Trong bối cảnh đời sống văn hóa ở cơ sở nảy sinh nhiều vấn đề làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, Đảng và Nhà nước đã đề ra đường lối, chủ trương và giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng đời sống văn hóa cơ sở
Chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở trong những năm 1998 - 2005
Ngày 12/1/1998, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 27-CT/TW “về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”, yêu cầu việc cưới, việc tang, lễ hội phải được tổ chức lành mạnh, tiết kiệm, tránh xa hoa lãng phí, phiền nhiễu; chống khuynh hướng kinh doanh, vụ lợi; xoá bỏ hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan.
Tiếp đó, ngày 16/7/1998, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” xác định xây dựng đời sống văn hóa là lĩnh vực cần đặc biệt quan tâm.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã xác định được những định hướng cơ bản có tính chiến lược, đồng thời xác định được những trọng điểm cần giải quyết trước những vấn đề cấp bách đang đặt ra cho xã hội trên lĩnh vực văn hóa. Nghị quyết xác định cần phải: “Bảo tồn có chọn lọc, cải tiến, đổi mới những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; loại bỏ dần trong cuộc sống những hình thức lỗi thời, lạc hậu; nghiên cứu xây dựng và hình thành dần những hình thức vừa văn minh, vừa gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”[1].
Để các Nghị quyết của Đảng được triển khai rộng khắp trong cả nước một cách hiệu quả, ngày 23/9/1999, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 235/1999/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đây là cuộc vận động mang ý nghĩa chính trị, văn hóa - xã hội rộng lớn, có tính thường xuyên, lâu dài và gắn liền với xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Nhà văn hóa Khu phố 4 (phường Giếng Đáy, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) có diện tích sân rộng, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, rèn luyện thể thao của nhân dân (Ảnh Internet)
Năm 2001, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đề ra nhiệm vụ “Cải thiện đời sống văn hóa ở những vùng đời sống văn hóa còn thấp kém, nhất là những vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, biên giới hải đảo, vùng đồng bào dân tộc, đáp ứng nhu cầu bức thiết về đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân”[2]; cùng với đó chú trọng: “xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đẩy lùi các tệ nạn cờ bạc, ma túy, mại dâm, bạo lực và gây rối trật tự công cộng”[3].
Về định hướng phát triển văn hóa, Nghị quyết chỉ rõ: Đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; phong trào “người tốt việc tốt”; “phát động phong trào toàn dân tham gia thực hiện nếp sống văn minh, gia đình, bản, làng văn hóa; tiến tới hoàn chỉnh thiết chế văn hóa bằng nguồn lực của Nhà nước và mở rộng xã hội hóa, làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người. Phấn đấu 78% xã, phường có nhà văn hóa; 50% làng, xóm, khu phổ đạt chuẩn văn hóa cấp Quốc gia và 80% gia đình đạt chuẩn văn hóa[4].
Tháng 7/2004, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX một lần nữa đề cập một cách toàn diện những nội dung cơ bản của công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở như: xây dựng nếp sống văn hóa mới trong sáng, lành mạnh, văn minh; tổ chức các hoạt động thông tin cổ động, phong trào văn nghệ quần chúng, xây dựng các thiết chế văn hóa như: thư viện, bảo tàng, bưu điện văn hóa… Phải khơi dậy và phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, mọi nguồn lực xã hội để xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Những xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở giai đoạn 1998-2005
Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở từ năm 1998 trở đi đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, nhất là từ khi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được ban hành và đi vào cuộc sống. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhanh chóng trở thành một cuộc tổng động viên, thu hút rộng rãi các lực lượng chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân tham gia.
Phong trào đã được cụ thể hóa vào các phong trào xã hội như xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan đơn vị văn hóa; xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh... Hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đã thành lập Ban chỉ đạo phong trào các cấp với sự tham gia của đại diện chính quyền các ban, ngành, đoàn thể. Xây dựng đời sống văn hóa đã trở thành nội dung công tác quan trọng trong hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, từng bước đưa văn hóa ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn và phát huy sức mạnh tổng hợp thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.
Năm 2000, số gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa là 8.703.398, đạt tỷ lệ 49,8%. Đến năm 2005, số gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa tăng lên 12.824.392, đạt tỷ lệ 78,39%. Các gia đình văn hóa thực sự trở thành cơ sở nền tảng cho việc xây dựng thành công làng văn hóa, khu phố văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa.
