1. Tự do cá nhân trong lý luận Mác - Lênin
Chủ nghĩa Mác - Lênin không hề phủ nhận quyền tự do cá nhân mà trái lại, lý luận này đặt ra mục tiêu bảo vệ và mở rộng tự do cho đại đa số người dân. C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra rằng, sự tự do thực sự chỉ có thể đạt được khi xã hội được xây dựng dựa trên công bằng và bình đẳng. Theo quan điểm của C.Mác, quyền tự do cá nhân không thể tách rời khỏi quyền lợi của cộng đồng xã hội. Để bảo vệ quyền tự do cá nhân, cần phải xóa bỏ sự áp bức và bóc lột mà hệ thống tư bản chủ nghĩa đang gây ra cho mỗi cá nhân cũng như đối với xã hội loài người.
Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và PhĂngghen khẳng định rằng, “… sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”[1]. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin nhấn mạnh rằng, quyền tự do cá nhân không thể tồn tại trong một xã hội mà ở đó sự bất bình đẳng về kinh tế và xã hội chi phối mọi khía cạnh của cuộc sống, nhất là trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Giai cấp tư sản “đã biến phẩm giá của con người thành giá trị trao đổi; nó đã đem tự do buôn bán duy nhất và vô sỉ thay cho biết bao quyền tự do đã được ban cho và đã giành được một cách chính đáng. Tóm lại, giai cấp tư sản đã đem sự bóc lột công nhiên, vô sỉ, trực tiếp, tàn nhẫn thay cho sự bóc lột được che đậy bằng những ảo tưởng tôn giáo và chính trị. Giai cấp tư sản tước hết hào quang thần thánh của tất cả những hoạt động xưa nay vẫn được trọng vọng và tôn sùng. Bác sĩ, luật gia, tu sĩ, thi sĩ, bác học đều bị giai cấp tư sản biến thành những người làm thuê được trả lương của nó”[2].
Chính vì vậy, việc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa theo lý luận Mác - Lênin được xem là cách thức để mở rộng quyền tự do cá nhân cho tất cả mọi người.
2. Sự khác biệt giữa tự do cá nhân và tự do tư sản
Một trong những điểm quan trọng mà những kẻ chỉ trích chủ nghĩa Mác - Lênin thường bỏ qua là sự khác biệt giữa tự do cá nhân và tự do tư sản. Tự do tư sản thường được hiểu là quyền tự do cá nhân trong việc sở hữu tài sản và theo đuổi lợi nhuận, lợi ích cá nhân. Tuy nhiên, tự do tư sản thực chất là một hình thức tự do được xây dựng trên nền tảng bất bình đẳng và áp bức. Trong xã hội tư bản, tự do của một số người có thể đồng nghĩa với việc vi phạm quyền tự do của người khác, đặc biệt là những người lao động. C.Mác đã phản biện lại những luận điệu cho rằng, những người cộng sản đã tước bỏ sự tự do cá nhân, trái lại, chính chủ nghĩa tư bản mới là kẻ tước bỏ điều đó và biến mọi cá nhân trong nền sản xuất ấy thành những người không có tự do, những người lệ thuộc, làm thuê cho tư bản mà thôi. Ông viết: “Người ta trách những người cộng sản chúng tôi là muốn xóa bỏ sở hữu do cá nhân mỗi người làm ra, kết quả lao động của cá nhân, sở hữu mà người ta bảo là cơ sở của mọi tự do, mọi hoạt động và mọi sự độc lập của cá nhân. Cái sở hữu làm ra, kiếm được một cách lương thiện và do lao động của bản thân tạo ra ư! … Chúng tôi có cần gì phải xóa bỏ cái đó, sự phát triển của công nghiệp (nền sản xuất tư bản chủ nghĩa – TG) đã xóa bỏ và hàng ngày vẫn tiếp tục xóa bỏ cái đó rồi”[3]. Theo Mike David, tác giả cuốn cách Hành tinh của những khu ổ chuột, cho rằng: Chế độ này có bản chất của loài thú vật, nó lấy cái hào nhoáng bên ngoài, kêu gọi tự do kinh tế, tự do thương mại, v.v.. để che đậy những bất bình đẳng xã hội ngày càng sâu sắc, vẫn tạo ra hơn một triệu người đói mỗi ngày. Hầu hết các thành phố ở Nam bán cầu là những khu ổ chuột hôi hám, bẩn thỉu. Và những người sống trong khu ổ chuột chiếm 1/3 dân số thành thị toàn cầu. Tổng số người nghèo thành thị chiếm ít nhất một nửa dân số thế giới. Trong khi một nhóm các tập đoàn tư bản phương Tây chỉ phải chịu trách nhiệm trước không ai khác ngoài những cổ đông của họ[4].
