Lịch sử hơn một thế kỷ tranh chấp và xung đột biên giới
Biên giới Trung - Ấn kéo dài hơn 4000 km là một trong những khu vực tranh chấp phức tạp, căng thẳng, dai dẳng và tiềm ẩn nguy cơ leo thang thành xung đột quân sự nguy hiểm nhất trên thế giới. Kể từ khi nước Cộng hòa Ấn Độ ra đời năm 1947 và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949, những khác biệt, bất đồng về biên giới kéo dài đã gây khó khăn cho mối quan hệ song phương, đồng thời châm ngòi cho vô số các cuộc va chạm, đối đầu và xung đột quân sự giữa hai nước kể từ đó.
Cội nguồn của mâu thuẫn và xung đột biên giới Trung - Ấn nhen nhóm xuất hiện ít nhất là từ năm 1914 khi các đại diện của chính quyền Anh bảo hộ tại Ấn Độ, Chính quyền Trung Hoa Dân Quốc và Tây Tạng gặp nhau tại Shimla (nay là thủ phủ bang miền bắc Ấn Độ Himachal Pradesh) để đàm phán và dàn xếp về quy chế của Tây Tạng cũng như xác định đường biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ thuộc Anh.
Trong khi đại diện Trung Hoa Dân Quốc từ chối thỏa thuận và rút khỏi hội nghị vì cự tuyệt đàm phán về lãnh thổ cũng như không đồng ý với các điều khoản đề xuất cho phép Tây Tạng đạt được quy chế tự trị, đại diện của Anh và Tây Tạng đã ký điều ước Shimla xác định đường biên giới Ấn Độ - Tây Tạng theo “Đường McMahon” dài 890 km do Thống đốc Anh tại Ấn Độ là Henry McMahon đề xuất, trong đó bao gồm việc Tây Tạng nhượng thung lũng Tawang (nay là một quận cực Tây Bắc của bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ) cho Đế quốc Anh(2). Trung Quốc không công nhận quy chế của Tây Tạng cũng như đường McMahon. Tuy nhiên, sau đó không có cuộc đụng độ nào trên biên giới Ấn Độ - Trung Quốc vì trên thực tế Tây Tạng vẫn tồn tại độc lập như một vùng đệm giữa hai người khổng lồ châu Á.
Bất đồng biên giới quay trở lại sau khi Ấn Độ tuyên bố độc lập khỏi Anh năm 1947, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949 và Mao Trạch Đông tiến quân vào Tây Tạng năm 1950. Khi đó Ấn Độ đơn phương ấn định biên giới theo đường McMahon và xem đó là biên giới pháp lý chính thức giữa Trung Quốc và Ấn Độ còn phía Trung Quốc phản đối. Tuy nhiên, Ấn Độ là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận nước CHND Trung Hoa sau năm 1949 và trong thập kỷ 1950, hai nước đã xây dựng quan hệ tương đối hữu nghị dựa trên 5 nguyên tắc chung sống hòa bình.
Tháng 9 năm 1962, ba năm sau khi Trung Quốc hoàn toàn kiểm soát Tây Tạng, tranh chấp biên giới giữa hai nước đã bùng nổ thành một cuộc chiến tranh ngắn ngủi nhưng đẫm máu. Quân đội Trung Quốc đã chủ động vượt qua đường McMahon, tiến công các lực lượng Ấn Độ chưa được chuẩn bị dọc theo dãy Himalaya, giết chết 2.000 binh sĩ Ấn Độ, bắt và cầm tù 3000 binh sĩ khác và tiến sâu vào lãnh thổ nước này.
Sau hơn một tháng xung đột, đầu tháng 11, Trung Quốc tuyên bố đơn phương ngừng bắn và vẽ lại đường biên giới gần với vị trí đóng quân của quân đội Trung Quốc gọi là Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) mà tồn tại đến ngày nay. Theo đó, Trung Quốc kiểm soát khu vực Aksai Chin, một nửa chiều dài hồ Pangong Tso mà trước đó Ấn Độ kiểm soát và tiến sâu 20 km qua đường McMahon dọc biên giới hai nước trên dãy Himalaya.
Năm năm sau, xung đột biên giới nghiêm trọng một lần nữa quay trở lại vào tháng 9 năm 1967 khi hai bên nã pháo vào nhau dọc hai khu vực đèo núi Nathu La và Cho La nối bang Sikkim của Ấn Độ ngày nay với khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc khiến gần 100 binh sĩ Ấn Độ và khoảng 400 lính Trung Quốc bỏ mạng. Quân Ấn Độ thắng thế, phá hủy các công sự của Trung Quốc và đẩy lùi quân Trung Quốc sâu vào khu vực Cho La.
