Xu hướng biến đối của giai cấp công nhân
Thứ nhất, biến đổi về số lượng
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư góp phần thúc đẩy sự phát triển về số lượng của giai cấp công nhân. Trên thực tế, số lượng người lao động, số lượng công nhân (lao động bằng phương thức công nghiệp) đều gia tăng qua các cuộc CMCN. Theo ILO, thế giới hiện nay có khoảng 3,3 tỷ lao động, trong đó, công nhân là lực lượng lao động được trả công và lao động theo phương thức công nghiệp có khoảng 2 tỷ (chiếm trên 60% số lao động toàn cầu)[1].
Ở nước ta, theo thống kê của Tổng điều tra dân số 4/2019, công bố tháng 7 cùng năm, số lượng lao động công nghiệp hiện nay là 15,3 triệu trong 54,3 triệu lao động của toàn xã hội, tương đương với tỷ lệ 28,6 %[2]. Tuy có tăng nhưng cũng cần nhận thấy rằng, tốc độ dịch chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn của Việt Nam như vậy là còn chậm so với một số nước công nghiệp hóa mới (NICs).
Thứ hai, biến đổi về chất lượng
Những năm gần đây, trình độ giai cấp công nhân Việt Nam có chuyển biến tích cực. Công nhân trong các doanh nghiệp có trình độ văn hoá khá cao (100% biết chữ, 80% có trình độ trung học cơ sở và trung học phổ thông); lao động ở nước ta có 37% qua đào tạo, trong đó 25% đã qua đào tạo nghề. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 55%, trong đó cao đẳng nghề, trung cấp nghề chiếm khoảng 20%-25%. Bộ phận công nhân có trình độ đại học (thực chất là công nhân - trí thức) ngày càng tăng. Xu hướng hình thành đội ngũ công nhân - trí thức ngày càng rõ và phát triển, tập trung ở một số ngành kinh tế mũi nhọn và khu vực doanh nghiệp công nghệ cao.
Trong giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay, vẫn có cả đội ngũ công nhân truyền thống (những công nhân lao động giản đơn, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thấp) song tỷ lệ ngày càng giảm và xuất hiện ngày càng nhiều công nhân trí thức. Công nhân trí thức sẽ là bộ phận chủ đạo, nòng cốt trong GCCN hiện đại. Đây là bộ phận đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập; góp phần nâng cao chất lượng, bảo đảm giữ vững sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam.
Thứ ba, biến đổi về cơ cấu
Hiện nay, cơ cấu giai cấp công nhân nước ta trong các ngành kinh tế là: ngành công nghiệp chiếm 46,1%; ngành xây dựng chiếm 15%; thương mại, dịch vụ chiếm 25,9%; vận tải chiếm 4,7%; các ngành khác chiếm 8,3%[3]. Không chỉ vậy, với tác động của CMCN 4.0, làm cho nền sản xuất có tính chất xã hội hóa cao, thể hiện ở trình độ phân công, hợp tác trong lao động sản xuất theo xu hướng quốc tế hóa, toàn cầu hóa. Theo đó, các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam cũng ngày càng tăng lên; cơ cấu của giai cấp công nhân Việt Nam cũng có sự biến đổi, số công nhân làm việc trong các doanh nghiệp FDI cũng ngày càng tăng lên.
Thứ tư, biến đổi về mức sống
Số liệu thống kê năm 2018 cho thấy, thu nhập bình quân của công nhân lao động trong các ngành: khai khoáng là 10.202 nghìn đồng/tháng; lĩnh vực khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên là 41.010 nghìn đồng/tháng; dịch vụ vận tải hàng không là 24.488 nghìn đồng/tháng; dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm là 15.990 nghìn đồng/tháng. Trong khi đó, trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu nhập bình quân là 6.346 nghìn đồng/tháng; ngành xây dựng là 6.214 nghìn đồng/tháng; khai thác quặng kim loại thu nhập là 4.811 nghìn đồng/tháng; chế biến và sản xuất các sản phẩm từ gỗ là 4.937 nghìn đồng/tháng. Với xu hướng trí thức hóa công nhân do sự phát triển của khoa học và công nghệ, thì sự phân tầng, phân hóa trong nội bộ giai cấp công nhân nước ta sâu sắc hơn trong thời gian tới.
Thách thức với giai cấp công nhân
Một là, thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ công nhân trình độ cao, chuyên gia giỏi đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Hiện nay, Việt Nam đang chịu tác động bởi “cú sốc kép” đối với thị trường lao động toàn cầu: hậu quả của đại dịch Covid-19 và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thách thức lớn nhất là cơ cấu lao động lạc hậu và trình độ lao động thấp, thiếu nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ công nhân lành nghề, trình độ cao đủ sức làm chủ yêu cầu của nền kinh tế số trong thời đại công nghiệp 4.0.
Theo Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 12/2020, lực lượng lao động Việt Nam từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 54,82 triệu người, trong đó lực lượng lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 24,0%; số lao động chưa qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ, chưa được công nhận trình độ (kỹ năng, đào tạo) là 76,0%[4]. Như vậy, hiện tại phần lớn lao động Việt Nam chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Hơn nữa, chất lượng đào tạo cũng chưa đáp ứng được yêu cầu công việc thực tế. Theo số liệu từ một cuộc khảo sát của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, có tới 70% sinh viên tốt nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin phải đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; riêng đối với lĩnh vực lập trình máy tính thì tỷ lệ này là 80%.