Ngược lại, chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ đề cao tự do cá nhân mà còn nhấn mạnh rằng, tự do đó phải được xây dựng trên cơ sở công bằng và bình đẳng. Tự do trong xã hội xã hội chủ nghĩa được xác định là tự do thực sự, nơi mọi người đều có quyền tham gia vào quyết định chung, có cơ hội phát triển bản thân và đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng. Do đó, khẳng định rằng chủ nghĩa Mác - Lênin phủ nhận quyền tự do cá nhân chính là việc hiểu sai về mục tiêu và bản chất của học thuyết cách mạng này.
3. Tự do cá nhân trong xã hội xã hội chủ nghĩa
Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về cách thức xây dựng, duy trì và phát huy tự do cá nhân trong xã hội xã hội chủ nghĩa, thực tế cho thấy, trong nhiều quốc gia theo đường lối xã hội chủ nghĩa, quyền tự do cá nhân luôn được công nhận và bảo vệ. Các quyền tự do cá nhân như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do hội họp và quyền tự do tư tưởng đều được ghi nhận trong các hiến pháp của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, các quyền này phải được đặt trong một bối cảnh rộng hơn, gắn liền với quyền lợi của cộng đồng và sự phát triển chung của xã hội, đặt trong mối quan hệ hài hòa với nhau.
Chẳng hạn, trong các quốc gia xã hội chủ nghĩa, quyền tự do cá nhân không được phép xâm phạm đến quyền lợi của người khác hoặc gây hại cho xã hội. Điều này nhằm bảo đảm rằng, tự do của một cá nhân không phải là cái giá phải trả cho sự bất bình đẳng hay sự áp bức đối với người khác. Quan điểm này phản ánh một tư duy tiến bộ và cách mạng về tự do, không chỉ đơn thuần là việc cho phép cá nhân làm những gì họ muốn mà còn phải đảm bảo rằng quyền lợi của tất cả mọi người đều được tôn trọng và bảo vệ.
4. Phê phán các luận điệu xuyên tạc
Các luận điệu thù địch cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin phủ nhận quyền tự do cá nhân thường được sử dụng nhằm mục đích chính trị và tuyên truyền. Những kẻ phản đối chủ nghĩa Mác - Lênin thường xuyên lấy các trường hợp cá nhân vi phạm pháp luật của quốc gia trong các nước xã hội chủ nghĩa rồi lu loa lên rằng chính quyền nhà nước đó đã “vi phạm nhân quyền... để làm “bằng chứng” cho luận điểm mang tính bịa đặt, xuyên tạc của mình. Tuy nhiên, đây là một cách tiếp cận hoàn toàn sai lệch. Không phủ nhận rằng, trong bất kỳ hệ thống chính trị nào cũng có những vấn đề và sai sót nhất định. Vấn đề không nằm ở lý luận mà ở cách thức áp dụng và thực hiện các nguyên lý đó trong thực tiễn. Điều này có nghĩa là, những sai sót trong việc thực hiện lý thuyết Mác - Lênin không phản ánh sự thiếu sót trong chính lý thuyết đó, mà là do cách thức thực hiện chưa đúng hoặc không nhất quán.
