Một số kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới tại Lục Yên
Huyện Lục Yên được biết đến với điểm xuất phát tương đối thấp trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Nhưng đến nay, trong thực hiện xây dựng nông thôn mới huyện đã có những thay đổi rất tích cực. Các thành tựu đạt được trong thời gian qua là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn bộ hệ thống chính trị và sự đồng thuận rất cao của người dân sinh sống nơi đây, nhờ vậy huyện Lục Yên trở thành “điểm sáng” của tỉnh Yên Bái trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới.
Trong giai đoạn 2021-2023, huyện Lục Yên có thêm 8 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới là 15 xã (trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao); 38 thôn đạt chuẩn nông thôn mới và 20 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, số tiêu chí bình quân nông thôn mới đạt 14,95 tiêu chí/xã. Thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP), năm 2023, huyện Lục Yên có thêm 7 sản phẩm OCOP được công nhận, có 20 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao. Năm 2024 toàn huyện có 10 sản phẩm mới[1] được đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao và đánh giá lại 3 sản phẩm.
Không gian chợ quê đất Ngọc và gian hàng sản phẩm OCOP của huyện Lục Yên
(Nguồn: baoyenbai.com.vn)
Nhờ nỗ lực phấn đấu xây dựng nông thôn mới bền vững, thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Quyết tâm giảm nghèo đã được hiện thực hóa: Năm 2016 số hộ nghèo toàn huyện là 7.868 hộ, chiếm tỷ lệ 28,6%; đến nay con số này đã giảm xuống là 947 hộ, chiếm tỷ lệ 3,26% và 2.795 hộ cận nghèo chiếm 9,61%. Các xã cũng tích cực triển khai mô hình “Thắp sáng đường quê”, nay toàn huyện lắp đặt 97,95 km đèn đường chiếu sáng và hàng trăm km đường hoa trên các tuyến giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, toàn huyện đã thực hiện kiên cố hóa 60,66 km đường giao thông; xây dựng 05 công trình cầu; 147 công trình cống; thực hiện mở mới 6,51 km đường đất.
Huyện Lục Yên cũng là điểm sáng trong phong trào hiến đất, dịch rào, làm đường, nhiều đoạn, tuyến đường hình thành do người dân đóng góp kinh phí, ngày công, hiến đất đai, cây cối, hoa màu... Khởi nguồn cho phong trào này là xã Mường Lai. Năm 2020, tuyến đường Liễu Đô - Mường Lai được tỉnh đầu tư cải tạo nâng cấp, nhân dân xã Mường Lai đã hiến 2.950 m2 đất, trên 1.200 cây cối và nhiều vật kiến trúc có giá trị. Với sự đồng thuận cao của nhân dân, chỉ trong 4 tháng, tuyến đường đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Từ “tấm gương” Mường Lai, phong trào lan tỏa mạnh mẽ sang các xã khác. Điển hình là gia đình ông Đào Kim Cương - thôn São, xã Tân Lập là một trong những hộ hiến đất với diện tích lớn: trên 2.300 m2 đất và trên 1.500 cây quế cho tuyến đường Tuyến Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh. Từ đầu năm 2021 đến nay, người dân trên địa bàn đã hiến trên 100.000m2 đất để mở mới, nâng cấp các tuyến đường. Từ đó, toàn huyện đã có trên 640 km trong tổng số hơn 1.100 km đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa. Đường giao thông thuận tiện là điều kiện quan trọng cho cuộc sống của chính người dân phát triển hơn.
Một gia đình tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã tình nguyện phá bỏ một phần của ngôi nhà để mở rộng đường, vì mục tiêu phát triển nông thôn mới của địa phương.
(Nguồn: baoyenbai.com.vn)
Hệ thống thiết chế, văn hóa ở cơ sở của huyện đã được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh. Toàn huyện hiện có 40 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, 310 đội thể thao; 220 đội văn nghệ quần chúng; có 180/182 thôn (tính trên địa bàn 23 xã) được công nhận danh hiệu đạt chuẩn văn hóa.
