Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra cuộc khủng hoảng chưa từng có trên toàn cầu. Dịch bệnh này bùng phát ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) vào tháng 12-2019, nay đã nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu với 213 quốc gia có nguời nhiễm bệnh. Hiện thế giới ghi nhận gần 12 triệu người nhiễm bệnh và hơn 500 nghìn người tử vong. Nhưng con số này chưa dừng lại mà vẫn tăng lên từng ngày.
Theo tờ Wall Street Jounal, hiện khó có thể đưa ra một con số thiệt hại cụ thể nào do đại dịch Covid-19 gây ra cho loài người. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đang hiện hữu do năng suất lao động giảm, sản xuất đình đốn, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thương mại và đầu tư giảm, ngành du lịch bị tàn phá…
Đứng trước thảm họa Covid - 19, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã đi tìm nguồn gốc và nguyên nhân của đại dịch, nhưng chưa có câu trả lời chính xác. Song, với các bằng chứng khoa học, các chuyên gia cho rằng, virus corona không phải là sản phẩm trong phòng thí nghiệm của con người.
Giáo sư Sinh - Hóa học - Richard Ebright - của Đại học Rutgers (Mỹ) cho biết, dựa trên bộ gen và tính chất của virus, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nguồn gốc của virus là nhân tạo hay được con người tạo nên.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm thấy chủng virus rất giống với virus SARS-CoV-2 ở một loài dơi tại Trung Quốc. Điều này đưa đến giả thuyết rằng nguồn gốc bệnh Covid-19 là từ loài dơi. Khi loài dơi căng thẳng do bị săn bắt hoặc mất môi trường sống, hệ thống miễn dịch của dơi sẽ không phát huy tác dụng, gây biến đổi gen, xuất hiện những chủng mới của virus và những mầm bệnh này dễ lây nhiễm trong môi trường.
Từ những phân tích trên cho thấy, nguồn lây bệnh nằm trong chính ngôi nhà chung - Trái đất - nơi chúng ta đang sinh sống. Do những khai thác quá mức của con người lên môi trường như, việc chặt phá rừng bừa bãi, khai thác tài nguyên cạn kiệt, thải vào môi trường nhiều chất độc hại làm biến đổi khí hậu, gây mất cân bằng sinh thái, phá vỡ an ninh môi trường… là nguồn gốc gây nên virus SARS-CoV-2.
Bên cạnh đó, do tác động của toàn cầu hóa hình thành nên mạng lưới giao thông kết nối toàn cầu khiến cho dịch bệnh mà đáng lẽ ra chỉ xuất hiện trong một vùng, nay có thể lan rộng ra rất nhiều khu vực trong thời gian ngắn, thành đại dịch Covid - 19.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong tương lai rất có thể những virus dễ lây nhiễm và nguy hiểm như SARS-CoV-2 sẽ còn xuất hiện do biến đổi khí hậu, mất an ninh môi trường. Việc bị mất môi trường sống và đa dạng sinh học đã tạo điều kiện cho các loại virus và bệnh mới như Covid-19 lan tràn vào cộng đồng. Vì vậy, giữ vững an ninh môi trường là nhiệm vụ sống còn của nhân loại và mọi người dân Việt Nam trong điều kiện hiện nay.
Nếu không giữ được an ninh môi trường thì những thảm họa môi trường sẽ gây suy yếu nền kinh tế, gia tăng đói nghèo, gia tăng bất ổn chính trị, đặc biệt, gia tăng bệnh tật như đại dịch Covid - 19, trở thành ngòi nổ cho các bất ổn xã hội, các cuộc xung đột, chiến tranh và thậm chí hủy diệt loài người.
Suy cho cùng, cho dù khoa học công nghệ tiến bộ đến đâu, con người vẫn vô cùng yếu ớt và mong manh trước thiên nhiên. Đại dịch lần này cũng có thể là sự "trả thù" của giới tự nhiên để cảnh báo loài người, vì lòng tham lam con người đã tàn phá dữ dội môi trường, đã thải không biết bao nhiêu khí độc vào bầu khí quyển và cũng để trừng phạt thói ăn uống man rợ của con người. Do đó, loài người hãy hòa nhập với thiên nhiên, thay đổi nhận thức về thiên nhiên, bảo đảm an ninh môi trường là điều cần thiết nhất lúc này.
Vấn đề an ninh môi trường đã được Đảng ta nhận thức và chỉ đạo thực hiện từ rất sớm. Tại Đại hội XI, Đảng ta đã khẳng định: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mọi công dân”.
Bên cạnh đó, vấn đề an ninh môi trường đã được nêu rõ trong Luật Bảo vệ môi trường (năm 2014), trong đó có quy định, an ninh môi trường là việc bảo đảm không có tác động lớn của môi trường đến sự ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế của quốc gia.
Trong đại dịch, các nhà môi trường cũng có nhiều sáng kiến nhằm giữ vững an ninh môi trường như thực hiện khẩu hiệu: “Môi trường sạch sẽ góp phần đẩy lùi bệnh tật”. Nhiều nơi trên cả nước đã triển khai các mô hình, sáng kiến trong công tác vệ sinh môi trường để mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi con phố là “pháo đài” và mỗi tòa chung cư là “cụm dân cư an toàn”.
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh môi trường quốc gia. Do đó, thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về an ninh môi trường và trách nhiệm bảo đảm an ninh môi trường cho mọi người dân Việt Nam.
Để an ninh môi trường trở thành ý thức và hành động tự giác của mỗi thành viên trong xã hội, làm cho an ninh môi trường thực sự trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của an ninh quốc gia. Đồng thời, tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là phòng, chống dịch chuyển ô nhiễm môi trường xuyên quốc gia; ngăn chặn nạn chặt phá rừng, săn bắt có tính hủy diệt động vật, nguồn lợi thủy sản; chống buôn lậu, nhập khẩu trái phép rác thải công nghiệp, nông sản, thực phẩm có chất bảo quản độc hại.
Hà Lê