Trong quá trình sáng lập, lãnh đạo, tổ chức xây dựng, vận hành hệ thống chính trị Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời để lại di sản quan điểm, tư tưởng khá phong phú về xây dựng hoàn thiện hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, trong đó những chỉ dẫn quý báu về tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị. Có thể khái quát tư tưởng của Người về tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo một số nội dung sau:
Thứ nhất, tinh giản, phân rõ chức năng nhiệm vụ bộ máy hệ thống chính trị là yêu cầu thường xuyên
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bộ máy tổ chức không phải là cố định mà cần linh hoạt thay đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn. Người khẳng định: “Công việc tổ chức phải thường xuyên được kiểm tra, đổi mới. Nếu thấy không phù hợp thì phải mạnh dạn sửa đổi”[1]. Chính quyền và đoàn thể (Đảng) cũng cần thường xuyên rửa các bộ máy của mình, để tẩy trừ những phần tử bất chính, đầu cơ và chỉnh đốn lại cách làm việc cho gọn gàng, mau chóng. Người đặc biệt phê phán tình trạng tổ chức không rõ ràng, gây chồng chéo chức năng, dẫn đến lãng phí nguồn lực và giảm hiệu quả công việc.
Để công việc đạt hiệu quả cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tính khoa học trong phân công, phân nhiệm. Người chỉ rõ, việc tổ chức bộ máy phải đảm bảo: “Ai phụ trách việc gì thì phải làm cho đến nơi, đến chốn. Tránh tình trạng nhiều người lo một việc nhưng không ai chịu trách nhiệm”[2]; “Cần chỉnh đốn và kiện toàn bộ máy từ trên xuống dưới làm cho nó gọn gàng, hợp lý…”[3]; “Bộ máy tổ chức phải như một cái máy tốt, mỗi bộ phận trong máy phải ăn khớp với nhau, không trùng lặp, không dư thừa”[4].
Thứ hai, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội, làm được nhiều việc ích quốc, lợi dân
Lợi ích của cơ quan, đơn vị trong bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn là “gọn gàng, hợp lý, ít tốn người tốn của”; “mọi người đều có công việc thiết thực”[5], những người thừa phải đưa đi chỗ thiếu, những người ở lại phải thi đua nâng cao năng suất của mình. Thế là tinh giản, tinh là năng suất lên cao, làm cho mau cho tốt, giản là vừa phải, không kềnh càng, tránh hình thức. Kiện toàn tổ chức bộ máy xét tới cùng là nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nội bộ đoàn kết thống nhất, nâng cao năng suất, hiệu quả công tác: “Thực hành chấn chỉnh biên chế, để bớt sự đóng góp cho dân và thêm lực lượng vào công việc tăng gia sản xuất”[6].
Thứ ba, tinh gọn tổ chức bộ máy và nhân sự hệ thống chính trị phải có cách làm khoa học, hiệu quả
Tinh gọn tổ chức bộ máy phải được thực hiện cả từ trên xuống và từ dưới lên với sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chấn chỉnh bộ máy chính quyền từ dưới lên trên, bắt đầu từ xã; dưới làm lên trên, trên làm xuống dưới, tự nhiên mọi việc sẽ thành”[7];“các địa phương sẽ thi đua với nhau, Trung ương sẽ thi đua với địa phương, làm cho bộ máy ấy chạy nhanh hơn, đều hơn, để đi mau đến thắng lợi hoàn toàn”[8].
Người chỉ rõ: Phải có biện pháp cho tốt, kế hoạch một phần, biện pháp phải hai phần, và quyết tâm phải ba phần. Phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc. Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hay thất bại của chính sách đó là do nơi tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích.
Thứ tư, tinh gọn tổ chức bộ máy bao hàm bố trí đúng người, đúng việc và đổi mới tư duy, phong cách, lề lối làm việc của cán bộ trong bộ máy hệ thống chính trị
Người yêu cầu các cấp ủy, cơ quan tổ chức cán bộ phải bố trí đúng người, đúng việc, đúng với sở trường của cán bộ. Người chỉ dẫn: Công việc có việc khó việc dễ, việc nặng việc nhẹ. Phải phân phối thế nào cho người đúng với việc, việc đúng với người. Sự đổi mới mà Người nhắc đến không chỉ là thay đổi về cơ cấu tổ chức mà còn phải thay đổi tư duy, phong cách làm việc của cán bộ trong bộ máy.
Phải siêng năng, siêng nghĩ, siêng nghe, siêng thấy, siêng đi, siêng nói, siêng làm. Cầu tiến bộ luôn luôn. Không lúc nào không ngừng nghiên cứu, tự rèn luyện, sửa chữa khuyết điểm. Người đặc biệt nhấn mạnh vai trò nêu gương của những người đứng đầu. Mặt khác, cần đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, coi đây là biện pháp quan trọng để kiểm tra và chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Cán bộ có đầy đủ phẩm chất, năng lực mới đáp ứng được hiệu quả công việc sau khi tinh gọn tổ chức bộ máy.
