1. Quan điểm Hồ Chí Minh về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng là nội dung cơ bản, quan trọng trong hệ thống tư tưởng toàn diện, sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam mà Người để lại cho Đảng và nhân dân ta. Tư tưởng đó được hình thành, phát triển trên cơ sở kết thừa các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, tiếp thu, vận dụng sáng tạo tinh hoa văn hóa nhân loại mà đỉnh cao là đạo đức học Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam nhằm phát huy sức mạnh của nhân tố con người trong đấu tranh cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là những giá trị xã hội cao nhất, được quần chúng nhân dân thừa nhận, có vai trò điều chỉnh hành vi ứng xử của người cách mạng, được biểu hiện bằng các chuẩn mực và trở thành phẩm chất của con người thông qua việc thực hiện các nguyên tắc nhất định.
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, đảng viên tốt là đảng viên có cả đức và tài. Trong đó, đức là gốc, là cơ sở, nền tảng để cán bộ, đảng viên tự học tập, rèn luyện, phát triển tài năng và sử dụng tài năng làm lợi cho dân, cho nước, cho Đảng. Người ví “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[1].
Như vậy, không có đạo đức cách mạng thì không thể trở thành người cách mạng. Bởi theo Hồ Chí Minh, “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”[2].
Bên cạnh việc chỉ rõ vai trò của đạo đức cách mạng trong phẩm chất, nhân cách người cán bộ đảng viên, Hồ Chí Minh cũng xác định các chuẩn mực đạo đức cách mạng làm cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên phấn đấu, rèn luyện. Người đã xác định bốn chuẩn mực đạo đức của người cách mạng gồm:
Thứ nhất, trung với nước, hiếu với dân. Nước và dân là những danh từ chung, dùng để chỉ hai chủ thể có mối quan hệ biện chứng không thể tách rời nhau. Trong đó, nước là khái niệm phản ánh những giá trị chung về không gian, lãnh thổ, về ngôn ngữ, chữ viết, phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa của một cộng đồng nhất định. Dân là khái niệm chỉ chủ thể gắn liền với chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của một quốc gia, dân tộc. Hồ Chí Minh chỉ rõ, “Nước lấy dân làm gốc… Gốc có vững cây mới bền, Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”[3].
Thứ hai, yêu thương con người. Đó là thương yêu vô hạn đối với con người, cảm thông sâu sắc với mọi khổ đau, bất hạnh của nhân loại: “Ở đời và làm người thì phải thương nước, thương dân, thương nhân loại bị đau khổ, áp bức”. Thực tế cho thấy, cách mạng chỉ có thể thu được thành tựu khi có sự cống hiến, hy sinh của những con người cách mạng cụ thể.
Ảnh tư liệu: Bác Hồ cùng người dân tham gia lao động, sản xuất
Thứ ba, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Đây là chuẩn mực đạo đức quy định phong cách của người cán bộ, đảng viên trong ứng xử với mình, với người và với việc. Những khái niệm này không mới, nhưng nội hàm khác về chất so với khái niệm mà Nho giáo đã đề cập, bởi mục đích của hành động này không nhằm duy trì sự phân biệt đẳng cấp hay củng cố địa vị của giai cấp thống trị, mà vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Theo Hồ Chí Minh, cần kiệm liêm chính là chủ động, tích cực, tự giác học tập, rèn luyện, không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực; làm việc với tinh thần hăng say, toàn tâm, toàn ý, tới nơi, tới chốn để đạt được hiệu quả công việc cao nhất và đóng góp được nhiều nhất cho Đảng, cho cách mạng; không xa hoa, lãng phí, nhất là không lãng phí sức lực, tài sản của nhân dân, không tham vinh hoa, phú quý, không tham sống, sợ chết; luôn “dĩ công vi thượng”, đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết.
Thứ tư, có tinh thần quốc tế trong sáng. Đây là chuẩn mực đạo đức hoàn toàn mới, phù hợp với sứ mệnh lịch sử và bản chất quốc tế của giai cấp công nhân trong thời đại mới. Thực tế cho thấy, khi chủ nghĩa tư bản phát triển thành chủ nghĩa thực dân, tạo ra mâu thuẫn quốc tế giữa các nước đế quốc với các nước thuộc địa cũng đồng thời tạo ra mối liên hệ tất yếu giữa giai cấp công nhân và nhân dân lao động các nước tư bản với các dân tộc thuộc địa. Do đó, cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa và cách mạng giải phóng giai cấp ở chính quốc có mối liên hệ chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau.
