Bác Hồ với học sinh Trường Trưng Vương (Hà Nội) năm 1956. Ảnh: Tư liệu |
Rèn “đức”
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu”[i]. Vì thế, người thầy trước tiên phải là một điển hình sáng ngời về đạo đức, về nhân cách. Gắn với đức là tài, đức lớn nhất luôn hàm chứa tài nên phải vừa hồng vừa chuyên mới toàn diện. Đức với tài tương hỗ, thống nhất nhau, nhưng đức - tức đạo đức cách mạng được đòi hỏi trước tiên, là gốc. Người nhắc nhở: “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân”[ii]. Chi khi giáo dục bằng cái tâm, xuất phát từ trái tim thì người thầy mới vượt qua những áp lực, tâm tư để sáng tạo, mang đến những bài giảng giá trị, và sẽ được người học đón nhận bằng trái tim trước khi chạm đến khối óc. Ngược lại, nếu không có đạo đức tốt, không yêu trường, mến nghề, tận tụy với người học thì thầy giáo, cô giáo khó lòng mà say mê, toàn tâm toàn ý với công việc, phấn đấu vươn lên để nâng cao năng lực chuyên môn. Bác yêu cầu phải hết lòng yêu thương, chăm sóc, quan tâm đến học sinh “như con em ruột thịt của mình”, vì suy đến cùng mục tiêu của giáo dục cũng là giúp các em hướng thiện, giàu có về nhân tính.
Người thầy gánh vác trọng trách “trồng người”, là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục. Mọi cán bộ trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa… mà nước nhà có được luôn phải bước ra từ trên ghế của nhà trường với những hành trang thiết yếu mà người thầy đã trang bị cho. Giá trị, tầm quan trọng của người thầy được thể hiện trong câu nói rất đỗi bình dị của Bác: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hoá”[iii].
Ngày nay, trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp 4.0, thông tin và tri thức chóng vánh được kết nối toàn cầu đã đặt ra những đòi hỏi cao hơn về mặt “đức” của người thầy giáo. Một trong những chìa khóa quyết định sự thành công đó là đức tính tự học và học tập suốt đời của mọi người nói chung và thầy giáo nói riêng. C.Mác từng lưu ý: “Bản thân nhà giáo dục cũng cần được giáo dục”.
Luyện “tài”
Theo Bác, có đức, có khát vọng hành động vì lợi ích của mọi người mà không có tài, kiến thức và năng lực kém thì công việc chật vật, khó đạt hiệu quả, những ý định tốt cũng khó trở thành hiện thực. Một giáo viên hạn chế về năng lực sư phạm, về tri thức chuyên môn và kỹ năng kỹ xảo nghề nghiệp, hiệu ứng kích thích tư duy, trí tuệ của người học thấp thì khó lòng mang lại bài học hiệu quả. Cái tài của người thầy không phải là những gì quá cao siêu, tinh thông tất cả mọi lĩnh vực, hiểu trọn tri thức nhân loại mà đó là không ngừng trau dồi kiến thức để thành thạo lĩnh vực chuyên môn của mình và đặc biệt là năng lực sư phạm. Năng lực sư phạm của người thầy trước hết phải có tri thức toàn diện (Bác Hồ gọi là tri thức phổ thông) và tri thức chuyên môn. Tri thức phổ thông gồm: hiểu biết chủ nghĩa Mác - Lênin, giác ngộ về chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ của cách mạng, đường lối, chính sách của Đảng… Trên nền tri thức chung đó, người thầy phải am hiểu sâu sắc lĩnh vực chuyên môn giảng dạy. Tài của người giáo viên còn thể hiện ở chỗ linh hoạt, mềm dẻo, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, Bác yêu cầu là không được phép “câu nệ”, “hình thức”, “nhồi sọ” và “việc cốt yếu là phải làm cho học sinh thấu hiểu vấn đề”. Tài của thầy giáo còn thể hiện ở năng lực biên soạn giáo án, cập nhật tài liệu học tập, hiểu biết sâu sắc người học. Nhờ có sự gia công về mặt sư phạm mà nội dung tri thức, bài học được chuyển tải phù hợp với đặc điểm tâm lý, trình độ, kinh nghiệm của người học và tri thức được mang tính mới mẻ, hiện đại. Chính những tài của thiết kế, chế tạo, nuôi dưỡng, bồi đắp ý nghĩ, tình cảm tốt đẹp và làm giàu trí tuệ, hiểu biết cho người học để người thầy được xứng đáng với danh xưng “kỹ sư tâm hồn”. Nếu không có những năng lực ấy, giáo viên chỉ đơn thuần như “thợ giảng” mà thôi. Những tồn tại, bất cập, không đáp ứng kịp những đòi hỏi của xã hội và thời đại của người thầy và giáo dục hẳn nhiên gây suy giảm lòng tin của xã hội đối với “người lái đò”, với ngành nghề vốn dĩ được coi là vẻ vang, cao quý nhất.
