Xây dựng, chỉnh đốn, bảo vệ các nguyên tắc xây dựng Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI
Từ sau Đại hội XI, nhất là sau khi có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tăng cường công tác kiểm tra và kỷ luật Đảng, kiên quyết xử lý những sai lầm, khuyết điểm vi phạm nguyên tắc xây dựng Đảng.
Bộ Chính trị Ban Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các cấp ủy đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện triển khai theo nội dung Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ cấp bách và các nhóm giải pháp được nêu ra. Một trong nhiệm vụ quan trọng trong việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) là thực hiện việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, tiến hành kiểm điểm và lấy ý kiến đóng góp cho các đồng chí cấp ủy và lãnh đạo chủ chốt các cấp.
Mục đích của đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khoá XI) là nhằm để mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4, từ đó có nhận thức tư tưởng, chính trị đúng đắn, chuyển hóa thành hành vi chuẩn mực; ngăn chặn đẩy lùi, khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, mà trước hết là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấ; củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng.
Việc kiểm điểm được tiến hành từ cấp trung ương đến cấp cơ sở, cấp trên kiểm điểm trước, cấp dưới kiểm điểm sau; cán bộ lãnh đạo chủ chốt kiểm điểm trước, đảng viên kiểm điểm sau. Phương thức thực hiện kiểm điểm là lấy ý kiến tham gia góp ý của tập thể và cá nhân theo đúng với hướng dẫn của cấp uỷ cấp trên; sau đó, sẽ tổng hợp các ý kiến tham gia góp ý. Trên cơ sở đó, cấp ủy sẽ xây dựng dự thảo báo cáo kiểm điểm của tập thể Ban Thường vụ, các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy báo cáo kiểm điểm cá nhân.
Việc triển khai và kết quả đạt được về kiểm điểm tự phê bình và phê bình là một nội dung rất quan trọng Nghị quyết Trung ương 4 đề ra.
Ở cấp Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư bắt đầu tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình từ ngày 12-7-2012. Thời gian tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư là 21 ngày (trong đó, 4 ngày tập thể kiểm điểm, cá nhân kiểm điểm trong 12 ngày, tiếp theo là 5 ngày dành cho thảo luận làm rõ những vấn đề có liên quan đến kiểm điểm). Việc kiểm điểm được tiến hành theo đúng nguyên tắc và quy định của Đảng; đồng thời cũng vẫn giữ vững tình đoàn kết; dảm bảo sự nghiêm minh những cá nhân vi phạm khuyết điểm, theo tinh thần giúp nhau tìm ra hạn chế, khuyết điểm, khắc phục để cùng tiến bộ.
Tỉnh ủy Quảng Ninh quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, năm 2012
Theo phương thức triển khai đó, “Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã triển khai chuẩn bị một cách công phu, nghiêm túc, chặt chẽ. Đã có 89 tập thể và 103 cá nhân gửi văn bản góp ý cho tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư; 25 tập thể, 36/36 chi bộ nơi công tác, nơi cư trú và 72 đồng chí góp ý cho cá nhân, các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Nhiều ý kiến góp ý rất thẳng thắn, sâu sắc, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, xây dựng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lọc ra 30 vấn đề cần phải tiếp thu, giải trình kỹ và giao cho các cơ quan hữu quan (Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng) giúp Bộ Chính trị chuẩn bị báo cáo”[1]. Tập thể và cá nhân kiểm điểm theo những nội dung mà Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu ra. Những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm đều được đặt ra, phân tích, mổ xẻ khá sâu sắc. Qua kiểm điểm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ rõ những ưu điểm và hạn chế cơ bản:
Về ưu điểm: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư là tập thể lãnh đạo đoàn kết, vững vàng về chính trị, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Nhìn chung, các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn có ý thức giữ gìn đạo đức cách mạng, sống lành mạnh, giản dị, khiêm tốn; hết lòng, hết sức tận tuỵ phấn đấu vì sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. Trước tình hình quốc tế và trong nước có những diễn biến phức tạp, khó lường, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, bám sát các quan điểm, đường lối nêu trong Cương lĩnh, Chiến lược, Nghị quyết Đại hội toàn quốc của Đảng và tình hình thực tiễn, quyết định nhiều chủ trương, quyết sách đúng đắn, sáng suốt; lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu to lớn và quan trọng”[2].
Về khuyết điểm: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa ngăn chặn, khắc phục được tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt về lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tuỳ tiện, vô nguyên tắc”[3].
Ở cấp cơ sở, Qua kiểm điểm, cấp ủy Đảng các cấp sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến tham gia góp ý với tập thể và từng cá nhân các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, với tinh thần thực sự cầu thị, khách quan; tự giác, trung thực để phát huy ưu điểm, thấy rõ khuyết điểm của tập thể và từng cá nhân để tự khắc phục sửa chữa. Cấp ủy Đảng và toàn thể cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc việc đánh giá xếp loại tổ chức Đảng và đảng viên gắn với kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Cùng với quá trình kiểm điểm, phê bình và tự phê bình, các cấp ủy Đảng đã tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo tinh thần khách quan, khoa học; tránh sa vào hình thức, đối phó mà hướng tới hiệu quả, chất lượng cụ thể. Nơi nào làm chưa tốt phải kịp thời đôn đốc, nhắc nhở, rút kinh nghiệm.
Thông qua tiến hành tự kiểm điểm, phê bình và tự phê bình, “đã tạo được một số chuyển biến khá rõ, như: phát huy ngay các nhân tố tích cực, siết lại kỷ luật, kỷ cương, có tác dụng cảnh báo, răn đe, cảnh tỉnh và góp phần ngăn chặn các hành vi tiêu cực. Từ các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến cán bộ, đảng viên bước đầu có tự sửa chữa khuyết điểm, tự điều chỉnh hành vi và các hoạt động của mình trong công tác và trong cuộc sống hằng ngày của gia đình, vợ con và người thân”[4].
Nhờ có sự lãnh đạo sát sao của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các cấp ủy đảng, sự vào cuộc của toàn Đảng, kết quả thực hiện theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã đạt được những kết quả cơ bản, quan trọng.
[1] Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Văn kiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia, 2012.
[2] Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Văn kiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI, Sđd.
[3] Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Văn kiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI, Sđd.
[4] Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Văn kiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI, Sđd.