Với sự kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, Việt Nam đã vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội (CNXH), về con đường đi lên CNXH vào thực tiễn đất nước từ những năm 30 của thế kỷ XX. 92 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trung thành bảo vệ, vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận CNXH khoa học để xây dựng CNXH trong thực tiễn, lựa chọn con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Nhờ đó, đất nước ta được giải phóng, nhân dân ta được là chủ, được làm chủ về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội; nhân dân không ngừng được nâng cao về trình độ dân trí, dân quyền, đấu tranh bền bỉ xoá bỏ nhiều tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, chống lại lối sống chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ, những âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ hệ tư tưởng cách mạng, tiến bộ, nhân văn; xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật ban đầu của CNXH - mà mới đây nhất Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Không có lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học thì không thể có lập trường giai cấp vững vàng”. Bài học thành công của hơn 35 năm đổi mới đất nước cho thấy chỉ có nắm vững lý luận và phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH, con đường đi lên CNXH mới có khả năng phân tích đúng đắn đặc điểm tình hình cách mạng, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, phát hiện quy luật phát triển của cách mạng, từ đó đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn.
Chủ nghĩa Mác-Lênin,tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng lý luận của quá trình xây dựng
CNXH ở Việt Nam
Thấm nhuần lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và từ thực tiễn sinh động, Đảng ta luôn xác định lý luận có vai trò hết sức quan trọng đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nói chung và nhân dân nói riêng trong việc trong hoạch định, xây dựng, triển khai, thực thi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; là cơ sở quan trọng, nền tảng của sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và trong xã hội, của sự đồng thuận để hướng đến mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Bằng tư duy lý luận khoa học và thường xuyên, kịp thời tổng kết thực tiễn mà Đảng ta ngày càng nâng cao trình độ tư duy lý luận của mình về con đường đi lên CNXH. Qua mỗi kỳ Đại hội Đảng, mô hình CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta được nhận thức đầy đủ hơn, sáng rõ hơn, dự báo được khuynh hướng phát triển khách quan của các quá trình kinh tế, xã hội trong nước và trên thế giới. Từ đó, Đảng và Nhà nước ta luôn có cơ sở khoa học không chỉ cho các quyết định mang tính chiến lược, lâu dài, mà còn cho các chủ trương, chính sách hiện thời, trước mắt, về những vấn đề liên quan đến con đường đi lên CNXH.
Lý luận khoa học đúng đắn tự nó mang ý nghĩa xã hội, do đó nó phải được công bố, truyền bá sâu rộng trong Đảng và trong xã hội. Nhận thức đầy đủ ý nghĩa quan trọng của lý luận khoa học, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp đối với công tác lý luận, đối với cơ chế hoạt động, tổ chức bộ máy, đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng, đãi ngộ, có chính sách đặc thù đối với đội ngũ cán bộ lý luận. Điều đó đã trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công tác nghiên cứu lý luận cũng như quá trình đổi mới tư duy lý luận trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, tầm tư duy lý luận của Đảng ta về CNXH, con đường đi lên CNXH vẫn còn có những hạn chế, chưa bắt kịp nhịp độ phát triển như vũ bão của thời đại, của sự biến đổi phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đã nhấn mạnh: "nhận thức về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mới dừng lại ở những nét khái quát chung, còn không ít vấn đề cụ thể đặt ra từ thực tiễn chưa có lời giải đáp hoặc giải đáp chưa đủ sức thuyết phục;... phương pháp tư duy chưa vươn tới tầm biện chứng, còn dừng lại ở trình độ cảm tính, ở chủ nghĩa kinh nghiệm hoặc thực dụng"[1].
Cùng với quá trình xây dựng CNXH, phải không ngừng nâng cao chất lượng nghiên cứu lý luận khoa học, nâng cao năng lực tư duy lý luận về CNXH ở Việt Nam.
Vẫn biết, hoạt động lý luận là quá trình tìm tòi chân lý, có thể đúng, có thể sai. Tuy nhiên, những vấn đề lý luận liên quan đến quan điểm đường lối, đến nền tảng tư tưởng chính trị, đến uy tín của Đảng và Nhà nước, nếu còn đang nhiều tranh luận hay chưa được thẩm định về giá trị khoa học thì việc công bố kết quả nghiên cứu cần có những quy định chặt chẽ, tuân thủ nguyên tắc quản lý bảo đảm tính định hướng chính trị, không để các thế lực thù địchlợi dụng xuyên tạc, chống phá, gây mất niềm tin đối với Đảng, với quá trình xây dựng CNXH.
Để nâng cao chất lượng nghiên cứu lý luận khoa học, nâng cao năng lực tư duy lý luận về con đường xây dựng CNXH, cần phải hoàn thiện cơ chế, mối quan hệ giữa lãnh đạo chính trị và nghiên cứu lý luận khoa học. Một mặt, phải tăng cường lãnh đạo chính trị, bảo đảm định hướng đúng đắn đối với công tác nghiên cứu lý luận. Lý luận khoa học hướng vào việc tìm cơ sở xác định đường lối chính trị, xây dựng cơ sở khoa học cho các quan điểm chính trị. Đảng, Nhà nước cần có cơ chế để cho mọi quyết sách chính trị dựa trên những luận cứ khoa học, tham khảo rộng rãi ý kiến của các nhà khoa học, đội ngũ chuyên gia lý luận, của nhân dân trước khi khẳng định và thực hiện. Mặt khác, lãnh đạo chính trị đối với công tác lý luận khoa học là phải tạo ra môi trường dân chủ, khuyến khích, ghi nhận những tư tưởng đúng và phê phán kịp thời những tư tưởng sai lệch để các nhà khoa học phát huy hết năng lực trí tuệ của mình. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng các kế hoạch đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lý luận; phát hiện và phát triển những cán bộ tài năng, nhiều triển vọng; đãi ngộ xứng đáng các chuyên gia lý luận đầu đàn; có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các cơ quan chuyên sâu nghiên cứu và giảng dạy lý luận Mác - Lênin.
Chúng ta tin tưởng rằng, Ðại hội XIII của Ðảng với những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, sáng tạo được thể hiện trong 12 định hướng, các mục tiêu phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược sẽ đưa đất nước phát triển lên một giai đoạn mới trên con đường xây dựng CNXH để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Ðảng ta sẽ có nhiều bổ sung, phát triển hơn nữa lý luận về con đường đi lên CNXH ở nước ta theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng là phải: Nâng tầm tư duy lý luận của Ðảng, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nguyễn Thị Tuyết