Hiện nay, chuyển đổi số ở Việt Nam đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng chưa từng có, đòi hỏi phải nguồn nhân lực tương ứng để có thể ứng dụng chuyển đổi số, nhằm nâng cao năng suất lao động.

Thách thức của nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay

Tại Quyết định 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Việt Nam đặt ra mục tiêu trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Đồng thời, đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Một trong các mục tiêu lớn đến năm 2025 là 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Có thể nói, đây là giai đoạn khẩn trương để đào tạo và phát triển nguồn lực số liên tục đáp ứng cho toàn bộ các doanh nghiệp và các cơ quan bộ, ban, ngành, giúp chuẩn bị cho sự phát triển vượt bậc trong tương lai của Việt Nam.

Để phát triển nguồn lực đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số, ngày 28/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong Đề án này, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu đào tạo 1.000 chuyên gia chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn để làm lực lượng nòng cốt chuyển đổi số trên toàn quốc; 100% các trường “đại học số” phải hoàn thiện được mô hình tổ chức số, quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở và được đầu tư trang bị đồng bộ hạ tầng, nền tảng công nghệ, trang thiết bị học và thực hành, sẵn sàng tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số. Đồng thời, đào tạo được hơn 5.000 kỹ sư, cử nhân, thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường đại học, cao đẳng có thế mạnh trong đào tạo chuyển đổi số.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số của Việt Nam đang thiếu và yếu. Việt Nam đang thiếu trầm trọng nhân lực có kiến thức, kỹ năng, làm chủ các công nghệ mới, công nghệ đặc trưng của chuyển đổi số, như: trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, tự động hóa hay blockchain. Hơn nữa, nhân lực số của Việt Nam đang thiếu cả những kỹ năng cần thiết để hoàn toàn làm chủ các chương trình chuyển đổi số. Chỉ 40% doanh nghiệp cho biết, có đủ kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông để duy trì, khai thác đầy đủ các hệ thống công nghệ số của họ. Hơn nữa, Việt Nam chưa có chuẩn kỹ năng số quốc gia, như phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo…, mà hiện mới chỉ có chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành từ năm 2014.

Nguyên nhân chủ yếu của sự hạn chế về nguồn nhân lực chuyển đổi số được chỉ ra như sau:

Một là, do chất lượng đào tạo chưa đồng đều. Hiện nay, dù số lượng cơ sở đào tạo công nghệ thông tin nhiều, nhưng chất lượng không đồng đều. Nhiều trường có quy mô nhỏ, năng lực yếu, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên không đủ cả về số lượng và chất lượng dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, sinh viên đào tạo ra không đáp ứng yêu cầu phải đào tạo lại hoặc chuyển nghề, gây lãng phí lớn đến nguồn lực xã hội.

Hai là, do chất lượng đào tạo và việc kiểm soát chất lượng sinh viên ra trường chưa có sự đồng nhất; các công nghệ liên tục thay đổi, đòi hỏi công tác đào tạo an toàn thông tin cũng cần thay đổi theo để đáp ứng; chưa có sự gắn kết đủ lớn giữa các cơ sở đào tạo và các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nhân lực; để đào tạo an toàn thông tin chất lượng cao, các trường cần được đầu tư hệ thống công nghệ, phòng Lab đòi hỏi chi phí cao.

Ba là, do các sinh viên được đào tạo ra còn thiếu kỹ năng số đáp ứng nhu cầu của chuyển đổi số. Sinh viên mới ra trường vẫn thiếu các kỹ năng mềm, tiếng Anh, tư duy mở, kỹ năng tự học, kỹ năng làm việc nhóm...

Bốn là, do nhiều cơ quan, tổ chức chưa thực sự quan tâm đúng mức trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để tạo được nguồn nhân lực số trong chuyển đổi số chất lượng, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Giải pháp phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số

Để Việt Nam bắt kịp với công cuộc chuyển đổi số trên thế giới để tăng năng lực cạnh tranh và theo kịp sự phát triển của công nghệ toàn cầu, cần xác định một số nhiệm vụ, giải pháp cho phát triển nguồn nhân lực theo các định hướng sau:

Thứ nhất, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực toàn diện; tập trung vào việc đào tạo và hướng đến các điểm chung trong việc phát triển nhân sự trong các lĩnh vực công và nhân sự trong doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số. Người lao động cần có được các kỹ năng kỹ thuật cũng như sự kết hợp năng lực số (ví dụ như phân tích dữ liệu lớn, mạng bảo mật, truyền thông xã hội) với các kỹ năng mềm để cải thiện khả năng đáp ứng, thay thế linh hoạt giữa các thành phần kinh tế và nghề nghiệp. Chú trọng công tác nghiên cứu phát triển tại các cơ sở đào tạo công nghệ thông tin để phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao.

Thứ hai, xây dựng chương trình đào tạo ngắn hạn, đào tạo lại công nghệ thông tin. Cần có chính sách hỗ trợ và thiết kế các chương trình đào tạo cho các đối tượng khi tham gia đào tạo lại, đào tạo và bồi dưỡng nâng cao chuyên môn và kỹ năng cho người lao động. Đào tạo ngắn hạn nhằm trang bị các kiến thức kỹ năng công nghệ mới cho các đối tượng sinh viên đang học tại các cơ sở đào tạo, sinh viên đã tốt nghiệp, nhưng chưa kiếm được việc làm và những người đang làm tại các doanh nghiệp, tổ chức để nhanh chóng tăng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thứ ba, triển khai chương trình “Học từ làm việc thực tế”, trong đó, cơ quan nhà nước là cầu nối giữa các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong tỉnh để xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu thực tế và đặt hàng của doanh nghiệp; tổ chức các chương trình thực tập ngắn hạn, thường xuyên để tăng cơ hội tiếp xúc nghề nghiệp cho sinh viên, từ đó định hướng tốt hơn cho công việc tương lai và bổ sung nguồn lực kỹ thuật cho doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng số kết nối các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp để thúc đẩy học từ làm việc thực tế, đào tạo và đào tạo lại kỹ năng số cho người lao động, kết nối cung cầu thị trường lao động; ưu tiên các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, đột phá.

Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Cần thiết lập các mạng lưới toàn cầu kết nối với công nghệ thế giới bằng cách nhập khẩu công nghệ cao, mời các chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy, tiến hành các hoạt động liên doanh đào tạo và nghiên cứu, phát triển… Cần có chính sách thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại các trường đào tạo nổi tiếng của thế giới (khuyến khích tự túc du học, Nhà nước cung cấp kinh phí để đào tạo lao động chuyên môn, kỹ thuật cao ở nước ngoài...) gắn với nhu cầu của đất nước.

Thứ năm, khẩn trương triển khai xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thí điểm mô hình “Giáo dục đại học số” tại một số trường đại học phù hợp. Xây dựng, ban hành Bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại học.

Như vậy, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có năng lực vươn ra toàn cầu. Trong hành trình đó, nhân lực số đóng vai trò cốt lõi, quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số quốc gia.