Xây dựng văn hóa trong Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là xây dựng văn hóa đạo đức cán bộ đảng viên, nhất là việc nêu cao tinh thần gương mẫu, thường xuyên rèn luyện đạo đức, lối sống, bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, trung thực, tiên phong trong mọi hoạt động và phong trào. Đây chính là cách để mỗi cán bộ đảng viên không chỉ tự hoàn thiện mình mà còn góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng.
Từ khi thành lập cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặc biệt chú trọng xây dựng văn hóa đảng, xây dựng những giá trị chuẩn mực được thể hiện trong các hoạt động của tổ chức Đảng và không bị tách rời với văn hóa dân tộc. Đây là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, đạo đức, kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng và tiêu cực để Đảng thực sự tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người Việt Nam.
Tổng Bí thư nêu rõ: Đảng ta khẳng định trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế, xây dựng văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị, xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ đảng viên.
Tiến sĩ Võ Hồng Hải, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhìn nhận, văn hóa chính là nền tảng, sức mạnh nội sinh và là cơ sở đảm bảo cho việc thực hiện mục tiêu xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tổ chức và cán bộ. Đội ngũ cán bộ, đảng viên chính là những người đại diện cho văn hóa Đảng, mang văn hóa Đảng lan tỏa tới đời sống xã hội. Vì vậy trước hết cần tập trung xây dựng văn hóa trong Đảng bằng việc mỗi tổ chức Đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình xây dựng và thực hiện chuẩn mực trong thực hiện nhiệm vụ và ứng xử với nhân dân với tinh thần hết lòng phục vụ nhân dân.
“Văn hóa Đảng là văn hóa của một tổ chức cầm quyền, tổ chức tinh hoa giữ trọng trách dẫn dắt, lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc Việt Nam theo một cương lĩnh, đường lối dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là tính văn hóa cao nhất của Đảng. Văn hóa Đảng trước hết là văn hóa của con người, là phẩm chất, đạo đức trong mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là với những người đứng đầu, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, đó là những người tiên phong, gương mẫu trong mọi lĩnh vực”, Tiến sĩ Võ Hồng Hải phân tích thêm.
Điều đặc biệt quan trọng là xây dựng văn hóa trong lãnh đạo quản lý, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách, văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xây dựng văn hóa nêu gương trong Đảng chính là một trong những mấu chốt dẫn đến xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Tiến sĩ Nghiêm Vũ Khải, đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng: “Văn hóa là vô cùng quan trọng. Chống tham nhũng chính là văn hóa lòng tự trọng, nhân phẩm, giá trị mà con người, nhất là đảng viên, người có chức có quyền theo đuổi. Những giá trị cao quý, lối sống văn hóa sẽ ngăn ngừa người ta không tham nhũng. Chính trong những lúc khó khăn nhất, nhiều tấm gương giữ một khối tài sản lớn của đất nước nhưng không tơ hào một chút nào. Đấy chính là đạo đức, văn minh, văn hóa”.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, văn hóa, đạo đức của đảng viên, cán bộ công chức là điểm tựa, là bản lề cho việc xây dựng văn hóa, đạo đức trong Đảng và trong xã hội. Nếu cán bộ đảng viên thiếu văn hóa, sa sút về đạo đức thì khó có thể xây dựng được một xã hội văn hóa.
“Xây dựng nền văn hóa của Việt Nam nói chung và xây dựng văn hóa cho con người Việt Nam nói riêng, và trong Nhà nước pháp quyền, nói xây dựng văn hóa công vụ, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội thì văn hóa công vụ là nền tảng tinh thần của hành chính, của nhà nước pháp quyền. Làm lãnh đạo, quản lý mà không có văn hóa thì đừng nói đến chuyện nhân dân có văn hóa. Văn hóa được Đảng chú trọng xây dựng trong hệ thống chính trị, trong Đảng, trong cơ quan Nhà nước, trong doanh nghiệp, trong các cộng đồng, xây dựng con người Việt Nam và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH. Phải có một môi trường văn hóa như vậy thì đạo đức cách mạng mới có đất sống, vì môi trường văn hóa sẽ nuôi dưỡng đạo đức cách mạng”, Giáo sư-Tiến sĩ Phan Xuân Sơn nhấn mạnh.
Đảng là đạo đức, là văn minh, bởi vậy xét về khía cạnh văn hóa, đạo đức của Đảng chính là thể hiện bằng đạo đức của người cán bộ thực hành đạo đức cách mạng, chính là lời nói đi đôi với việc làm, rèn luyện nhân cách, lối sống, nghiêm túc tự phê bình và phê bình, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, biết hy sinh lợi ích cá nhân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Đó chính là cách để người cán bộ, đảng viên phấn đấu cho lý tưởng cao đẹp của Đảng cầm quyền, đó cũng là cách thể hiện văn hóa đảng một cách sinh động nhất./.
PV/VOV1