Những luận điệu xuyên tạc trơ trẽn
Vin vào những tồn tại, khó khăn trong thực hiện chính sách, các thế lực thù địch đã cố tình “bới móc”, “bịa đặt”, “thổi phòng”, “quy chụp”, “vu cáo” hòng phủ nhận, xuyên tạc những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác “đền ơn đáp nghĩa”. Lợi dụng mạng xã hội, chúng tung ra những bài viết, video clip… xuyên tạc chính sách rất trơ trẽn. Một mặt, họ vu khống trắng trợn về chính sách như cho rằng, Đảng, Nhà nước ta “lãng quên”, “vô ơn” không quan tâm đến thương binh, người có công; “chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế, không chú trọng an sinh xã hội”; hay “tri ân” chỉ là hình thức tuyên truyền (!). Mặt khác, chúng “cố tình” đánh tráo sự thật lịch sử, bản chất cao đẹp về sự hy sinh, đóng góp của các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công. Bất chấp đạo lý, chúng tìm mọi cách hạ thấp sự hi sinh, cho rằng “sự hi sinh của các anh hùng liệt sĩ là không cần thiết, vô nghĩa”; là “ do cả tin, bị lừa dối, bị Đảng Cộng sản lợi dụng cho mục đích chính trị”; trắng trợn cho rằng “đất nước được giải phóng là của cả dân tộc chứ không phải riêng của các anh hùng liệt sĩ, vì vậy không cần quan tâm đến đối tượng này” hay “ kinh tế Việt Nam chậm phát triển là do gánh nặng của chính sách xã hội, trong đó do chi nhiều đến thân nhân liệt sĩ, người có công”. Thâm độc hơn, chúng còn “đánh đồng” những giá trị chân chính của lịch sử, sự hi sinh thiêng liêng, cao cả của các anh hùng với những kẻ phản cách mạng, làm tay sai cho thực dân, những kẻ ác ôn, can tâm tàn sát đồng bào…
Có thể thấy, những luận điệu trên là không mới, nhưng “có dịp”, chúng lại lợi dụng để lan truyền đến những bộ phận dễ kích động, cả tin nhằm suy giảm lòng tin, gây ra sự “chuyển hóa” trong một bộ phận xã hội. Họ phủ nhận chính sách, khoét sâu vào nỗi đau và sự mất mát để “lái dư luận” thể hiện sự bất nhân, vô ơn, bạc nghĩa nhằm phục vụ mục tiêu chống phá thâm độc của chúng. Đây là những hành vi thấp hèn, bóp méo sự thật, tính chính nghĩa, xúc phạm đến anh linh của các anh hùng liệt sĩ, tác động đến tư tưởng, tình cảm, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến người có công với cách mạng
Cách đây 77 năm, ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ hưu bổng, thương tật đối với người có công, thân nhân, tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ. Người nhiều lần khẳng định sự hi sinh, công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng đối với đất nước. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn, Đảng, Nhà nước phải luôn chăm lo đối với người có công với cách mạng.
Thực hiện lời dạy của Bác, thực tiễn cách mạng suốt 77 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác “đền ơn, đáp nghĩa”, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, liên tục. Chỉ thị số 14- CT/TW, ngày 19/7/2017, của Ban Bí thư về “Tiếp tục tăng cường về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng” khẳng định: “Việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của hệ thống chính trị và toàn xã hội”. Văn kiện Đại hội XIII, khẳng định: “Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công; đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội”[1]. Gần đây, Nghị quyết số 42-NQ/TW của Đảng, ngày 24/11/2023 về “ Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”, xác định: “ Chú trọng thực hiện chính sách ưu đãi với có công với cách mạng, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công…Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, khuyến khích tổ chức cá nhân và toàn xã hội tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa””[2].