Một trong những cái “tài” của người thầy hiện nay là ngoài việc tự bổ khuyết, vun bồi thường xuyên về chuyên môn để không chỉ sâu hơn mà còn rộng hơn ở những lĩnh vực liên quan đến nghề nghiệp, cuộc sống. Đặc biệt, người thầy cần phải thấu hiểu người học cần những gì, để sẽ dạy cái người học cần, xã hội cần chứ không phải dạy cái mà thầy có, thầy biết. Từ bốn trụ cột giáo dục của UNESCO đã tuyên ngôn là: Học để biết, học để làm, học để hoàn thiện bản thân mình, học để cùng chung sống, nên người thầy hiện nay cần thiết hoàn thiện cao hơn nữa cái “tài” như một “chuyên gia” của giáo dục để giúp người học đạt được kết quả tốt nhất mục tiêu đó của mình. “Tài” của người thầy hiện nay còn là như là cộng sự đắc lực giúp cho người học “học cách biết”, “học cách làm”, “học để kết nối”, “học để phát triển bản thân” …
Sự gia tăng liên tục của khối lượng tri thức nhân loại cùng với mạng viễn thông toàn cầu cho phép trao đổi thông tin một cách nhanh chóng, việc tiếp cận của mỗi người với tri thức nhân loại rất tiện lợi và với khối lượng lớn. Giáo dục cho mọi người khả năng tự học, tự giải quyết vấn đề, hợp tác với nhau là điều rất quan trọng. Làm được điều đó, giáo dục mới cung cấp cho xã hội hiện đại những người lao động mới phù hợp. Nhà giáo giỏi là ở chỗ giúp cho người học khởi bùng niềm tin, nhất là niềm tin vào năng lực tự học ở chính bản thân họ có thể thực hành theo tinh thần “mỗi người học phải là người thầy vĩ đại của chính mình”. Bởi vì, theo khoa học hiện đại, không có phương pháp giáo dục nào thành công hơn phương pháp mỗi người tự giáo dục một cách thường xuyên. Đây cũng chính là sứ mệnh và thách thức của giáo dục thế kỷ 21 mà Stephen Covey (1932-2012) - nhà giáo dục, nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ đã nói: “Thách thức lớn nhất của giáo dục ngày nay làm sao khơi mở tiềm năng của tất cả trẻ em để chúng có thể chủ động, dẫn dắt cuộc sống của mình thay vì người khác dẫn dắt, đây là mấu chốt của chuyển đổi giáo dục. Mỗi đứa trẻ mang trong mình một tiềm năng tới thế giới và sức mạnh để lựa chọn sử dụng tiềm năng đó thế nào, nhiệm vụ của giáo dục là giúp đỡ mỗi đứa trẻ đưa ra quyết định cho chính mình”.
Cũng theo đó, yêu cầu đặt ra cần bổ sung thêm những thuộc tính về nội hàm “tài” của người thầy trong bối cảnh mới. “Tài” vĩ đại của thầy giáo là ở chỗ biết truyền cảm hứng cho người học làm sao biến giáo dục thành tự giáo dục, học thành tự học, họ học được cách tự học suốt đời. Nhà giáo dục người Mỹ, William Arthur Ward (1921-1994) đã nói: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”. Truyền cảm hứng cho người học ở mức cao là truyền ngọn lửa tình yêu, say mê khoa học để các em tiếp tục tự học thêm, tự hoàn thiện mình trong suốt cuộc đời.
Thay lời kết
Không ngừng ra sức rèn đức, luyện tài theo lời Bác dạy là nhu cầu thiết thân của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong giai đoạn đất nước hội nhập và phát triển. Bác nhắc nhở: “Giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ, chớ tự mãn cho mình giỏi rồi thì dừng lại mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, tự đào thải mình trước”[iv].
Đổi mới toàn diện giáo dục hiện nay phải bắt đầu từ nhà giáo, cụ thể là nâng cao tài – đức của giáo viên có ý nghĩa rất quan trọng. Người xưa có câu: Danh sư xuất cao đồ - tức có thầy giỏi mới có trò giỏi. Có thể nói, người giáo viên và đội ngũ của họ như là nền tảng, trụ cột của nền giáo dục của một quốc gia. Nó liên quan mật thiết đến tiến trình vươn lên sự thông thái, văn minh và phú cường của quốc gia đó, vì vậy mà Bác Hồ đã từng nói: một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Thậm chí, không chỉ yếu mà quốc gia đó còn có thể sụp đổ như cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã có lời cảnh báo rất nổi tiếng đối với ngành giáo dục: “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa, chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên, bệnh nhân sẽ chết dưới bàn tay của bác sĩ của nền giáo dục đó, các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư của nền giáo dục đó. Tiền bị mất trong tay các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục đó và nhân loại chết dưới bàn tay của các học giả tôn giáo của nền giáo dục đó. Công lý bị mất trong tay của các thẩm phán của nền giáo dục đó và sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”./.
[i]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ 4, t. 9, Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội. 2000, tr. 492.
[ii]. Hồ Chí Minh: Sđd, t. 11, tr. 329.
[iii]. Hồ Chí Minh: Sđd, t. 10, tr. 345.
[iv]. Hồ Chí Minh: Sđd, t. 9, tr. 489.
Nguyễn Văn Hiền