Từ chuyện thầy - trò và chân lý thời cổ đại
Trong lịch sử triết học phương Tây cổ đại, triết học của Plato là trừu tượng và không tưởng, trong khi đó triết học của Aristotle là kinh nghiệm, thực tiễn, cảm tính. Sự khác biệt đó được khắc họa tài tình trong bức tranh “Trường học Athens” (1510 - 1511) bởi danh họa người Ý Raphael, trong đó vẽ Plato và Aristotle cùng trong buổi nói chuyện, xung quanh là các nhà triết học, khoa học, và các họa sĩ nổi tiếng. Plato là người chỉ tay lên Thiên đường, trong khi Aristotle chỉ tay vào trần thế. Điều đó đã phần nào cho thấy quan điểm trái ngược của hai ông về chân lý. Điểm đặc biệt ở chỗ, hai triết gia nổi tiểng, hai tượng đài đồ sộ nhất của triết học phương Tây cổ đại lại có mối quan hệ thầy - trò, thầy là Plato và trò là Aristotle.
Sự khác biệt về tư tưởng nằm trong câu nói nổi tiếng của Aristotle: “Thầy Plato rất đáng quý nhưng chân lý còn quý hơn”. Một môn đệ thông minh xuất chúng luôn lên tiếng phê phán một giáo sư toàn năng, xét trong lịch sử giáo dục quả là rất hiếm. Có phải là một sự bất kính? Có phải giáo dục phương Tây không có “tôn sư trọng đạo” như phương Đông? Không hề có sự bất kính, trong câu nói của Aristotle có thể hiểu là “trọng đạo” được đặt trước (quý hơn) “tôn sư”. Plato cũng không hề xem sự phê phán của Aristotle là một sự bất kính mà còn ban tặng biệt danh cho học trò này là “Nous of Academy” - nghĩa là “linh hồn của viện hàn lâm” và còn cho khắc lên phòng của Aristotle dòng chữ: “Phòng của người thiên kinh vạn quyển”. Ý nghĩa của nó không chỉ là sự ghi nhận mà còn là biện pháp nêu gương khích lệ về sự tranh biện khoa học cho các môn đệ khác. Plato quả là một người thầy đức độ, khả kính! Một quan hệ sư phạm mẫu mực, nhưng dân chủ, khai mở, không khuôn sáo. Khi với tư cách là những nhà tư tưởng, nhà khoa học, họ hoàn toàn bình đẳng, dân chủ trong tranh biện để tìm ra chân lý; còn về mặt đức hạnh, họ vẫn giữ đạo thầy – trò. Có thể nói, những tư tưởng lớn có thể khác nhau đến mức “bất đồng” nhưng họ luôn trọng thị khi đánh giá về nhau, không “bất kính”. Điều đó thuộc về văn hóa ứng xử và nó góp phần tô điểm thêm sự đẹp đẽ của những nhân cách lớn.
Đến chuyện thầy - trò và chân lý trong xã hội hiện nay
Khi trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vào năm 1946 khi trả lời một nhà báo nước ngoài, Hồ Chí Minh cũng từng nói: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân... Tôn giáo của Chúa Giêsu có ưu điểm của nó là có lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là có chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều mưu cầu hạnh phúc cho con người, mưu cầu hạnh phúc cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, tôi tin rằng, họ nhất định sống chung với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm một người học trò nhỏ của các vị ấy”[1].
“Nhận thức chân lý là một quá trình” và ai cũng có thể là một mắt xích của quá trình đó chứ không hẳn là thầy hay trò, và càng không thể là sự trao truyền một chiều từ thầy sang trò như quá trình dạy học truyền thống lâu nay vẫn mặc nhiên chấp nhận thế (?) Lời của Aristotle: “Thầy Plato rất đáng quý nhưng chân lý còn quý hơn” tuy cổ xưa nhưng vẫn rất đáng để suy ngẫm về việc dạy - học và đạo thầy - trò trong xã hội hiện đại.
Ngày nay, vẫn còn rất nhiều thầy giáo không chấp nhận cách phản ứng, phê phán, phản biện của học trò kiểu như Aristotle bởi họ quan niệm những lời rao giảng của thầy phải là “khuôn vàng thước ngọc”, chân lý là vĩnh cửu, nhất thành bất biến. Cũng vậy, với học trò thì mọi lời thầy giảng là nhất mực đúng, việc tiếp nhận và phải nghe theo đã giành hết chỗ của những “hoài nghi khoa học”. Thậm chí khi phát hiện điều thầy giảng là chưa đúng, chưa thuyết phục thì cũng hiếm có học trò lên tiếng phản đối, phê phán. Im lặng và chấp nhận đó như là cách tốt nhất thể hiện sự kính trọng và biết ơn thầy.
Nhớ rằng, J.W.Goethe (1749-1832, thi sĩ, triết gia Đức) đã từng nói: tất cả mọi lý thuyết đều màu xám chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi. Cách dạy với quan niệm như vậy chỉ càng làm khô cứng, bóp chết chân lý nhanh chóng khi nó chưa kịp ngả “màu xám” và vô hình trung thầy giáo trở thành những con người thủ cựu nhất, lạc hậu nhất. Thầy phải thấy rằng, học trò phê phán được điều thầy giảng, học trò hơn thầy âu cũng là quy luật của sự phát triển: thế hệ sau hơn thế hệ trước. “Cá không ăn muối cá ươn” - cách để giữ cá không ươn bằng ướp muối có thể là “chân lý” của một thời đã qua, nó khó bề sánh bằng những giải pháp công nghệ mới giữ cá được tươi lâu và hiệu quả như ngày nay. Những cố gắng trói buộc tư duy của người học trò bằng thang đo trí tuệ của người thầy không chỉ làm cho giáo dục ngày một cổ hủ hơn mà còn làm cho đất nước, xã hội bị chững lại hoặc phát triển một cách chậm chạp. Do vậy, người thầy giáo không chỉ dạy cho học trò những tri thức đã có mà phải truyền cảm hứng cho họ cách phát hiện tri thức, cách “đứng trên vai” của những tri thức ấy, “đứng trên vai” của thầy để trở thành người khổng lồ. Còn học trò phải thấy rằng: cách học, cách lĩnh hội bằng áp đặt, chấp nhận một chiều thì chỉ có thể học những điều đã cũ và sẽ dễ hình thành nên những con người rập khuôn, thụ động, nô lệ, chấp nhận sự sai khiến của người khác, thiếu tính sáng tạo, không tự tin ở khả năng của mình.
Từ chuyện thầy - trò và chân lý của người xưa, đến nay dù thực tiễn đã có nhiều thay đổi nhưng người thầy vẫn có một vai trò to lớn, một vị trí thiêng liêng đáng trân trọng, tự hào. Mỗi người trò cần giữ đúng tinh thần “tôn sư trọng đạo”, biết nhận thức và vận dụng sáng tạo tri thức mà người thầy mang lại để tạo thành hành trang cho bản thân mình cho hoạt động thực tiễn.
[1] Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996, tr.152
Nguyễn Văn Hiền