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, toàn hệ thống chính trị luôn quan tâm, chăm lo thực hiện chính sách, dành những điều kiện tốt nhất nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống người có công và thân nhân người có công. Nhà nước luôn không ngừng bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để thực thi chính sách hướng đến đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, đúng đối tượng và kịp thời, chế độ ưu đãi ngày càng cao. Từ năm 2012 đến nay đã có 69 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành liên quan đến đối tượng người có công, thân nhân người có công[3].
Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa được tổ chức rộng khắp, thiết thực, hiệu quả. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục luôn được đẩy mạnh. Tích cực chăm lo người có công bằng nhiều chương trình lớn như Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc thân nhân liệt sĩ, già yếu neo đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, hành trình về nguồn… đã mang dấu ấn sức mạnh của cả hệ thống chính trị, trở thành phong trào tự nguyện, rộng khắp thể hiện đạo lý, truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Những chính sách cụ thể, tác động trực tiếp đến các đối tượng ngày càng phát huy hiệu quả như chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế, hỗ trợ vay vốn, cải thiện nhà ở, đất đai; các chương trình dạy nghề, tạo việc làm; chính sách về giáo dục, đào tạo; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp phục vụ thương binh; đẩy mạnh tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng và tu bổ, tôn tạo hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ…
Những kết quả không thể phủ nhận
Hiện cả nước có trên 9,2 triệu người có công, trong đó có trên 1,2 triệu liệt sĩ; gần 140 ngàn Bà mẹ Việt Nam anh hùng; trên 80 ngàn thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; gần 185 ngàn bệnh binh, trên 320 ngàn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học…
Thực hiện chính sách, hiện có trên 1,3 triệu người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng và hơn 280 ngàn thân nhân đang hưởng trợ cấp tử tuất hàng tháng. Ngân sách nhà nước chi ưu đãi người có công luôn tăng theo từng năm, riêng năm 2023, tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng là hơn 12,3 nghìn tỷ đồng. Cùng với lộ trình tăng lương cơ sở, mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công luôn được điều chỉnh phù hợp, không ngừng tăng lên. Theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP đã quyết định tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng, được thực hiện từ 1/7/2024, cao hơn mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức. Hiện có 99% số hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Chính sách giáo dục đào tạo, hỗ trợ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe đối với người có công được quan tâm thực hiện hiệu quả. Mạng lưới các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, chỉnh hình, phục hồi chức năng được quy hoạch tổng thể, rộng khắp trong cả nước. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liêt sĩ được tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả với nhiều hoạt động. Việc nâng cấp, tu bổ nghĩa trang, mộ liệt sĩ được tổ chức thường xuyên. Tất cả Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống luôn được chăm lo bằng nhiều việc làm cụ thể. Phong trào toàn dân chăm sóc các gia đình chính sách, ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa ngày càng tổ chức sâu rộng, trở thành nét đặc trưng trong đời sống văn hóa của toàn xã hội, tạo ra sức mạnh to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần đối với công tác chăm lo người có công.
Tất nhiên, vì nhiều lý do, bên cạnh những kết quả rất quan trọng nói trên việc thực thi chính sách đối với người có công cũng không tránh khỏi những khó khăn, bất cập, hạn chế nhất định. Song không thể đánh đồng, không thể phủ nhận những thành quả đạt được trong thực hiện chính sách đối với người có công. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác “đền ơn, đáp nghĩa” đã góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công với cách mạng, tạo động lực phát triển đất nước, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Thực tiễn sinh động đã khẳng định rằng “mọi luận điệu xuyên tạc về chính sách đối với thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng đều là vô nghĩa”.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2021, t.II, tr.43
[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Nghi-quyet-42-NQ-TW-2023-doi-moi-nang-cao-chat-luong-chinh-sach-xa-hoi-xay-dung-To-quoc-589023.aspx
[3] https://tuyengiao.vn/thuc-thi-chinh-sach-voi-thuong-binh-liet-si-va-nguoi-co-cong-voi-cach-mang-150014
Nguyễn Văn Giang