Cảng cá Tam Quan được công nhận là cảng cá loại 2 vào năm 2021. Đây là nơi cập cảng bán sản phẩm của hàng ngàn tàu cá và là nơi tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão. Ông Bùi Thanh Minh, ở thôn Thiện Chánh 1, phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn có tàu cá đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, mỗi tháng tàu cập cảng Tam Quan một lần. Nhiều năm nay, luồng lạch ở cảng cá này bị bồi lấp, ảnh hưởng việc ra vào cảng của tàu thuyền.
Theo ông Bùi Thanh Minh, để nghề cá phát triển bền vững cần quy hoạch cảng cá Tam Quan gắn với các dịch vụ hậu cần nghề cá ổn định, từ đó thu hút doanh nghiệp chế biến các loại hải sản.
“Cảng cá hình thành cách đây 2 năm bà con ngư dân rất vui mừng. Cảng hoàn thành rồi nhưng luồng lạch còn bất cập. Thị xã Hoài Nhơn có hơn 2.000 chiếc tàu đánh bắt xa bờ nhưng luồng lạch không đủ nhu cầu cho tàu thuyền ra vào nên còn xảy ra va chạm với nhau. Cảng cá lớn cần có một cái chuỗi liên kết đến sơ chế như thế giá thành hải sản mới được nâng lên. Hiện thị xã Hoài Nhơn chưa có một chuỗi chế biến nên buộc thương lái chuyển qua các tỉnh khác chế biến rồi mới xuất đi” - ông Bùi Thanh Minh chia sẻ.
Thị xã Hoài Nhơn có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn, đa số người dân nơi này đều tham gia nghề biển. Đây còn là cửa ngõ phía bắc tỉnh Bình Định và nằm trên hành lang kinh tế biển, hành lang thương mại theo tuyến đường bộ ven biển (tỉnh lộ 639) kéo dài từ phường Tam Quan đến tỉnh Phú Yên.
Hiện nay, dọc đường ven biển tỉnh Bình Định được quy hoạch các phân khu và phát triển không gian kinh tế biển bền vững; định hướng xây dựng chuỗi đô thị du lịch biển, các khu du lịch, khu vực nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp gang thép, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, cảng biển và năng lượng tái tạo.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cho rằng, các tuyến đường Đông - Tây trên địa bàn thị xã đang xây dựng được kết nối trực tiếp với đường ven biển sẽ tạo thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với kinh tế biển.
“Hiện nay, đường tỉnh 639 đưa vào hoạt động đem lại rất hiệu quả. Đồng thời, theo quy hoạch của đô thị Hoài Nhơn đến năm 2030, quy hoạch phân khu của dọc tuyến này thì với động lực phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch ven biển hiện nay thị xã Hoài Nhơn đã quy hoạch phân khu rất chi tiết và đầy đủ để gắn với phát triển kinh tế biển, thực hiện theo chương trình hành động của Thị ủy trong nhiệm kỳ 2020-2025 để phát triển kinh tế biển” - ông Nguyễn Chí Công nói.
Tỉnh Bình Định có bờ biển dài 134km. Bình Định là địa phương có vùng biển hở nên việc nuôi biển phải đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, tốn nhiều kinh phí. Đến nay, vẫn chưa chưa có doanh nghiệp hoặc cá nhân nào thử nghiệm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển này.
Chính vì vậy, tỉnh Bình Định tập trung đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Ngành Nông nghiệp tỉnh này cũng đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh tập trung, ứng dụng công nghệ cao đảm bảo hiệu quả, bền vững, đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Trong đó, chú trọng đầu tư phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ. Tỉnh thành lập Khu bảo tồn biển vịnh Quy Nhơn và một số khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, Bình Định là tỉnh đi đầu trong việc bảo tồn rạn san hô dựa vào người dân. Du lịch biển ở tỉnh Bình Định dựa vào tự nhiên đang phát triển tốt. Ông Nguyễn Chu Hồi phân tích, hệ thống tài nguyên biển ở vịnh Quy Nhơn không chỉ là nguồn tài nguyên dành cho một ngành mà dành cho lợi ích cho nhiều ngành. Vì vậy, khi triển khai khai thác, bảo tồn biển trên diện rộng phải chú ý lợi ích liên ngành và giảm thiểu xung đột trong quá trình khai thác sử dụng một vùng biển.
“Phát triển bền vững kinh tế biển, chúng ta phải thực hiện duy trì được nguồn vốn tự nhiên để phát triển kinh tế xanh; bảo tồn được thiên nhiên biển, trong đó có những khu bảo tồn, đảo đẹp. Mình phải bảo vệ được môi trường, môi trường ngày càng trở thành chỉ tiêu quan trọng trong kinh tế; phải hoàn thiện, thực thi được các chính sách pháp luật. Chúng ta phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững cần ưu tiên cho những lĩnh vực ngành kinh tế mang tính chất tái tạo, tính chất xanh như năng lượng tái tạo, nghề cá giải trí, sắp tới mình có thể phát triển dược liệu biển và phải làm tốt công tác tuyên truyền” - PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nêu rõ.
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đến năm 2030, tỉnh Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Địa phương hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, về lâu dài tỉnh sẽ nghiên cứu khả năng mở rộng các cảng biển có điều kiện thuận lợi và tiềm năng thành tổ hợp cảng tổng hợp và sản xuất, xuất khẩu năng lượng mới.
“Bình Định phát triển mạnh mẽ dịch vụ cảng biển, logistic nhằm khai thác hết tiềm năng lợi thế về kinh tế biển của tỉnh; Nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư, thúc đẩy dịch vụ cảng biển logistic, một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao gắn với phát triển, sản xuất hàng hóa xuất nhập khẩu và thương mại của tỉnh. Tỉnh cũng tập trung khai thác hiệu quả cụm cảng Quy Nhơn gắn với phát triển hệ thống cảng cạn, hiện đại hóa dịch vụ cảng, tối đa hóa công suất hiện có, nghiên cứu xác định các địa điểm, kêu gọi đầu tư xây dựng cảng mới có công suất lớn và đa năng” - ông Nguyễn Tự Công Hoàng nói.
Thanh Thắng/VOV-Miền Trung