(Nguồn: Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử)
Nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá Đảng và Nhà nước ta
Là một quốc gia có 54 dân tộc anh em, trong quá trình cách mạng xây dựng và bảo vệ đất nước với nhiều thăng trầm, thử thách, Việt Nam luôn phải đối mặt với thủ đoạn mà các thế lực thù địch thường xuyên sử dụng, đó là lợi dụng vấn đề dân tộc để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, chống phá Đảng và Nhà nước. Trong tình hình hiện nay có thể nhận diện những thủ đoạn cơ bản của chúng như sau:
Một là, các thế lực thù địch thường tìm cách khai thác tối đa những điểm khác biệt về lịch sử, văn hóa và tôn giáo của các dân tộc, từ đó thổi phồng, khuếch đại, bịa đặt những khác biệt sắc tộc, biến chúng thành những bất đồng, mâu thuẫn, gây ngờ vực, thiếu tin tưởng giữa các dân tộc. Bằng cách này, chúng hy vọng tạo ra sự chia rẽ trong cộng đồng, xã hội, thậm chí có thể gieo rắc hận thù giữa các dân tộc.
Các thế lực thù địch thường nhắm tới các địa bàn như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ… để kích động, chia rẽ người Kinh với đồng bào các dân tộc ít người. Chẳng hạn, ở Tây Nguyên, chúng tuyên truyền về sự “xâm lấn” của người Kinh, rằng “Tây Nguyên là của người Thượng”, nên phải “đuổi người Kinh về xuôi”… Điển hình là vụ việc sáng này 11/6/2023, chúng dụ dỗ, mua chuộc, kích động một số đối tượng sử dụng vũ khí tấn công trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đập phá trụ sở chính quyền, sát hại và làm bị thương nhiều người, trong đó có cán bộ Công an, lãnh đạo xã và người dân[1]... Đây là những thủ đoạn và hành động vô cùng thâm độc, nguy hiểm, gây rối loạn trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân.
Hai là, các thế lực thù địch khai thác những vấn đề kinh tế và xã hội của các dân tộc thiểu số, lợi dụng thực tế đời sống của nhiều đồng bào còn khó khăn, trình độ dân trí thấp để lừa bịp, dẫn dụ đến với các hoạt động mê tín, dị đoan, tà đạo để bà con dần dần tin tưởng, nghe theo, chịu sự thao túng của chúng. Chẳng hạn ở Tây Bắc, chúng tuyên truyền về “Vương quốc người Mông” và Đạo của Chúa Trời để dụ dỗ đồng bào Mông đến với “miền đất hứa”, nơi không cần làm cũng có ăn, cũng giàu có, sung sướng…
Ba là, các thế lực thù địch lợi dụng những hạn chế còn tồn tại của chính quyền, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội để xuyên tạc, bôi nhọ cán bộ, chính quyền nhằm kích động, làm suy giảm lòng tin của đồng bào, thậm chí, tạo ra sự bất mãn và phản kháng của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, chính quyền.
Bốn là, các thế lực thù địch thường xoáy vào tuyên truyền, xuyên tạc nhằm tạo ra sự ngộ nhận về cái gọi là "quyền tự quyết của các dân tộc thiểu số", từ đó đòi "tự trị" dân tộc, gây chia rẽ giữa các cộng đồng dân tộc trong nước… Ở Tây Nam Bộ, lợi dụng những vấn đề do lịch sử để lại, những tranh chấp, mâu thuẫn dân sinh, các thế lực thù địch tìm cách kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, lôi kéo, tập hợp lực lượng đòi ly khai, tự trị trong cộng đồng người Khmer, gắn liền với các khẩu hiệu như "đất mẹ Campuchia", "đòi lại đất Nam Bộ"[2]…
Giải pháp đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá Đảng, Nhà nước ta
Các thế lực thù địch sẽ còn lợi dụng triệt để vấn đề dân tộc với những thủ đoạn ngày càng tinh vi và thâm độc hơn để tấn công nhằm làm suy yếu Đảng và Nhà nước ta. Tình hình đó đòi hỏi chúng ta cần có những giải pháp hiệu quả ngăn chặn và làm thất bại âm mưu đê hèn của chúng. Trong đó, cần đặc biệt chú ý các giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất: Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.