Lễ hội cầu ngư diễn ra tại đình làng Thái Dương, Phường Thuận An, TP. Huế, với sự tham gia của các bô lão, ngư dân, cùng đông đảo người dân và du khách (Ảnh: VGP/Lê Hoàng)
Năm 2000, cả nước có 16.758/80.303 làng, khu phố được công nhận danh hiệu Làng, Khu phố văn hóa, đạt tỷ lệ 20,8%. Đến năm 2005, con số này tăng lên 42.929, đạt tỷ lệ 53,4%.
Như vậy, so với chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng định hướng đến năm 2005 cả nước có 80% gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa, 50% làng, xóm, phường có nhà văn hóa thì 2 chỉ tiêu về gia đình văn hóa và làng, bản, khu phố văn hóa đã đạt mục tiêu. Tại các làng, thôn, ấp, bản văn hóa, đời sống kinh tế của người dân được nâng cao, an ninh trật tự được giữ vững; cảnh quan đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, tình đoàn kết xóm làng được tăng cường. Ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân được nâng cao, các sinh hoạt văn hóa được tổ chức vui tươi, lành mạnh, bổ ích.
Riêng số lượng nhà văn hóa cấp xã, phường mới đạt khoảng 40%, còn cách xa chỉ tiêu 78 %. Đối với khu vực miền núi, việc xây dựng nhà văn hóa cấp xã chưa phù hợp, các địa phương tập trung xây dựng các nhà văn hóa thôn, bản cho phù hợp với điều kiện sinh hoạt của nhân dân.
Các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa xã, phường, thôn, ấp, bản, khu phố có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Tại đây có hàng loạt các loại hình câu lạc bộ văn hóa được tổ chức với các nội dung hoạt động có liên quan đến tuyên truyền, phổ biến kiến thức về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công để phát triển kinh tế; thực hiện sinh đẻ có kế hoạch; vệ sinh môi trường; tuyên truyền và nâng cao nhận thức về pháp luật cho nhân dân.
Việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo chủ trương của Đảng và Nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều phong tục mới tốt đẹp được hình thành, loại bỏ dần các nghi thức rườm rà, các hủ tục lạc hậu. Các lễ hội truyền thống và lễ hội cách mạng, lễ hội văn hóa du lịch... được tổ chức đi dần vào nền nếp và lành mạnh, trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa xã hội, góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc của đất nước.
Thành tích đáng ghi nhận trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là đẩy mạnh và phát huy hiệu quả của công tác xã hội hóa văn hóa. Nhân dân nhiều địa phương đã tự nguyện đóng góp xây dựng các thiết chế văn hóa cách mạng, trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, mua sắm các phương tiện phục vụ sinh hoạt văn hóa và tham gia các hoạt động sáng tạo văn hóa. Nhiều câu lạc bộ văn hóa gia đình, cộng đồng, nhiều đội văn nghệ được tự nguyện thành lập làm phong phú thêm đời sống văn hóa ở cơ sở. Số kinh phí do nhân dân đóng góp xây dựng nhà văn hóa cộng đồng trong 5 năm (2001 - 2005) là 2.523 tỷ đồng. Ý thức về nếp sống văn hóa, coi trọng giá trị văn hóa đã được nhận thức và nâng lên trong mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng dân cư.
Mặc dù còn một số hạn chế trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân còn chênh lệch khá xa giữa vùng đồng bằng, đô thị với các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo; hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa ở cơ sở chưa cao, chưa phát huy hết vai trò tác dụng trong đời sống nhân dân do thiếu nguồn kinh phí hoạt động và cán bộ tổ chức hướng dẫn; chưa phát huy đầy đủ vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa, vẫn còn hiện tượng trông chờ vào bao cấp, làm giảm đi sự chủ động, sáng tạo trong việc tổ chức đời sống văn hóa, ảnh hưởng tới việc khai thác, phát huy các giá trị văn hóa phong phú, đặc sắc của mỗi vùng, miền.
Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở xét cho cùng là xây dựng con người có nếp sống văn hóa. Nhiều người có văn hóa, nhiều gia đình có văn hóa, nhiều làng, thôn, ấp, bản có văn hóa cộng lại sẽ tạo nên một xã hội có văn hóa, mà ở đó các giá trị nhân văn được tôn trọng, đề cao, đời sống nhân dân ở cơ sở ngày càng văn minh, tiến bộ song hành cùng sự phát triển kinh tế- xã hội mạnh mẽ của đất nước.
Hằng Nga
[1] Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Cục Văn hóa cơ sở: Các văn bản của Đảng và Nhà nước về nếp sống văn hóa, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2014.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam; Sđd,, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.