Lịch sử cho thấy, không chỉ riêng các nước xã hội chủ nghĩa mà ngay cả các nước tư bản cũng có những vấn đề về nhân quyền, vấn đề về quyền tự do cá nhân, chẳng hạn như: sự phân biệt đối xử, phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng kinh tế - xã hội rất sâu sắc và việc bóc lột người lao động, v.v.. đều là những vấn đề nghiêm trọng mà các nước tư bản phải đối mặt. Chẳng hạn, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, sự bất bình đẳng thu nhập đang gia tăng ở nhiều quốc gia phát triển, làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục, y tế và việc làm cho những người thuộc tầng lớp thấp. Sự bất bình đẳng giữa các nhóm quốc gia đang gia tăng, bằng chứng là thu nhập bình quân đầu người ở các nước phát triển tăng gần 5% vào năm 2021, trong khi mức này ở các nước thu nhập thấp là 0,5%. Ngoài ra, các quyền tự do cá nhân cũng có thể bị vi phạm trong bối cảnh bảo mật và an ninh quốc gia. Các chính sách kiểm soát thông tin và giám sát của chính phủ ở nhiều nước tư bản chủ nghĩa đã dẫn đến sự xâm phạm quyền riêng tư của công dân. Điều này thể hiện sự mâu thuẫn giữa quyền tự do cá nhân và lợi ích chung của xã hội trong bối cảnh hiện đại. Những vấn đề này thường bị bỏ qua hoặc bị giảm nhẹ trong các cuộc thảo luận về tự do cá nhân ở các nước tư bản chủ nghĩa, trong khi những sai sót trong các nước xã hội chủ nghĩa lại bị phóng đại.
Việc phê phán các luận điệu xuyên tạc này không chỉ giúp bảo vệ lý thuyết Mác - Lênin mà còn tạo ra một môi trường đối thoại chân thành và xây dựng về quyền tự do cá nhân trong bối cảnh hiện đại. Chúng ta cần nhận thức rõ rằng, không chỉ các xã hội xã hội chủ nghĩa mà cả các xã hội tư bản cũng đều cần phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến quyền tự do cá nhân và cần có một cái nhìn công bằng hơn về tất cả các hệ thống chính trị.
5. Kết luận
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự thay đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại, luận điệu cho rằng “chủ nghĩa Mác - Lênin phủ nhận quyền tự do cá nhân” không chỉ là một sự xuyên tạc mà còn thể hiện sự thiếu hiểu biết về lý luận này. Các luận điệu này thường được sử dụng để biện minh cho sự duy trì các hệ thống tư bản bất bình đẳng và bóc lột đối với người lao động.
Có thể khẳng định rằng, “với sự tổng hợp mạnh mẽ của lịch sử, triết học, xã hội học và kinh tế, lý thuyết xã hội của C.Mác là một trong những thành tựu trí tuệ ấn tượng nhất của thế kỷ XIX. Khi Sartre gọi chủ nghĩa Mác là “triết học của thời đại chúng ta”, ông đã nghĩ đến cách mà nhiều ý tưởng của C.Mác đã đi vào - mặc dù vô thức - cách mà chúng ta nhìn nhận thế giới trong thế kỷ XX. Theo một nghĩa nào đó, tất cả chúng ta hiện đều là những người theo chủ nghĩa Mác. Học thuyết này “vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến trái tim và khối óc của chúng ta. Chúng đã bổ sung thêm một chiều hướng mới cho sự hiểu biết về thế giới của chúng ta. C.Mác là người khổng lồ về mặt trí tuệ trên cả phương diện lý thuyết và giá trị xã hội chủ nghĩa. Dù lý thuyết có đáng ngờ đến đâu và một số giá trị có bị che khuất đến đâu, lịch sử của chủ nghĩa Mác trong thế kỷ qua vẫn là một phần không thể thiếu và lâu dài trong hành trình tìm kiếm cách chung sống mới này của nhân loại”[5].
[1] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb CTQGST, H.1995, tập 4, tr.628
[2] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb CTQGST, H.1995, tập 4, tr.600
[3] .Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb CTQGST, H.1995, tập 4, tr.616
[4] Mike David: Planet of Slums, London, 2006, tr.25
[5] David McLellan: Karl Marx – A Biography (3rd edition), Papermac an imprint of Macmillan General Books Cavaye Place, London, 1995, pp.425.
Hằng Phan