Đại đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu, sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy, chính tinh thần đoàn kết triệu người như một của toàn thể cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã tạo nên sức mạnh phi thường, giúp cho chúng ta chiến thắng bất cứ kẻ thù nào, dù chúng hùng mạnh và nguy hiểm đến bao nhiêu. Hiện nay, khi phải đối mặt với những thách thức to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có thủ đoạn đê hèn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá chế độ, chúng ta càng phải ý thức cao độ sức mạnh của truyền thống đoàn kết của dân tộc.
Để làm tốt công tác này, trước hết cần tập trung các nội dung như:
- Hoàn thiện và thực thi có chất lượng cơ chế, chính sách tạo điều kiện đảm bảo quyền, lợi ích và cơ hội phát triển của các tộc người, nhất là cơ hội phát triển về kinh tế và văn hóa. Đảng và Nhà nước đã có chủ trương đúng đắn cũng như đã xây dựng các chính sách và quy định để bảo vệ quyền và lợi ích của các tộc người. Tuy nhiên, cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cho sát với nhu cầu thực tế và chú trọng giám sát việc thực hiện chính sách để ngày càng tạo điều kiện tốt hơn cho sự phát triển mọi mặt đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
- Xây dựng các chương trình giao lưu và hợp tác dân tộc. Thông qua các sự kiện văn hóa có thể làm tăng cường sự hiểu biết và tương tác giữa các tộc người. Vì thế, tạo ra các hoạt động giao lưu, hợp tác và trao đổi văn hóa giữa các tộc người là một cách hiệu quả để thắt chặt sự đoàn kết dân tộc. Chẳng hạn, khi các lễ hội văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được tổ chức tốt có thể tạo được chuyển biến mạnh mẽ về ý thức bảo vệ, giữ gìn, phát huy bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân tộc. Đồng thời, thông qua giao lưu văn hóa lễ hội, các dân tộc có thể hiểu biết và xích lại gần nhau, dễ dàng có tiếng nói chung trong tình đoàn kết anh em.
Thứ hai: Tăng cường bồi dưỡng nâng cao ý thức cảnh giác, kỹ năng cho đồng bào để nhận diện những âm mưu và thủ đoạn thâm hiểm của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, chống phá chế độ ta.
Dự báo trong thời gian tới, các thế lực thù địch, các đối tượng phản động lưu vong và các phần tử cơ hội chính trị trong nước vẫn sẽ tiếp tục lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá Đảng, Nhà nước với những thủ đoạn ngày càng phức tạp, thâm độc. Vì vậy, chúng ta, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác, chủ động nhận biết, kiên quyết không nghe theo sự lôi kéo, dụ dỗ, xúi giục, kích động của kẻ xấu, không tham gia, thực hiện những hành vi chống phá, gây mất an ninh trật tự, làm phương hại đến chính đồng bào mình, dân tộc mình. Các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường phổ biến về các âm mưu và thủ đoạn mà các thế lực thù địch sử dụng gây rối, tạo mâu thuẫn, chia rẽ trong cộng đồng để bà con các dân tộc thiểu số có thể hiểu, nhận biết, nâng cao ý thức cảnh giác, đồng thời cung cấp kịp thời thông tin và phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong việc xử lý, ngăn chặn sự phá hoại của chúng.
Thứ ba: Xây dựng, tăng cường, củng cố hệ thống pháp luật đồng bộ, mạnh mẽ, đủ sức răn đe và trừng trị những kẻ thù địch, cố tình lợi dụng vấn đề dân tộc để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá chế độ. Trong đó, cần có các quy định pháp luật rõ ràng và hiệu quả để đánh giá, xử lý và trừng phạt các hoạt động thù địch, chống phá, kiên kiên quyết không để chúng lộng hành làm hại dân, hại nước. Mặt khác, cần tăng cường sức mạnh và sự tinh nhuệ cho các cơ quan vũ trang như cảnh sát, quân đội và lực lượng tình báo để điều tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc của các thế lực thù địch là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự chung tay của mỗi cá nhân, cộng đồng với các cơ quan chức năng. Chỉ thông qua sự đoàn kết, cảnh giác và kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với các thế lực thù địch, chúng ta mới có thể xây dựng và bảo vệ một Việt Nam vững mạnh, đoàn kết và phát triển./.
Thu Ngà