Những hạn chế đã được chỉ ra…
Từ sau đổi mới đến nay, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định vai trò quan trọng của bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Sau gần 40 năm đổi mới, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nước ta đã trải qua nhiều lần điều chỉnh, cải cách góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển nhanh của nền kinh tế, dường như sự đổi mới về hệ thống chính trị vẫn chưa theo kịp tốc độ đó, gây ra những sự kìm hãm nhất định, chưa giải phóng được sức sản xuất. Một số hạn chế mà Đảng đã nêu ra trong thời gian qua có thể kể đến như:
Thứ nhất, Bộ máy hành chính còn cồng kềnh. Dù đã có nhiều biện pháp tăng thu, cắt giảm chi thường xuyên, nhưng ngân sách vẫn đang phải gánh khoản chi lên tới 70% để trả lương, chi thường xuyên, và phục vụ hoạt động của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị. Đây là con số quá lớn và bất hợp lý so với thực tế hiện nay. “Đất nước muốn phát triển được, muốn làm dự án này, dự án kia thì tiền ở đâu? Nuôi nhau hết thì còn đâu tiền nữa. Còn 30% thì tiền đâu để đầu tư quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Trong khi các nước khác chi hơn 40%. Ít nhất chúng ta phải có trên 50% ngân sách để phục vụ cho phát triển, cho quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội.... Vô cùng sốt ruột”- Tổng Bí thư nói..
Thứ hai, việc cải cách hành chính và tinh giảm biên chế còn diễn ra chậm. Hiện nay mới sáp nhập từ dưới lên như xã, huyện và một số vụ, cục, tổng cục của bộ, ngành,… còn tỉnh và trung ương chưa làm: “Việc tinh giản biên chế trong thời gian qua chủ yếu giảm số người về hưu, thôi việc, nghỉ việc, chỉ giảm những người tinh (có đủ năng lực tham gia khu vực tư) mà chưa thực sự gắn với việc đánh giá xếp loại hoàn thành công việc”. Thậm chí có những giai đoạn, tổng số biên chế không những không giảm mà lại tăng lên. Như năm 2016, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 39 (ngày 17-4-2015) của Bộ Chính trị và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP (ngày 20-11-2014) của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, tổng biên chế cả nước đã tăng thêm hơn 11.000 người. Điều này có nghĩa là chủ trương tinh giản không hiệu quả.
Thứ ba, việc bộ máy cồng kềnh là điều kiện lý tưởng cho những cán bộ thiếu năng lực “trú ẩn an toàn”, gây ra hiện tượng một số cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” mà chúng ta đã nói rất nhiều trước đây. Bên cạnh đó, bộ máy cồng kềnh khiến cho việc quản lý nhà nước bị chồng chéo, làm giảm tính hiệu quả, hiệu lực của bộ máy nhà nước, chưa ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.
Tinh gọn bộ máy là yêu cầu từ thực tiễn lịch sử
Tổ chức bộ máy là một khâu quan trọng trong khoa học quản lý. Với mỗi một tầm nhìn, chiến lược, mục tiêu khác nhau thì sẽ cần tổ chức bộ máy phù hợp để thực hiện chiến lược đó. Để thực hiện 2 mục tiêu trăm năm “đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao” và “đến năm 2045 Trở thành nước phát triển, có thu nhập cao”, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, cần thiết phải tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại tổ chức bộ máy một cách quyết liệt, nhanh chóng.
Trên thực tế, Việt Nam đã từng trải qua nhiều lần tinh gọn bộ máy. Từ sau đổi mới (1986) đến nay, tùy vào tình hình thực tế phát triển của Đất nước, đã nhiều lần Đảng ta đã sáp nhập, chia tách những bộ ngành cho phù hợp. Chính Phủ khóa IX có 36 bộ ngành, đến khóa X, số đầu mối Chính phủ lên tới 48 đầu mối. Đến khóa XII (nhiệm kỳ 2007 – 2011), Chính phủ sắp xếp giảm còn 30 đầu mối gồm: 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ. Giai đoạn này, nhiều Bộ ngành được sáp nhập theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực như Bộ Công nghiệp sáp nhập với Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương. Bộ Thủy sản nhập vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành văn hóa trong Bộ văn hóa thông tin sáp nhập với Ủy ban Thể dục thể thao và Tổng cục Du lịch thành Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Cục Báo chí, Cục Xuất bản được sáp nhập vào Bộ Bưu chính Viễn thông thành Bộ Thông tin và Truyền thông… Qua nhiều cuộc sắp xếp, sáp nhập, bộ máy Chính phủ giữ ổn định từ khóa 12 (2007 - 2011) đến nay. Việc thay đổi này là sự đổi mới mang tính tiền đề, phù hợp với sự phát triển của Việt Nam, mang lại nhiều kết quả kinh tế ấn tượng như: Tốc độ tăng trưởng GDP 6,5 - 7%/năm, quy mô GDP tăng 50 lần, lọt top 5 nước có quy mô kinh tế tăng nhiều nhất thế giới, chính trị xã hội ổn định, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng cao. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh của nền kinh tế, việc sắp xếp tổ chức bộ máy còn bộc lộ nhiều hạn chế như: một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin-cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, chồng chéo,…
Theo Tổng Bí thư, so với những thay đổi to lớn của đất nước sau 40 năm Đổi mới, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển; Vì vậy, khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là yêu cầu tất yếu khách quan.
Tin tưởng và không dao động
Tinh gọn bộ máy giống như việc chăm sóc cây cối trong vườn, tỉa lá phải đi đôi với cắt cành. Nếu chỉ tỉa lá mà không cắt cành thì với ngần ấy cành sẽ mọc ra nhiều lá mới, thậm chí nhiều cành mới khiến khu vườn ngày càng trở nên rậm rạp. Việc tinh giản biên chế cũng vậy, phải gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, như vậy mới đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.
Phải nói rằng, sự thay đổi này của Đảng là sự thay đổi rất quyết liệt và bài bản. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã mang đến sự thay đổi mạnh mẽ của lực lượng sản xuất. Lực lượng sản xuất mới xuất hiện và thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ là công nghệ số, các công nghệ chiến lược, trong đó Quan hệ sản xuất chưa theo kịp sự thay đổi này và nhanh chóng trở nên lạc hậu. Vì vậy, tinh gọn bộ máy về bản chất là một bước trong quá trình đổi mới Quan hệ sản xuất, là việc bắt buộc phải làm, “Không tinh gọn bộ máy không phát triển được”, phải làm để hướng tới sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Cách chúng ta thực hiện việc tinh gọn bộ máy cũng rất khẩn trương, “vừa chạy vừa xếp hàng” với tư duy làm từ trên xuống dưới: “Trung ương mà gọn được thì Tỉnh sẽ gọn”. “Chạy” có nghĩa là rất khẩn trương, không chậm trễ, không trì hoãn để đạt được mục tiêu đề ra, “xếp hàng” có nghĩa là không phải làm tùy tiện mà phải lớp lang, bài bản, tuân thủ các nguyên tắc của Đảng, có căn cứ khoa học, căn cứ vào sự nghiệp cách mạng. Đây cũng là trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo: “tới đây Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu” Tổng Bí thư khẳng định.
Chúng ta có đầy đủ cơ sở, căn cứ để tin tưởng rằng, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy sẽ là tiền đề giải phóng sức sản xuất, đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
L.Q.H