2. Hồ Chí Minh - tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng
Hồ Chí Minh không chỉ để lại những quan điểm toàn diện và sâu sắc về đạo đức cách mạng, mà Người còn để lại một mẫu mực về sự thống nhất giữa nói và làm, giữa ý thức đạo đức với thực hành đạo đức - một tấm gương đạo đức sáng ngời của người cách mạng chân chính. Thực tế cho thấy, ngay từ khi còn là một thiếu niên, Hồ Chí Minh đã nghĩ đến trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Với lòng tự hào, tự tôn dân tộc cao cả, Người đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, hy sinh cả cuộc đời cho mục tiêu, lý tưởng, “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[4].
Không chỉ là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, suốt đời theo đuổi một mục tiêu, lý tưởng, con đường cách mạng đã xác định, Hồ Chí Minh còn là tấm gương mẫu mực về đề cao vai trò của nhân dân, yêu thương, kính trọng nhân dân, tìm mọi cách để đoàn kết, tập hợp, phát huy sức mạnh vĩ đại của nhân dân. Thực tế đã chứng minh sự khẳng định của Người, “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó”[5]. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định, mỗi cán bộ, đảng viên cần chú trọng học tập tấm gương, trung với nước, hiếu với dân của Hồ Chí Minh và coi đây “là gốc của cả đời hoạt động của chúng ta. Gốc vững thì thân mới vững, cành lá tốt tươi, hoa quả xinh đẹp”[6].
Như vậy, những chuẩn mực đạo đức mà Hồ Chí Minh đặt ra cho cán bộ, đảng viên, không phải là sản phẩm của sự chủ quan, duy ý chí, mà nó hoàn toàn hiện thực, được rút ra từ chính cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người. Thực tế cho thấy, quá trình nhận thức về đạo đức và tuyên truyền, giáo dục đạo đức cho người khác thường dễ dàng hơn rất nhiều so với thực hành đạo đức và càng dễ hơn so với làm gương về đạo đức. Tuy nhiên, giá trị cao nhất của đạo đức là ở sự thực hành và làm gương. Hồ Chí Minh chỉ rõ, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[7].
3. Thực hiện triết lý hành động Hồ Chí Minh là trách nhiệm chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên
Để triết lý hành động Hồ Chí Minh được hiện thực hóa trong hành động, việc làm của mỗi cán bộ, đảng viên cần tập trung thực hiện tốt một số biện pháp cơ bản sau:
Một là, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, tập trung vào đội ngũ cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ về triết lý hành động Hồ Chí Minh. Theo đó, cần nghiên cứu, biên soạn giáo trình, tài liệu học tập, khẳng định rõ cơ sở khoa học, nội dung và giá trị chân lý của triết lý hành động Hồ Chí Minh. Đưa việc giáo dục về triết lý hành động Hồ Chí Minh vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, trước hết là hệ thống trường Đảng và các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền về triết lý hành động Hồ Chí Minh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hai là, tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức mới của cán bộ, đảng viên trên cơ sở triết lý hành động Hồ Chí Minh. Xây dựng chuẩn mực đạo đức mới của cán bộ, đảng viên hiện nay thực chất là việc xác lập một hệ tiêu chí để điều chỉnh các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên dựa trên các chuẩn mực đạo đức cách mạng và triết lý hành động mà Hồ Chí Minh đã chỉ ra. Theo đó, chuẩn mực đạo đức cách mạng mới phải là cơ sở để mỗi cán bộ đảng viên phấn đấu, rèn luyện, hoàn thiện bản thân và giải quyết đúng đắn các mối quan hệ phù hợp với đòi hỏi của thời kỳ cách mạng mới.
Ba là, trên cơ sở các chuẩn mực đạo đức cách mạng và cam kết phấn đấu học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hàng năm của cán bộ, đảng viên, các cấp ủy, chi bộ cơ sở cần thực hiện có hiệu quả chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng. Tiến hành tự phê bình và phê bình theo đúng quan điểm của Hồ Chí Minh là trên trước, dưới sau, cấp ủy trước, đảng viên sau; tự phê bình trước, phê bình sau và phê bình việc chứ không phê bình người.
Bốn là, cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể và nhân dân trong công tác xây dựng Đảng và quản lý cán bộ, đảng viên. Nhân dân là đối tượng lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước nhưng cũng là chủ thể của quyền lực chính trị, bởi “mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Việc phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là yêu cầu khách quan.
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 292.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 11, tr. 601.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 501-502.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 187.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 272.
[6] Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh tinh hoa và khí phách dân tộc (xuất bản lần thứ ba), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr. 41.
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 1, tr. 284.
Phạm Thị Kim Anh