Hiện nay, mục tiêu của các quốc gia giàu có là: Tự động hóa sản xuất, để cạnh tranh với chính lực lượng lao động giá rẻ từ những công xưởng thế giới như Việt Nam. Công nhân Việt Nam trong tương lai sẽ cạnh tranh trực tiếp với một lực lượng rô-bốt trị giá hàng nghìn tỷ USD. Điều này đã dẫn tới sự phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc và nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự thống nhất, đoàn kết của trong nước.
Hai là, sự phân hóa lớn trong nội bộ giai cấp công nhân
Trong cuộc CMCN4.0, bản chất của số hóa, rô-bốt hóa khâu sản xuất chính là thay thế cho lực lượng lao động, theo đó, lợi thế so sánh về nhân công giá rẻ của các nước đang phát triển dần giảm thiểu, tạo nên chiều dịch chuyển đầu tư trở lại các nước công nghiệp phát triển. Đồng thời, cũng tạo nên khủng hoảng cơ cấu ngành, có sự chuyển dịch từ những ngành công nghiệp truyền thống với công nghệ cũ, lạc hậu sang những ngành công nghiệp, công nghệ mới trình độ cao; từ đây, cầu về đội ngũ công nhân trình độ cao, thành thạo kỹ năng sẽ ngày càng tăng; ngược lại, cầu về lao động thủ công trình độ thấp sẽ giảm sâu, thậm chí, một số ngành nghề truyền thống với trình độ thủ công lạc hậu sẽ biến mất và số lượng việc làm mới đang ngày càng phát triển, nhất là trong những ngành kinh tế xanh, công nghiệp sáng tạo.
Khủng hoảng cơ cấu ngành dẫn tới khủng hoảng cơ cấu lao động, việc làm. Do sự “khai tử” những ngành nghề truyền thống hoặc “khai sinh” những ngành nghề mới mà một bộ phận lớn người lao động không thích ứng kịp về trình độ công nghệ, kỹ năng lao động, nên bị loại ra khỏi quá trình sản xuất. Điều này khiến cho quá trình phân hóa giai cấp công nhân diễn ra mạnh mẽ.
Dưới tác động của cuộc CMCN4.0, bộ phận công nhân lành nghề, trình độ cao sẽ có thu nhập cao hơn. Nhóm bị tác động mạnh nhất là bộ phận công nhân lao động giản đơn, ít có kỹ năng, họ là đối tượng rất dễ bị thay thế bởi rôbốt. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho phân hóa giàu nghèo, phân tầng trong nội bộ giai cấp công nhân diễn ra mạnh mẽ, làm gia tăng bất bình đẳng, tăng khoảng chênh lệch về thu nhập và tài sản giữa một bên là lao động ít kỹ năng, hoặc có kỹ năng dễ bị rôbốt thay thế với bên kia là những người có ý tưởng hay kỹ năng bổ trợ cho quá trình tự động hóa và số hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh.
Thứ ba, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, của các loại hình mạng xã hội có tác động hai mặt đến đời sống tinh thần, lập trường, tư tưởng chính trị của giai cấp công nhân
Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, đa hình thức mạng xã hội như zalo, facebook,… công nhân và người lao động, một mặt, có điều kiện tranh thủ công nghệ để dễ dàng truy cập thông tin, từ đó học hỏi, tiếp nhận tri thức nâng cao trình độ của bản thân; hoặc là kênh giao tiếp, chia sẻ tri thức, tình cảm… Mặt khác, hiện nay không ít các thế lực xấu sử dụng mạng xã hội như là một công cụ hữu hiệu để tung tin xấu, độc, thậm chí tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá chủ trương, đường lối phát triển của Việt Nam. Một bộ phận công nhân lao động giản đơn, kỹ năng hạn chế, thu nhập thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn, trình độ học vấn, trình độ nhận thức chính trị chưa cao, nên rất dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng tấn công, dẫn đến suy giảm niềm tin, lập trường tư tưởng, ý thức chính trị. Do vậy, an toàn an ninh mạng cũng đang là một thách thức đặt ra hiện nay trong bối cảnh công nghệ thông tin, công nghệ số bùng nổ.
Như vậy, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ tạo ra xu hướng biến đổi lớn trong giai cấp công nhân mà còn đặt ra những thách thức không nhỏ. Điều đó đòi hỏi cần có những cách thức phù hợp để phát triển giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
[1] Xem ILO: World Employment and Social Outlook Trends 2020, executive summart, p.3
[2] Tổng cục Thống kế, Thông cáo báo chí về tình hình Lao động việc làm quý I năm 2019
[3] Xem Tổng cục Thống kê:Niên giám thống kê 2016, Nxb Thống kê, H.2017, tr.279-284
[4] Tổng cục Thống kê, Báo cáo Điều tra lao động việc làm năm 2020, Vụ Thống kê dân số và lao động, tr.15. Nguồn: https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2021/08/sach_laodong_2020.pdf.
Thái Hoàng