Quyền lực và trách nhiệm - hai mặt không thể tách rời
Mỗi cá nhân, tổ chức trong xã hội có nhiều phân hệ quyền lực khác nhau, có thể là quyền lực kinh tế, quyền lực xã hội,…. Quyền lực là khả năng của cá nhân hay tổ chức có thể buộc các cá nhân hay tổ chức khác phải phục tùng ý chí của mình.
Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đội ngũ cán bộ, công chức là người làm việc trong Nhà nước, người đem chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước tới Nhân dân và hướng dẫn cho Nhân dân hiểu và thực hiện đúng; qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân mà phản ánh lên người có thẩm quyền, cơ quan nhà nước cấp trên những vấn đề còn tồn tại trong thực tiễn, để sửa đổi, bổ sung và ban hành văn bản sau hiệu quả hơn.
Quá trình tổ chức thực hiện, đội ngũ cán bộ, công chức cần phải biết phạm vi quyền lực của mình ở đâu, tránh lạm quyền, nhất là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý. Bên cạnh quyền lực, cán bộ, công chức cần nắm rõ trách nhiệm của mình như thế nào. Trách nhiệm là phần việc được giao, điều phải làm, phải gánh vác, nhận lấy về mình theo từng vị trí công việc, trách nhiệm với Nhân dân, với quốc gia và dân tộc. Điều này đã từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tinh thần trách nhiệm là gì ? Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, găp sao làm vậy,… là không có tinh thần trách nhiệm”[1].
Mối quan hệ giữa quyền lực và trách nhiệm luôn tương xứng với nhau, vị trí càng cao, công việc càng phức tạp thì quyền lực và trách nhiệm càng lớn. Quyền lực và trách nhiệm là hai mặt của vấn đề trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ, công chức khi để xảy ra những sai phạm thì không chỉ có lỗi với cơ quan, tổ chức mà phải chịu trách nhiệm với Nhân fân, với Đảng và Nhà nước.
Kiểm soát quyền lực và trách nhiệm của cán bộ, công chức
Đội ngũ cán bộ, công chức được gắn với quyền lực và trách nhiệm thông qua chức năng, nhiệm vụ từng vị trí việc làm, nhiệm vụ quản lý, lãnh đạo. Cho nên, để tránh những vấn đề tiêu cực xảy ra trong quá trình thực thi nhiệm vụ, cần phải kiểm soát quyền lực và đề cao trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức ở các cơ quan nhà nước.
Thời gian qua, có các quy định về kiểm soát quyền lực của Đảng và Nhà nước như: Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Quy định 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án,…
Kiểm soát quyền lực và trách nhiệm của cán bộ, công chức là vấn đề có tính tất yếu khách quan, nhằm ngăn chặn kịp thời những vi phạm, sự tha hóa trong quá trình thực thi nhiệm vụ để trục lợi, tham nhũng. Từ nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đã có hơn 1.000 tổ chức đảng và gần 52.000 đảng viên bị thi hành kỷ luật. Theo thông cáo báo chí của Thanh tra Chính phủ ngày 09/11/2024 về kết quả công tác thanh tra năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024, trong đó: công tác công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã kiểm tra 11.323 cơ quan, tổ chức ở các bộ, ngành, địa phương và đã phát hiện 381 đơn vị vi phạm; về thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đã tiến hành tại 9.590 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kịp thời phát hiện và chấn chỉnh, xử lý 421 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.
Để kiểm soát quyền lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong giai đoạn hiện nay, đề xuất một số giải pháp:
Một là, mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và kiểm soát quyền lực, trách nhiệm trong quá trình thực hiện công việc nhằm tạo sự thống nhất và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức để hiệu quả thực thi công việc ngày càng cao hơn, không để xảy ra những tiêu cực.
Hai là, thường xuyên kiểm tra, rà soát các quy định của Đảng và pháp luật trong quá trình thực thi công việc đội ngũ cán bộ, công chức nhằm phát hiện những vướng mắc, bất cập để điểu chỉnh, hoàn thiện các văn bản về kiểm soát quyền lực và trách nhiệm cán bộ, công chức ngày càng phù hợp và chặc chẽ hơn; nhất là cần xem xét, hoàn thiện các quy định cán bộ, công chức với kiểm soát quyền lực gắn với trách nhiệm pháp lý trong quá trình thực hiện công việc.
Ba là, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán cần chặt chẽ hơn nhằm kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, lạm quyền vì lợi ích cá nhân; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành những vụ việc tham nhũng đã bị phát hiện để răng đe, giáo dục cho đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công việc không để xảy ra những sai phạm, không vì lợi ích cá nhân.
Bốn là, phát huy vai trò của ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông, báo chí và các tầng lớp Nhân Dân trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện công việc. Qua đó kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quá trình thực hiện công việc với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không loại trừ bất cứ đối tượng nào ở bất kỳ vị trí, công việc nào khi lợi dụng quyền lực mà trục lợi, có hành vi tham nhũng, lợi ích cá nhân.
Năm là, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, lợi dụng quyền lực trong thực thi công việc mà trục lợi; nhằm kịp thời điều chỉnh và ngày càng nâng cao hiệu quả quản lý, sẽ tác động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc tuân thủ pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện công việc. Ngoài ra, cần khen thưởng kịp thời, có cơ chế bảo vệ những người phản ánh, tố cáo đúng các hành vi lạm dụng quyền lực để tham nhũng; xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu khi để cán bộ, công chức vi phạm trong thi hành công việc.
Sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước giai đoạn hiện nay đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức cần phải nắm rõ quyền lực và trách nhiệm của mình để không xảy ra tình trạng lạm quyền, chuyên quyền, tham nhũng, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Nguyễn Văn Phước
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, t 7, Hà Nội, 2011, tr.249-250