Trong thời kỳ đổi mới, nhờ vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã xây dựng, củng cố và không ngừng đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị. Theo đó, công cuộc đổi mới đã thu được những thành tựu to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử, làm cho cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của nước ta không ngừng nâng cao. Đó là nền tảng để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu thế kỷ. Tuy nhiên, sau gần 40 năm đổi mới, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ… Vì vậy, một trong những quyết sách chiến lược, một trong những chuyển đổi có tính cách mạng để tạo điều kiện, tiền đề đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ là tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Thực tiễn thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy để hệ thống chính trị trong những năm gần đây theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, nhất là trong năm 2024, 2025 đã cho thấy những kết quả bước đầu rất quan trọng.
Để tiếp tục tinh giản tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, theo chúng tôi cần chú ý các định hướng, giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và quyết tâm trong thực hiện tinh gọn bộ máy tổ chức
Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là nhiệm vụ phức tạp, “rất cấp bách, bắt buộc phải làm”, “không thể chậm trễ hơn được nữa”; phải khẩn trương “càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước”. Kết quả vừa qua là rất quan trọng song vẫn mới chỉ là bước đầu. Đây là thời điểm vàng để tiếp tục đẩy mạnh tinh gọn tổ chức bộ máy nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, trong đó có mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm làm sáng tỏ mục tiêu, ý nghĩa và lợi ích lâu dài của việc tinh gọn bộ máy, giúp cán bộ, công chức và nhân dân nhận thức đúng đắn, tránh tâm lý lo ngại, do dự, chần chừ. Nêu cao tinh thần triệt để chấp hành, chỉ bàn làm, không bàn lùi; khẩn trương thực hiện, không trông chờ.
Tiếp tục tổ chức phát động cao điểm thi đua giữa các cơ quan, đơn vị, giữa các địa phương, giữa Trung ương và địa phương theo tinh thần: “các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương này... cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo phương châm “vừa chạy vừa xếp hàng”…
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số
Tinh thần Kết luận số 121-KL/TW và Kết luận số 126-KL/TW phải được quán triệt, thể chế hóa và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cơ chế, chính sách liên quan để có cơ sở pháp lý triển khai hoàn thiện mô hình tổng thể của hệ thống chính trị bảo đảm đồng bộ trong quá trình thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy. Song song với việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong tổ chức, vận hành của hệ thống chính trị, nhất là trong quản lý xã hội, quản trị quốc gia.
Thứ ba, thực hiện đổi mới chính sách tiền lương gắn với vị trí việc làm, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
Việc gắn lương với vị trí việc làm cần đi kèm với việc tinh giản biên chế, giảm bớt các đầu mối, chức danh không còn phù hợp hoặc trùng lặp. Tuy nhiên, việc giảm biên chế không được làm giảm chất lượng đội ngũ cán bộ, mà phải đi kèm với việc nâng cao chất lượng nhân lực thông qua các chính sách đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nghề nghiệp để tạo ra một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng được yêu cầu công việc trong bối cảnh mới.
Quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ phải tiếp tục làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, chế độ, chính sách đối với cán bộ bị tác động, ảnh hưởng; bố trí cán bộ phải công tâm, khách quan theo tinh thần "từ việc chọn người", giữ được những cán bộ có năng lực, không để "chảy máu chất xám", không để phát sinh những vấn đề phức tạp về nội bộ, không để ảnh hưởng đến việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp.
Thứ tư, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị gắn liền với việc thực hiện có hiệu quả các quyết sách chiến lược, các chuyển đổi mang tính cách mạng
Việc tiếp tục đẩy mạnh tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị không để ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, không để ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị gắn liền với việc thực hiện có hiệu quả các quyết sách chiến lược, các chuyển đổi mang tính cách mạng, đó là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường tính Đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; chuyển đổi số quốc gia; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tập trung phát triển mạnh mẽ kinh tế với tốc độ tăng trưởng 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo. Nội dung, hiệu quả triển khai thực hiện các quyết sách chiến lược, các chuyển đổi mang tính cách mạng, trong đó có việc tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị lần này có ý nghĩa rất hệ trọng đối Đảng ta, dân tộc ta trong hành trình thực hiện các mục tiêu trong kỷ nguyên phát triển mới.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tập 7, tr. 45
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tập 6, tr. 234
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 8, tr. 155
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tập 5, tr. 78
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tập 7, tr. 432
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tập 7, tr. 164
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tập 6, tr. 15
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tập 6, tr. 64
Anh Tuấn - Tố Uyên