Trả lời:
* Xử lý tin giả
Tùy thuộc vào nội dung, mức độ hậu quả nghiêm trọng của việc tung tin giả mà người vi phạm sẽ đối mặt với việc xử lý hành chính hoặc thậm chí là xử lý hình sự.
Các hình thức xử lý hiện nay gồm:
(1) Tại điểm a, khoản 3, Điều 99 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03-02-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện như sau: Xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.
(2) Điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03-02-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện như sau: Xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.
(3) Điều 156, Bộ luật Hình sự cũng quy định về tội vu khống như sau:
“Điều 156. Tội vu khống:
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền…"1.
* Xử lý thông tin xấu, độc
Theo quy định tại khoản 1, Điều 5, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, hành vi đưa thông tin xấu, độc lên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người thực hiện hành vi cấm nói trên có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
Nếu bị xử phạt hành chính, người vi phạm có thể bị phạt tiền theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, ví dụ như khoản 6 Điều 66 có quy định: “Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số để tuyên truyền sai trái, không đúng sự thật về chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam”.
Trong trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm bị xử lý theo các điều luật tương ứng với hành vi của mình, chẳng hạn như:
- Điều 226, Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi năm 2009: Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet (hình phạt cao nhất là phạt tù 07 năm);
- Điều 226b: Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (hình phạt cao nhất là tù chung thân).
Tùy vào hành vi đó cấu thành nên tội nào thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội đó.
* Quy trình xử lý
Những thông tin xấu độc xuất hiện trên mạng xã hội ở Việt Nam thời gian vừa qua chủ yếu xuất phát từ các trang mạng do tổ chức nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Các trang mạng do các tổ chức, cá nhân trong nước xây dựng đều tuân thủ đúng các quy định pháp luật hiện hành.
Ngày 26-12-2016, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, đây là cơ sở pháp lý xử lý, buộc các trang mạng xã hội do nước ngoài lập phải tuân thủ đúng chính sách, pháp luật Việt Nam. Theo đó, khi phát hiện thông tin trên mạng vi phạm khoản 1, Điều 5, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, Bộ Thông tin và Truyền thông gỡ bỏ hoặc chặn không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập theo quy trình sau:
- Bộ Thông tin và Truyền thông gửi đề nghị phối hợp bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử thông báo cho tổ chức, cá nhân nước ngoài về các thông tin vi phạm cần xử lý.
- Sau khi nhận được đề nghị phối hợp từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời gian 24 giờ, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin công cộng qua biên giới xác định thông tin vi phạm và thực hiện việc xử lý thông tin theo đề nghị.
- Sau thời hạn đã quy định, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài không xử lý thông tin vi phạm theo yêu cầu và cũng không phản hồi trở lại đối với các cơ quan có thẩm quyền, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ gửi thông báo lần 2.
- Nếu sau 24 giờ kể từ khi Bộ Thông tin và Truyền thông gửi thông báo lần 2, tổ chức, cá nhân nước ngoài vẫn không xử lý thông tin vi phạm theo đề nghị và không phản hồi trở lại, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực thi các biện pháp kỹ thuật cần thiết.
BBT
1Bộ luật Hình sự - Hiện hành (Được sửa đổi, bổ sung năm 2017), Nxb.Tư pháp, H.2023, tr.107.