Hiện nay, chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do thiên tai, bão lũ được quy định trong một số văn bản pháp luật chủ yếu như Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, Luật Hoạt động chữ thập đỏ năm 2008, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Ngoài ra, trong từng trường hợp, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương còn ban hành các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định về các chính sách hỗ trợ cụ thể.
Tổng hợp các văn bản nói trên có thể thấy chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do thiên tai, bão lũ thể hiện trên hai phương diện chủ yếu: một là, hỗ trợ trong thiên tai, bão lũ, trong đó nhấn mạnh đến bảo vệ người dân khỏi bị nguy hiểm và trợ giúp nhu yếu phẩm bảo đảm an sinh xã hội; hai là, hỗ trợ sau thiên tai, bão lũ, bao gồm hỗ trợ cuộc sống hàng ngày và phục hồi sản xuất kinh doanh. Hệ thống chính sách được quy định trong các văn bản pháp luật nói trên rất có ý nghĩa đối với người dân và xã hội, tuy nhiên các thế lực thù địch vẫn cố tình nghĩ ra được những nội dung không có thật để xuyên tạc. Điển hình là những luận điệu sau đây:
Một là, cho rằng do Đảng và Nhà nước không biết điều hành, quản lý đất nước nên những vùng là vựa lúa của cả nước giờ đây cũng phải nhận hỗ trợ gạo từ trung ương, tình hình đất nước như vậy là quá bi đát.
Ví dụ, ngày 28/8/2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1415/QĐ-TTg xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, cụ thể là hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk là 534,390 tấn gạo; tỉnh Đắk Nông 577,110 tấn gạo; tỉnh Đồng Tháp 5.883,465 tấn gạo; tỉnh Tây Ninh 336,255 tấn gạo; tỉnh Cà Mau 2.862,330 tấn gạo; tỉnh Vĩnh Long 2.103,195 tấn gạo; tỉnh Long An 807 tấn gạo; tỉnh Kiên Giang 2.278,170 tấn gạo; tỉnh Trà Vinh 1.738,950 tấn gạo; tỉnh Khánh Hòa 2.000,010 tấn gạo; tỉnh Bình Dương 11.325 tấn gạo; tỉnh Bến Tre 2.408,265 tấn gạo; tỉnh Bình Định 1.000,500 tấn gạo; tỉnh An Giang 3.362,280 tấn gạo; tỉnh Nghệ An 341,100 tấn gạo; tỉnh Tiền Giang 3.006,225 tấn gạo; tỉnh Đồng Nai 3.128,505 tấn gạo; tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 2.283,495 tấn gạo; tỉnh Phú Yên 1.852,665 tấn gạo; thành phố Đà Nẵng 1.630,635 tấn gạo; thành phố Cần Thơ 5.015,490 tấn gạo; tỉnh Bình Thuận 4.018,485 tấn gạo; tỉnh Ninh Thuận 577,200 tấn gạo và TPHCM 71.104,950 tấn gạo.Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết địnhsố 1409/QĐ-TTg xuất cấp không thu tiền 4.117,8 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh Bình Phước, Bạc Liêu và Sóc Trăng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Đài Truyền hình Việt Nam đưa hình ảnh một trang mạng phản động đăng tin xuyên tạc về công tác hỗ trợ người dân trong thiên tai, bão lũ. Ảnh: Internet.
Các luận điệu xuyên tạc cho rằng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mà phải nhận gạo cứu trợ thì Việt Nam sắp chết đói; rằng các tỉnh này không cần gạo, họ thiếu gì gạo mà phải cho, từ đó kích động sự kiêu ngạo và cục bộ vùng miền.
Trên thực tế, đó là luận điệu xuyên tạc bởi những lý do sau đây:
Thứ nhất, cần hiểu rằng, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước, nhưng điều đó không có nghĩa là lúa gạo đổ đầy ngoài đường, mọi người tự do ra lấy về ăn. Có nhiều gia đình không cấy lúa mà trồng cây ăn trái hoặc nuôi trồng thủy sản, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, nông sản không bán được thì không có tiền để mua lúa gạo, họ thiếu gạo là sự thực nên cần trợ giúp.
