Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm đặc biệt cho Thủ đô Hà Nội yêu dấu. Từ chiến khu Việt Bắc trở về, Người đã sớm có những chỉ dẫn đồng bào Thủ đô bảo vệ những cơ sở kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự, phát huy những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, làm cơ sở xây dựng Thủ đô đàng hoàng hơn, to đẹp hơn sau khi được giải phóng
Cách đây 70 năm (10/10/1954 - 10/10/2024), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng”, đăng trên báo Nhân Dân số 236 từ ngày 9 đến ngày 10/10/1954. Lời kêu gọi của Người nhằm động viên nhân dân Thủ đô cùng với Chính phủ nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, ổn định chính trị, kinh tế, văn hóa, đời sống, góp phần xây dựng Thủ đô “yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.
Mở đầu Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ niềm vui mừng phấn khởi sau tám năm Chính phủ rời Thủ đô đi kháng chiến, nay Chính phủ “trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể !”[1].
Người khen ngợi nhân dân Thủ đô đã giữ gìn được sự yên ổn và đồng thời căn dặn Chính phủ cùng nhân dân Thủ đô phải thực hiện tốt những nhiệm vụ: “Chính phủ và nhân dân phải cùng nhau ra sức giữ gìn trật tự, an ninh. Trật tự, an ninh tốt thì mọi người mới an cư, lạc nghiệp. Chúng ta phải cùng nhau gây nên một phong trào cần, kiệm, liêm, chính và mỹ tục, thuần phong”[2]. Sau ngày giải phóng, Thủ đô còn nhiều khó khăn trên mọi phương diện, do đó, Người căn dặn đồng bào ở mỗi cương vị của mình đều phải cố gắng: “Chúng ta phải thực hiện chính sách công và tư đều được chiếu cố, chủ và thợ đều có lợi. Các bạn công nhân hăng hái sản xuất. Bà con công, thương hăng hái kinh doanh. Chúng ta cần phải duy trì và khôi phục mọi hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh tế và tài chính của Thủ đô ta”[3].
Bộ đội ta tíếp quản Thủ đô Hà Nội ngày 10/10/1954 (Ảnh tư liệu)
Về các nhiệm vụ văn hóa, giáo dục, chính trị, Người căn dặn: “Các nhà văn hóa, giáo dục phải hăng hái phục vụ nhân dân. Chúng ta phải duy trì và khôi phục mọi hoạt động văn hóa. Về chính trị, chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, thực hiện tự do dân chủ. Mọi người đều đưa hết tài đức của mình để khôi phục Thủ đô và xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ…nhân dân, bộ đội và cán bộ phải thi hành đúng chính sách và tuân theo kỷ luật mà Ủy ban quân chính đã ban bố”[4].
Thấm nhuần lời dạy của Người, công tác tiếp quản Thủ đô dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với sự nhiệt tình cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã được hoàn thành một cách nhanh gọn; an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, cuộc sống của nhân dân Hà Nội nhanh chóng được ổn định. Nhằm đẩy mạnh sự nỗ lực của cán bộ, chiến sỹ và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, ngày 30/11/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến gặp gỡ và nói chuyện với đại biểu cán bộ, công nhân viên chức Thủ đô. Người căn dặn cán bộ, công chức phải đoàn kết nội bộ:
“Ai cũng biết hiện nay chúng ta có hai lớp cán bộ, cán bộ kháng chiến và cán bộ khác. Nhưng chúng ta phải biết rằng nay hai lớp cán bộ ấy đều là cán bộ của chính quyền nhân dân, tức là như anh em một nhà. Cho nên chúng ta cần phải xóa bỏ hết thành kiến, cần phải thật thà đoàn kết với nhau, giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ, để cùng phục vụ nhân dân”[5].