Năm 1975, lính Trung Quốc phục kích và bắn chết 4 lính tuần tra Ấn Độ tại Tulung La, gần Đường Kiểm soát thực tế (LAC) tại bang Đông Bắc Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Đây là vụ việc gây thương vong gần đây nhất trước khi xảy ra vụ đụng độ đẫm máu ngày 15/6 vừa qua.
Vào năm 1987, một cuộc đối đầu lớn đã nổ ra giữa hai bên tại khu vực thung lũng Sumdorong thuộc bang Đông Bắc Ấn Độ Arunachal Pradesh khi Ấn Độ rầm rộ tiến hành cuộc diễn tập chuyển quân lên biên giới. Quân đội Trung Quốc đã bị kích động và phản ứng lại bằng cách tăng cường quân tới gần LAC. Cuộc khủng hoảng được ngăn chặn khi hai bên đều không muốn nó leo thang thành một cuộc xung đột quân sự ngoài dự tính.
Sau một thời gian dài khá yên ắng, tháng 4 năm 2013, căng thẳng biên giới tái bùng phát khi quân đội Trung Quốc tiến sâu vào khu vực Daulat Beg Oldi thuộc vùng Ladakh mà Ấn Độ kiểm soát, tiến hành dựng lều bạt, cắm trại và căng biểu ngữ chủ quyền tại đó. Ấn Độ đã lập tức phản ứng, nhanh chóng thiết lập căn cứ cách đó chưa đầy 300 m. Hai bên sau đó đã tăng cường binh sĩ và khí tài hạng nặng tới khu vực. Sau 20 ngày đối đầu, hai bên cùng chấp nhận lui quân nhưng bảo lưu yêu sách chủ quyền với khu vực đó.
Tháng 6 năm 2017, căng thẳng một lần nữa leo thang đến đỉnh điểm khi phía Trung Quốc tiến hành xây dựng một con đường vào cao nguyên Doklam trên biên giới Buhtan - Trung Quốc do Buhtan kiểm soát nhưng phía Trung Quốc gọi là Đông Lãng. Vương quốc Bhutan nhỏ bé là đồng minh thân cận và được Ấn Độ bảo đảm về an ninh. Hơn nữa, cao nguyên Doklam gần với các khu vực đã từng xảy ra tranh chấp và đối đầu quyết liệt giữa hai nước hai, có vị trí chiến lược trọng yếu có thể giám sát và khống chế toàn bộ vùng đất cổ gà nhỏ hẹp nối lục địa Ấn Độ với khu vực Đông Bắc của nước này.
Vì vậy, quân đội Ấn Độ lập tức triển khai khí tài và xe ủi đến đối đầu với Trung Quốc và yêu cầu phá hủy con đường mà phía Trung Quốc đang xây dựng. Ẩu đả đã xảy ra và binh sĩ hai phía đã ném đá vào nhau khiến hai bên đều có người bị thương. Thế bế tắc chỉ được giải tỏa sau 73 ngày đối đầu căng thẳng khi hai nước đồng ý cùng rút quân khỏi khu vực và Trung Quốc buộc phải ngừng xây dựng con đường vào cao nguyên Doklam.
Gần đây nhất là vụ đụng độ bạo lực ngày 15 tháng 6 vừa qua khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và đây là vụ đối đầu gây thương vong lớn nhất giữa hai bên kể từ vụ xung đột năm 1967.
Ngoài các vụ đụng độ lớn và nghiêm trọng kể trên, các vụ việc va chạm, ẩu đả và xâm lấn sang khu vực kiểm soát của nhau giữa binh lính Trung Quốc và Ấn Độ dọc theo tuyến kiểm soát thực tế LAC đã diễn ra một cách thường xuyên, thậm chí hàng tuần trong suốt mấy thập kỷ qua mà ít được đưa tin. Trong khi đó, hai bên vẫn thiếu lòng tin chiến lược, sự thiện chí và thiếu các cuộc đàm phán thực chất để giải quyết tranh chấp. Nhiều vòng đàm phán giữa hai bên được đã được tổ chức từ những năm 1980 đến nay nhưng đã không đạt được bất cứ tiến triển nào về việc phân định biên giới cũng như nhận thức chung rõ ràng hơn về ranh giới của Đường Kiểm soát Thực tế (LAC).
Chí Nguyện