Thứ hai, nhiều gia đình trên địa bàn các tỉnh đồng bẳng sông Cửu Long không làm nông nghiệp, họ có thể làm dịch vụ hoặc làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp; trong bối cảnh dịch bệnh bị mất thu nhập, thiếu gạo để ăn nên cần sự trợ giúp từ Nhà nước.
Thứ ba, việc Nhà nước kịp thời xuất cấp không thu tiền từ nguồn dự trữ quốc gia là chính sách hỗ trợ người dân kịp thời, căn cứ vào nhu cầu do chính quyền các địa phương báo về, tức là có cơ sở thực tiễn cho sự phân bổ, không phải làm để giải ngân.
Hai là, các luận điệu xuyên tạc cho rằng tiền và hiện vật hỗ trợ người dân vùng thiên tai không thể tới nhân dân mà chủ yếu vào nhà cán bộ, công chức, viên chức.
Chúng ta không phủ nhận có những vụ việc tham nhũng liên quan đến chính sách hỗ trợ thiên tai, bão lũ của một số cán bộ, công chức, viên chức, tuy nhiên, đây chỉ là số ít trong vô vàn nỗ lực của Nhà nước và Nhân dân. Những vụ việc “ăn chặn” tiền hỗ trợ nếu bị phát hiện đều bị xử lý thích đáng, như trường hợp xử lý hình sự nhiều cán bộ, công chức xã, huyện ở các địa phương như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Kiên Giang… Điều đó cho thấy, Nhà nước Việt Nam luôn chỉ đạo sát sao, quyết liệt và xử lý không có vùng cấm đối với các vi phạm về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân vùng thiên tai, bão lũ.
Các lực lượng tìm kiếm người mất tích do sạt lở tại Trà Leng, huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Ảnh: Internet.
Trên thực tế, đa số các chính sách được thực hiện nghiêm túc, triệt để, tạo cho người dân chỗ dựa vững chắc cả vật chất và tinh thần trong và sau thiên tai. Điều này được minh chứng bởi hình ảnh các chiến sĩ quân đội, công an, những cán bộ từ trung ương đến địa phương đã không ngại khó khăn, gian khổ đến với đồng bào giữa vùng nước lũ mênh mông. Trong số ấy đã có nhiều chiến sĩ hy sinh tính mạng khi cứu giúp bà con vùng lũ. Khi bão lũ đi qua, Nhà nước luôn triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ để lo sinh kế lâu dài cho người dân, khôi phục sản xuất và cuộc sống sau lũ trên diện rộng. Nếu ai đó muốn tận mắt chứng kiến sự hồi sinh của những vùng đất sau bão lũ thì có thể đi thực tế đến huyện Quảng Ninh, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), huyện hướng Hóa (Quảng Trị), huyện Mường Lát (Thanh Hóa), huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), huyện Văn Yên (Yên Bái) và rất nhiều địa phương trên khắp cả nước. Hãy hiểu rằng thực tế mới là minh chứng rõ nét, ngồi trong phòng lạnh gõ bàn phím máy tính để bịa đặt những chuyện không có thật là điều không thể chấp nhận được trên cả hai phương diện “lý” và “tình”.
Ba là, bịa đặt rằng “nếu không có những nghệ sĩ, người nổi tiếng làm từ thiện thì dân vùng thiên tai, bão lũ sẽ chết đói”.