Người nhấn mạnh: “Bất kỳ ở địa vị nào, làm công tác gì, chúng ta đều là đầy tớ của nhân dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm như vậy, chúng ta phải cố gắng thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính”.[6]
Theo dõi sự phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành của đội ngũ cán bộ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh sự gương mẫu và gắn bó chặt chẽ với quần chúng của họ trong quá trình công tác. Trong buổi nói chuyện tại Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội ngày 20-6-1960, Người chỉ rõ cán bộ, đảng viên phải luôn luôn liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nhất là phải làm gương mẫu cho mọi người noi theo trong mọi mặt công tác.
Ngày 01/02/1961, khi dự Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhấn mạnh đến quá trình tu dưỡng đạo đức, trách nhiệm, tác phong của người cán bộ. Người nêu lên những sai lầm, khuyết điểm mà cán bộ thường mắc phải:
“ + Đối với nhân dân thì quan liêu, mệnh lệnh; xem thường pháp luật, không tôn trọng quyền lợi của nhân dân…
+ Đối với tập thể thì kèn cựa địa vị, tính thiệt suy hơn, chỉ hỏi Đảng và Chính phủ đã làm gì cho mình, không tự hỏi mình đã làm gì ích lợi cho nhân dân, cho xã hội.
+ Đối với của công thì lãng phí, tham ô, ở các xí nghiệp và các hợp tác xã ít nhiều đều có hiện tượng xấu như vậy.
+ Đối với bản thân thì không lo trau dồi đạo đức cách mạng, không lo học tập để tiến bộ, mà chỉ lo ăn ngon, mặc đẹp hơn người khác…”[7].
Do vậy, Người chỉ rõ cán bộ phải thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình “cán bộ phải không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với Đảng và một lòng một dạ phục vụ nhân dân”[8].
Những lời căn dặn và yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, nhân dân Thủ đô là những lời chỉ dạy tâm huyết với mong muốn xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm năm 1965 (Ảnh tư liệu)
Ngay sau ngày giải phóng, Thủ đô Hà Nội bắt tay ngay vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; khắc phục những hậu quả của chế độ thực dân để lại. Thủ đô vừa nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa cùng nhân dân miền Bắc dốc sức chi viện chiến trường miền Nam.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đất nước tạm thời bị chia cắt, Hà Nội và miền Bắc thường xuyên bị giặc tập trung đánh phá ác liệt. Song, người dân Thủ đô ở những thời khắc cam go nhất vẫn sắt son niềm tin vào Đảng, kiên định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”, nỗ lực vượt qua khó khăn, vượt lên đau thương mất mát, thi đua lao động sản xuất, tạo dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, chung sức với nhân dân miền Bắc xây dựng hậu phương lớn, làm chỗ dựa vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng quân xâm lược.
Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quân dân Hà Nội cùng các quân binh chủng và các địa phương phối hợp, đã làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” vang dội sau 12 ngày đêm chiến đấu dũng cảm (tháng 12 năm 1972), buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Sau năm 1975, Hà Nội cùng nhân dân cả nước nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn do hậu quả nặng nề của chiến tranh, cùng cả nước quyết tâm tiến hành công cuộc đổi mới, từng bước đưa đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tiếp tục phát triển. Thủ đô Hà Nội đổi mới từng ngày, đạt nhiều thành tựu nổi bật, toàn diện, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Từ khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng (1954) đến khi Người đi xa (1969), mặc dù bộn bề việc nước, song Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến Thủ đô Hà Nội. Từ những ngày khó khăn đầu tiên khi tiếp quản Thủ đô đến những năm tháng hòa bình, xây dựng và bảo vệ Thủ đô vững mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, theo dõi sát sao công tác xây dựng Thủ đô Hà Nội. Tư tưởng của Người về xây dựng Thủ đô, về đào tạo, rèn luyện cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của Hà Nội, có ý nghĩa to lớn đối với Đảng bộ Thành phố Hà Nội; đối với mỗi cán bộ, công chức của Thủ đô luôn ý thức tự phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện để xứng đáng với lòng mong mỏi, kỳ vọng của Người.
Minh Dương
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.9, tr.79.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr.79.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr.80.
[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr.80.
[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr.145.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập Sđd, t. 9, tr.145.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập Sđd, t. 13, tr.29.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr.28.