Lục Yên nổi tiếng với nhiều loại đặc sản gắn liền với văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc nơi đây như hồng không hạt Vĩnh Lạc, lạc đỏ, cam sành, quýt vỏ giòn, đỗ tương, khoai tím... Trong 5 năm trở lại đây, việc phục hồi được các loại cây ăn quả bản địa được chú trọng, Lục Yên đã thay đổi toàn bộ tập quán canh tác cũ, khai thác tiềm năng lợi thế, đi theo con đường sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái để giải quyết thật căn cơ vấn đề môi trường, phục hồi hệ sinh thái, hoàn trả độ phì nhiêu cho đất, đồng thời quan tâm đến việc quảng bá, giới thiệu các đặc sản nổi tiếng của huyện Lục Yên.
Tiếp tục phát huy kết quả đạt được để xây dựng nông thôn mới bền vững
Để về đích nông thôn mới vào năm 2025, huyện Lục Yên phấn đấu có thêm 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay huyện đang tích cực rà soát, xây dựng kế hoạch, lộ trình và huy động cả hệ thống chính trị cùng với nhân dân dồn sức thực hiện các tiêu chí huyện Nông thôn mới. Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân các dân tộc huyện Lục Yên đang quyết tâm cao độ để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội đảng các cấp đề ra, đưa Lục Yên trở thành huyện nông thôn mới năng động, phát triển, góp phần xây dựng Yên Bái phát triển “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Huyện tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Người có uy tín... trong tuyên truyền, làm nơi quy tụ, làm điểm tương đồng trong việc khơi dậy, tổ chức, vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, các phong trào trên địa bàn như: nhà sạch, vườn đẹp; triển khai xây dựng vườn mẫu, tuyến đường mẫu trồng hoa; xây dựng các hố rác di động; đảm bảo vệ sinh môi trường... Từ đó, nhân dân phấn khởi, đồng thuận, sẵn sàng hiến đất, ngày công; tham gia thực hiện và giám sát xây dựng các công trình như nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn...
Lục Yên tiếp tục đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, quan tâm các đối tượng thuộc diện hưởng chính sách và đồng bào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từng bước nâng cao đời sống của Nhân dân, hạ thấp tỷ lệ hộ đói nghèo. Bảo đảm sự công khai, dân chủ trong thực hiện các công trình hạ tầng là cơ sở chính trị của sự nghiệp phát triển toàn diện con người ở địa phương.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới thời gian tới còn rất nhiều khó khăn, trở ngại nhất là trong điều kiện một huyện miền núi nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lục Yên đã thể hiện sự đồng lòng nhất trí, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, lựa chọn những cách làm sáng tạo, phù hợp, phát huy và cộng hưởng nguồn lực từ sự hỗ trợ của nhà nước và sự đóng góp của Nhân dân, với mục tiêu cuối cùng là đem lại đời sống no ấm, bình an và hạnh phúc cho nhân dân. Những bài học kinh nghiệm quý báu bước đầu đó đang được toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân Lục Yên tiếp tục phát huy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng Lục Yên ngày càng phát triển toàn diện và bền vững.
[1] Gồm các sản phẩm: Rượu nếp ủ Lập Nguyễn; Rượu gạo ủ Lập Nguyễn; Cá rô phi sấy Hoàng Hà; Cá mương sấy Hoàng Hà; Cá quả sấy Hoàng Hà; Lạp xưởng đất ngọc - Lục Yên; Thịt trâu sấy gác bếp đất ngọc - Lục Yên; Thịt trâu gác bếp Hiển Hường; Thịt lợn hun khói Hiển Hường; Thịt lơn ba chỉ hun khỏi Hiển Hường.
Thu Hương - Trường Chính trị tỉnh Yên Bái