Nếu vậy, chỉ cần đặt vấn đề ngược lại, bão lũ đã xảy ra trên mảnh đất hình chữ S này từ ngàn đời nay, khi nghệ sĩ chưa vào cuộc kêu gọi từ thiện thì ai đã khắc phục hậu quả của bão lũ, ai đã khôi phục sản xuất để người dân vực lại cuộc sống và tồn tại đến ngày hôm nay? Cổ súy rằng, hãy góp tiền từ thiện cho nghệ sĩ, khi đó tiền thực sự đến tay người dân vùng lũ, không hưởng ứng lời kêu gọi và góp tiền cho các cơ quan nhà nước (thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) vì sẽ bị ăn chặn, tham nhũng. Cần nhớ rằng, “nhân vô thập toàn”, không cá nhân hay tổ chức nào có thể hoàn hảo trong mọi trường hợp, việc nhà nước hay cá nhân huy động từ thiện đều là điều đáng quý, với điều kiện phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật và lương tâm, trách nhiệm của người quyên góp.
Thực tế thời gian qua cho thấy, bên cạnh đa số người làm từ thiện đều xuất phát từ tâm, mong muốn chia sẻ những khó khăn, vất vả với người có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình thì vẫn có một số ít người làm từ thiện với mục đích đánh bóng tên tuổi, có hành vi phản cảm gây bức xúc dư luận. Một số cơ quan nhà nước có thể có vi phạm và đã bị xử lý, còn lại đa số đều đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cứu trợ, nhất là đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng bị chia cắt, cô lập. Những điều này các tổ chức, cá nhân tự phát khó có thể làm tốt được như cơ quan nhà nước do không đủ điều kiện, tiềm lực và nguồn lực.
Bốn là, xuyên tạc rằng “các cơ quan chức năng tìm cách ngăn cản, cấm đoán các cá nhân hảo tâm tham gia cứu trợ nhân đạo, mặc cho người dân phải chịu cảnh khốn cùng”.
Điều này hoàn toàn không đúng. Ngay từ năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14-5-2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Sau một thời gian thực hiện, thực tế có nhiều thay đổi, việc làm từ thiện của một số tổ chức, cá nhân còn mang tính tự phát, chưa phát huy hết được hiệu quả như mong muốn; một số hoạt động thiện nguyện không phù hợp với các quy tắc về văn hóa, đạo đức; người làm từ thiện chưa có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương để rà soát, lập danh sách chính xác về trường hợp đủ tiêu chuẩn nhận cứu trợ, cũng như nội dung cần cứu trợ, từ đó có thể dẫn đến hệ quả là sau cứu trợ tạo ra mẫu thuẫn, mất đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27-10-2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14-5-2008 nói trên. Tất cả những điều này đều góp phần tạo điều kiện cho hoạt động từ thiện được diễn ra đúng quy định, có trật tự, đảm bảo sự “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, hoàn toàn không phải là cấm đoán hay bỏ mặc người dân. Trong nhà nước pháp quyền, mọi hoạt động đều phải tuân thủ pháp luật, đó là điều mà tất cả mọi chủ thể đều phải nghiêm chỉnh tuân theo. Thực hiện tốt các quy định này càng góp phần cổ vũ các cá nhân, tổ chức làm công việc từ thiện, bởi họ yên tâm rằng hoạt động của họ có cơ sở pháp lý, được pháp luật bảo vệ, được cộng đồng xã hội hoan nghênh và ủng hộ.
Việt Nam nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa, trung bình mỗi năm gánh chịu trên mười cơn bão và áp thấp nhiệt đới, vì vậy có thể nói gần như không năm nào người dân Việt Nam không phải chống chọi với thiên tai, bão lũ; và cũng vì thế công tác hỗ trợ người dân vùng lũ trở thành việc làm thường xuyên của nhà nước và các tổ chức, cá nhân thiện nguyện. Các quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ trở thành căn cứ để triển khai các hoạt động cứu trợ người dân. Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn cố tình phủ nhận những nỗ lực của nhà nước và các tổ chức thiện nguyện, ra sức xuyên tạc những chính sách tốt đẹp này. Chính vì, chúng ta cần tiếp nhận và phân tích đầy đủ thông tin, tránh sa vào bẫy xuyên tạc, bóp méo sự thật của các đối tượng thù địch trong và ngoài nước.
Bút Sắc