Biển và đảo của Việt Nam là phần không thể tách rời của Tổ Quốc. Đây là trách nhiệm quan trọng mỗi người dân đều phải thực hiện. Đó là biểu hiện của lòng tự hào dân tộc đối với những người tiền bối đã hy sinh để bảo vệ từng phần đất của chúng ta. Tuy nhiên, nhiều các thế lực phản động, những thế lực thù địch với danh nghĩa “học giả”, “người dân yêu nước” thực hiện chống phá, đưa ra những lý luận về biển, đảo không phù hợp để kích động, xuyên tạc lập trường giữ vững chủ quyền biển đảo của ta.
Các thủ đoạn sai trái lợi dụng vấn đề chủ quyền biển, đảo để chống phá
Thời gian qua xuất hiện ít nhiều những quan điểm, nhận thức sai lệch, thậm chí là sai trái, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Nhà nước và quân đội về vấn đề bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Từ đó, gây khó khăn trong việc gìn giữ hòa bình, hợp tác và phát triển, làm căng thẳng, phức tạp thêm tình hình trên Biển Đông.
Ví dụ, từ các sự kiện xâm phạm chủ quyền và lãnh thổ biển, đảo của Việt Nam như Vụ việc tàu Viking 02 và tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp năm 2011; sự kiện tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc khảo sát trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam (từ ngày 4/7 - 24/10/2019) họ kích động, xuyên tạc. Thông qua những sự việc này, những đối tượng phản động lên kế hoạch khai thác, đưa ra những luận điệu xảo trá, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của dân tộc, cho rằng chính quyền Việt Nam không quan tâm tới vấn đề biển Đông. Họ đưa ra hàng loạt những âm mưu xấu xa, khẳng định Việt Nam không đủ sức bảo vệ chủ quyền, truyền đạt nội dung xuyên tạc từ bên ngoài để dệt nên những câu chuyện công kích, gây mất ổn định trật tự, an ninh, chính trị, an toàn xã hội. Họ kích động những người bất mãn, lợi dụng các hoạt động gây hấn để gây ra rối loạn và thách thức chính quyền.
Nguy hiểm hơn, những luận điệu xuyên tạc, kích động, gây rối, làm ảnh hưởng đến tinh thần của ngư dân và tác động không nhỏ đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân trong đất liền; gây tâm lý hoang mang đối với không ít gia đình có con em đang công tác trong lực lượng hải quân, lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ ở những “điểm nóng để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.
Nhận thức đúng đắn chủ trương của Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Biển, đảo có vị trí vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến chiến lược và lợi ích của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Biển đảo có vai trò đối với phát triển kinh tế, tạo ra sản lượng thủy sản lớn, đặc biệt ở các khu vực ven biển của đất nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”[1].
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã tích cực giải quyết từng bước tồn tại về biên giới lãnh thổ trên biển với các nước liên quan bằng các biện pháp hòa bình nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác, góp phần củng cố an ninh khu vực, đồng thời tăng cường thế và lực của đất nước.
Việt Nam đã ký nhiều văn bản với các nước liên quan đến biển, đảo. Đảng cũng nêu rõ trong các nghị quyết và được chứng minh qua việc giải quyết vấn đề Biển Đông với tinh thần thượng tôn pháp luật, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, kiềm chế, không sử dụng vũ lực, thực hiện hiệu quả tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông, tăng cường thế và lực của đất nước trong việc bảo vệ Tổ quốc.
Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển và đảo, Đảng và Nhà nước duy trì phương châm kiên quyết, mềm dẻo và linh hoạt. Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, duy trì một ứng xử xây dựng và có trách nhiệm trên biển. Chúng ta quyết liệt đấu tranh phản đối các quan điểm sai lệch và xuyên tạc vấn đề chủ quyền. Việc này giúp củng cố niềm tin của nhân dân vào lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Nhìn nhận thách thức để thúc đẩy các giải pháp đúng đắn bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc
Trong bối cảnh thách thức từ quốc gia khác về việc xây dựng và mở rộng các công trình trái phép trên Biển Đông, Việt Nam đã kiên quyết bảo vệ chủ quyền một cách nhất quán với luật pháp quốc tế và bảo vệ môi trường biển. Điều này phản ánh tinh thần trách nhiệm cao của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.
Trong tương lai, Việt Nam mong muốn tiếp tục xây dựng một môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ từ tất cả các bên liên quan và sự nhận thức chính xác về vấn đề ứng xử trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích chung của mỗi quốc gia trong khu vực. Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy tinh thần hợp tác, tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng quyết định của các tổ chức quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến Biển Đông.
Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển và đảo, Nhà nước cần phải duy trì phương châm mềm dẻo và linh hoạt, quyết liệt đấu tranh phản đối các quan điểm sai lệch về vấn đề chủ quyền của Việt Nam, củng cố niềm tin của nhân dân vào lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đồng thời giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Với tiêu chí xây dựng mối quan hệ hòa bình với các nước, Việt Nam hợp tác chặt chẽ với các quốc gia và tổ chức quốc tế khác trong việc đẩy mạnh tình hình ổn định và hòa bình ở Biển Đông, thông qua việc tham gia diễn đàn quốc tế như ASEAN, ARF, hay các cơ chế hợp tác kinh tế, an ninh khác.
Để việc đấu tranh chống quan điểm sai trái hiệu quả các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động trên không gian mạng, Nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền về chủ quyền thiêng liêng biển, đảo của Tổ quốc. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, công tác tuyên truyền đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan thông tin đại chúng, dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Trung ương. Đặc biệt, cần cung cấp thông tin kịp thời, minh bạch, chính xác để mọi người dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và thế giới hiểu rõ cơ sở pháp lý, bằng chứng lịch sử và thực tế sở hữu của Việt Nam trên các biển, đảo ở Biển Đông.
Những quan điểm trên là cơ sở quan trọng để chúng ta kiên quyết đấu tranh chống quan điểm sai trái, lệch lạc về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Mục đích của cuộc đấu tranh là làm cho nhân dân Việt Nam hiểu rõ lập trường, quan điểm của Đảng về vấn đề chủ quyền biển, đảo; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay; góp phần làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2021, tr. 157.
Nhật Trúc