cộm ở địa phương mà nhân dân, dư luận báo chí nêu lên. Những ý kiến đóng góp thẳng thắn, đúng đắn được trình bày phân tích trong bản kiểm điểm chung của cấp ủy. Bản gợi ý kiểm điểm của Thường vụ Bộ Chính trị cho từng cấp ủy dựa trên cơ sở tổng hợp từ thực tế tình hình địa phương, đơn vị, từ bản kiểm điểm chung của đơn vị,…
Kiểm điểm tự phê bình và phê bình của ban thường vụ cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương: Phần lớn Ban Thường vụ cấp ủy trong quá trình tiến hành kiểm điểm tập thể đã thảo luận bám sát những gợi ý kiểm điểm của Thường vụ Bộ Chính trị, phân tích, tranh luận đi đến thống nhất theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Có việc, có nơi đã dùng hình thức biểu quyết bằng phiếu kín đối với các vấn đề quan trọng, nổi cộm của cấp ủy, của địa phương trên 3 nội dung chủ yếu của kiểm điểm. việc kiểm điểm nhằm làm rõ ưu, khuyết điểm để rút kinh nghiệm, khắc phục thiếu sót đồng thời xem xét cả những vi phạm cần phải xử lý kỷ luật. Trong quá trình kiểm điểm, một số tập thể và cá nhân đã tự giác nhận hình thức kỷ luật. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương được phân công phụ trách đễ nêu cao tinh thần trách nhiệm, trực tiếp về dự và chỉ đạo kiểm điểm ở các đơn vị. Do việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình nghiêm túc, đúng quy trình, có sự chỉ đạo chặt chẽ của cấp trên, có thông tin đầy đủ cho nên các cấp ủy thảo luận, phân tích kỹ, thẳng thắn tự giác nhận rõ trách nhiệm về những ưu, khuyết điểm cụ thể của tập thể và cá nhân. Qua kiểm điểm, phần lớn các tập thể thường vụ cấp ủy thông cảm, cởi mở và hiểu nhau hơn, đoàn kết hơn. Đây cũng là dịp để Trung ương nắm tương đối kỹ và toàn diện tình hình của các ngành, địa phương.
Xử lý những vấn đề nổi cộm sau kiểm điểm: Sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình, nhiều ban thường vụ cấp ủy đã có chuyển biến về nhận thức trách nhiệm, đoàn kết nội bộ và chỉ đạo điều hành theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Những vụ việc nổi cộm được nhiều ban thường vụ xem xét, xử lý. Nhiều nơi đã cho thẩm tra, kết luận tiếp những vụ việc phát hiện có tiêu cực, tham nhũng, cho khởi tố các vụ án có đủ chứng cứ vi phạm pháp luật, đã xử lý một số vụ việc về tổ chức, về cán bộ kém phẩm chất. Việc Trung ương xử lý nhiều vụ kỷ luật về trách nhiệm đối với những cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý và chỉ đạo xử lý kỷ luật các vụ việc ở một số địa phương như Hà Nội, Hà Nam, Cà Mau, Sóc Trăng,… và một số ngành như hải quan, ngân hàng,…cũng như kiểm điểm ở nhiều tỉnh để kết luận và xử lý nghiêm túc, đã có tác động tích cực, thúc đẩy các cấp ủy làm tốt công tác kiểm điểm, tổ chức .
Một số địa phương như Tuyên Quang, Sơn La, Hà Tĩnh, Hà Giang,…sau kiểm điểm đã có thông báo cho đảng bộ và nhân dân thực hiện kế hoạch hành động cụ thể, kịp thời sửa chữa những thiếu sót, tồn tại của cấp ủy mà trong kiểm điểm đã thảo luận và nhất trí. Những việc nêu trong kế hoạch được làm ngay, với sự phân công cụ thể người chịu trách nhiệm, có bước đi, thời hạn hoàn thành và tổ chức theo dõi kiểm tra kết quả đó. Từ đó làm tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sau khi thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thông qua 3 bước chuẩn bị, tiến hành kiểm điểm và sau kiểm điểm, các đảng bộ trực thuộc Trung ương đã có nhiều cố gắng, các vấn đề trong nội bộ cấp ủy đã được đặt ra và giải quyết, những tồn tại trong nhiều năm qua đã được xem xét và kết luận. Nhiều đồng chí qua kiểm kiểm điểm đã thành thật nhận khuyết điểm; những hành vi tiêu cực về đạo đức, lối sống được đấu tranh phê phán; những vụ tham nhũng, sách nhiễu được lên án,… đoàn kết nội bộ ở nhiều nơi được củng cố, dân chủ được tôn trọng, ý thức trách nhiệm trong công tác được nâng lên. Những chuyển biến trong Đảng đã có tác dụng tích cực trong xã hội; công việc ở nhiều cơ quan, đơn vị bước đầu được chấn chỉnh; kỷ luật lao động và tinh thần làm việc có chuyển biến tích cực; việc sử dụng xe công, điện thoại, điện nước, tiếp khách cũng tiết kiệm hơn,…
Qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, số cán bộ bị xử lý kỷ luật thuộc diện Trung ương quản lý là 53 đồng chí, trong đó, có 10 đồng chí Ủy viên trung ương. Số cán bộ từ cấp huyện ủy quản lý trở lên bị kỷ luật hơn 19.000 đồng chí. Ban Chỉ đạo và Thường trực Trung ương 6 (lần 2) đã thúc đẩy việc điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án lớn liên quan đến quản lý kinh tế, lợi dụng chức vụ quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng …Trong các vụ án ấy, nhiều cán bộ cao cấp, từ Thứ trưởng, Phó Chủ tịch tỉnh, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đến đương kim Ủy viên Trung ương đã bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức, thậm chí phải chịu án tù[1].
Đó là hồi chuông cảnh tỉnh cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt việc vi phạm những nguyên tắc xây dựng Đảng.
Chúng ta thường thấy các vi phạm về pháp luật thường bắt đầu bằng việc vi phạm các nguyên tắc xây dựng Đảng, trước hết và trên hêt là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc phê bình và tự phê bình.
Quốc Tuyên (Còn tiếp)
[1] Nghĩa Nhân: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng – lát cắt 13 năm, báo Pháp Luật, ngày 17/4/2012