Đặc quyền của người da trắng, phân biệt chủng tộc về mặt thể chế, thiên vị một cách vô thức, chính trị bản sắc – những thuật ngữ này đã trở những vấn đề thời sự trong các cuộc tranh luận chính trị ở Mỹ và Anh. Nhưng chủng tộc không chỉ là một vấn đề trong nước. Vào thời điểm mà quyền lực toàn cầu đang chuyển dịch, các tranh luận về công bằng chủng tộc cũng đang trở thành một phần của cuộc đấu tranh địa chính trị.
Nếu xếp hạng theo sức mua, các nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay theo thứ tự là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Đức. Nhưng các thể chế chính trị quan trọng nhất của thế giới vẫn phản ánh cán cân quyền lực chính trị và kinh tế của năm 1945. Năm thành viên thường trực, có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp.
Thực tế rằng bốn trong số năm thành viên thường trực là các quốc gia có dân số chủ yếu là người da trắng được cho là hình ảnh đại diện cho “đặc quyền của người da trắng” ở cấp độ quốc tế, điều được kế thừa từ thời đại của các đế chế. Nó có vẻ không bền vững khi hiện có khoảng 5,8 tỷ trong số khoảng 7,6 tỷ dân toàn cầu sống ở châu Á và châu Phi.
Tuy nhiên, Trung Quốc là một trong năm nước có đặc quyền đó – và điều này hạn chế sự khao khát thúc đẩy cải cách của Bắc Kinh. Ý tưởng về việc Ấn Độ và Nhật Bản giành được một ghế thường trực tại “mâm” trên toàn cầu sẽ không được hoan nghênh ở Bắc Kinh. Sự cạnh tranh trong nội bộ các khu vực – như giữa Nigeria và Nam Phi, hoặc giữa Mexico và Brazil – cũng làm chậm động lực cải cách tại Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, tranh luận về chủng tộc đang trở thành một phần của cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Phẫn nộ trước những lời chỉ trích ngày càng tăng của phương Tây về cách đối xử của họ với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng lật ngược tình thế – chỉ ra sự ngược đãi trong lịch sử của Mỹ và Australia đối với người bản địa và lịch sử thực dân của các cường quốc châu Âu.
Căng thẳng chủng tộc hiện nay ở Mỹ cũng cung cấp cho Bắc Kinh các luận điểm để chỉ trích. Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã tweet gần đây rằng Mỹ và các đồng minh của họ “không có tư cách để dạy dỗ Trung Quốc, khi rất nhiều người đã chết vì Covid-19 và những người như George Floyd thậm chí không thể thở được”. Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc, đã đăng một bài báo cáo buộc rằng thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo “Five Eyes” giữa Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand là một “trục dựa trên tư duy người da trắng thượng đẳng”. Ở một khía cạnh tích cực hơn, chính phủ Trung Quốc đã tìm cách xây dựng các liên minh ở châu Phi bằng cách lập luận rằng Trung Quốc và các quốc gia châu Phi được liên kết với nhau bằng một cuộc đấu tranh chung chống lại chủ nghĩa thực dân.
Các lập luận về chống thực dân cũng là một phần của diễn ngôn chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Khi một nhóm nghị sĩ Anh gần đây tranh luận về các cuộc biểu tình của nông dân ở Ấn Độ, chính phủ Ấn Độ đã triệu đại sứ Vương quốc Anh lên để phản đối. Một bài báo của Kanwal Sibal, cựu lãnh đạo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, cáo buộc Anh “mắc kẹt trong tư duy thực dân”.
Nhưng lập luận chống phân biệt chủng tộc chảy theo cả hai hướng. Chính phủ của đảng Bharatiya Janata ở Delhi thường bị cáo buộc là ủng hộ người theo đạo Hindu và kỳ thị thiểu số người Hồi giáo của nước này. Những lời chỉ trích cho rằng cách tiếp cận của chính phủ Trung Quốc đối với Tân Cương bắt nguồn từ một hình thức chủ nghĩa dân tộc-sắc tộc vốn tìm cách áp đặt văn hóa của người Hán đa số lên toàn bộ Trung Quốc. Trung Quốc đôi khi cũng coi những người gốc Hoa bên ngoài đất nước như một phần của cộng đồng người Hán nói chung, đòi hỏi họ phải trung thành nhất định với Bắc Kinh bất kể quốc tịch hiện nay của họ là gì.
Bất chấp những bất ổn rõ ràng liên quan đến quan hệ chủng tộc ở Mỹ, một số nhà tư tưởng chính sách đối ngoại cho rằng phương Tây cuối cùng sẽ thấy rằng sự đa dạng chủng tộc ở nước họ là một nguồn sức mạnh trong các vấn đề quốc tế. Anne-Marie Slaughter, người đứng đầu New America, một viện nghiên cứu chính sách, lập luận rằng việc chống phân biệt chủng tộc nên được kết hợp một cách có hệ thống hơn vào việc hoạch định chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Bà cho rằng một giới chức hoạch định chính sách đối ngoại không bị chi phối bởi người da trắng có thể tập trung ít hơn vào khía cạnh cạnh tranh giữa các cường quốc và tập trung nhiều hơn vào các vấn đề công bằng toàn cầu – chẳng hạn như phân phối công bằng vắc-xin Covid-19.
Nếu Mỹ từng thực sự được coi là nước thúc đẩy bình đẳng chủng tộc ở phạm vi toàn cầu thì họ thậm chí có thể gặt hái được lợi ích trong cuộc chiến với Trung Quốc nhằm giành được “trái tim và khối óc” của thế giới. Mục tiêu dài hạn sẽ là tương phản một nước Mỹ đa văn hóa với một Trung Quốc lấy người Hán làm trung tâm.
Nhưng cuộc tranh luận khó có thể diễn ra một cách đơn giản như vậy. Việc quảng bá toàn cầu các lý tưởng của Mỹ về bình đẳng chủng tộc không phải lúc nào cũng là cách tốt nhất để thu phục những người bạn ở nước ngoài. Ngay cả một số đồng minh của Mỹ cũng coi đây là một hình thức mới của chủ nghĩa đế quốc về văn hóa của Mỹ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phàn nàn rằng một hệ tư tưởng xa lạ về bản sắc nhóm đang được du nhập vào Pháp từ các trường đại học Mỹ- chà đạp lên truyền thống cộng hòa của chính nước Pháp vốn giảm nhẹ bản sắc chủng tộc và nhấn mạnh quyền công dân chung.
Sự nhấn mạnh hiện tại về chính trị chủng tộc ở cả Hoa Kỳ và thế giới nói chung khó có thể qua đi trong một sớm một chiều. Dù sự quan tâm gia tăng là do các sự kiện không lường trước được, chẳng hạn như việc Floyd bị giết và sự ủng hộ dâng cao dành cho phong trào Black Lives Matter, nhưng cũng có những yếu tố mang tính cấu trúc sâu sắc hơn hiện hữu. Sự thay đổi nhân khẩu học và sự thịnh vượng gia tăng ở những quốc gia mới đang thách thức các cấu trúc quyền lực từng có vẻ sẽ tồn tại lâu dài. Khi điều đó xảy ra, cuộc tranh luận toàn cầu về công bằng chủng tộc nhiều khả năng sẽ ngày càng căng thẳng hơn.
Nguồn: nghiencuuquocte.org.vn