Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến công lớn nhất, chói lọi nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ thắng lợi Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu đã được đúc rút, trong đó bài học về sự chủ động, sáng tạo, quyết tâm, quyết chí giành thắng lợi tới cùng nhằm hiện thực hoá khát vọng độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, xây dựng chế độ xã hội mới đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta đang trên hành trình thực hiện khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Một góc thành phố Điện Biên Phủ hôm nay
Từ khát vọng hoà bình, độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ…
Nói đến “khát vọng”, “ý chí quyết tâm” là nói đến yếu tố tinh thần, là sự mong muốn, khao khát, quyết tâm dồn hết sức lực, trí tuệ, sự chủ động, sáng tạo để đạt được mục tiêu đề ra; là nguồn động lực có sức mạnh to lớn để mỗi người thực hiện thành công những nhiệm vụ quan trọng nhằm đạt được ước mơ, hoài bão của mình; không khuất phục trước mọi khó khăn, thử thách. Với ý nghĩa đó, suy rộng ra trên bình diện quốc gia, dân tộc, đó là ý chí, bản lĩnh quyết tâm, quyết chí đấu tranh vì hoà bình, độc lập của dân tộc; là sự chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo đường lối đấu tranh của chính đảng cầm quyền; là động lực để huy động mọi tầng lớp nhân dân phát huy cao nhất sức mình nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước trong từng giai đoạn, từng thời điểm lịch sử cụ thể.
Việt Nam - ở thời điểm năm 1954, khi đứng giữa làn ranh “còn - mất” của nền độc lập dân tộc, một cuộc đụng đầu lịch sử không thể tránh khỏi và yêu cầu đặt ra là “phải đánh cho thắng”, chúng ta đã thấy một dân tộc Việt Nam trỗi dậy với ý chí, bản lĩnh quyết tâm, quyết chí đấu tranh vì khát vọng hoà bình, độc lập.
Mùa hè năm 1953, thực dân Pháp triển khai Kế hoạch Nava. Ngày 20/11/1953, Nava điều 6 tiểu đoàn nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ và quyết định dốc toàn lực xây dựng ở dây tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương hòng tiêu diệt quân chủ lực của Việt Nam, giành thắng lợi quân sự lớn để kết thúc chiến tranh. Ngày 25-11-1953, theo lệnh của Nava, 6 tiểu đoàn đánh chiếm Mường Ngòi, Mường Khoa, xây dựng phòng tuyến sông Nậm U để nối liền Thượng Lào với Điện Biên Phủ. Ngày 29-11-1953, Nava và Cônhi - Tư lệnh Bắc Bộ cùng bay lên Điện Biên Phủ; ngày 30-11-1953, Đại tá Đờ Cáttơri được bổ nhiệm chỉ huy quân đồn trú ở Điện Biên Phủ. Đến đầu tháng 12-1953, lực lượng phòng giữ Điện Biên Phủ từ 6 tiểu đoàn lên 9 tiểu đoàn bộ binh và 3 tiểu đoàn pháo, được bố trí thành 49 cứ điểm, 8 cụm, chia làm 3 phân khu (Phân khu Bắc, Phân khu Trung Tâm, Phân khu Nam). Mỗi cụm có hệ thống hoả lực nhiều tầng, hệ thống hầm ngầm che chắn ngang dọc, sở chỉ huy, bao bọc bởi thép gai dày 50m đến 200m với vô số các loại mìn. Hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm máy bay vận tải hạng nặng có thể đáp được, với phi đội 12 chiếc thường trực tại sân bay để có thể khống chế cả bầu trời, tự do nối Hà Nội, Hải Phòng, lại thêm sự yểm trợ tối đa của Mỹ ở các sân bay Gia Lâm, Cát Bi và tàu bay của Mỹ.
Chứng kiến sự đồ sộ của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, từ Thủ tướng Pháp Lanien đến tướng Nava và cả Đờ Cátxtơri đều tin chắc rằng quân Việt Minh sẽ không dám tiến công Điện Biên Phủ và nếu tiến công thì sức mạnh của Pháp ở Điện Biên Phủ sẽ nghiền nát quân chủ lực của Việt Minh.
Thông thường, khi đánh giá khả năng thắng - thua của một chiến dịch, một trận đánh người ta sẽ dựa vào tương quan so sánh lực lượng của hai bên. Ở thời điểm năm 1954, thực dân Pháp có ưu thế về binh, hoả lực. Số quân Pháp và chính quyền tay sai là 444.900 người trong khi quân đội ta cỉ có 238.000 người. Lính Pháp có 594 khẩu pháo trong đó có 300 khẩu 105mm, trong khi quân đội ta chỉ có 80 khẩu pháo. Quân Pháp có 10 trung đoàn cộng với 6 tiểu đoàn và 10 đại đội xe tăng, thiết giáp, trong khi quân đội ta không có xe tăng, thiết giáp. Quân Pháp có 580 máy bay và 391 tàu chiến còn Việt Minh không có máy bay, tàu chiến”[1].
Dù tương quan lực lượng quá chênh lệch như vậy, song Đảng ta luôn tin chắc vào ý chí, tinh thần, vào lực lượng và đã phát động toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tộc Việt Nam quyết chiến, quyết thắng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho toàn quân, toàn dân phải tập trung hoàn thành cho kỳ được. Trong thư gửi cán bộ, chiến sĩ Điện Biên Phủ tháng 12-1953, Người động viên bộ đội “chiến đấu anh dũng, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh”. Người nhấn mạnh: “Chiến dịch này là chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”[2]; “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”[3].
Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp, sau khi nghe Tổng Quân uỷ báo cáo tình hình, Bộ Chính trị phân tích và kết luận: “Về địch, Điện Biên Phủ sẽ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng có cái yếu cơ bản là bị cô lập, mọi việc tiếp viện, tiếp tế phải dựa vào đường hàng không. Về ta, với chất lượng đã được nâng cao thêm một bước… với những kinh nghiệm sẵn có và sự tiến bộ về trang bị kỹ thuật, quân đội ta tới đây có thể đánh được tập đoàn cứ điểm. Vấn đề đường sá, tiếp tế cho chiến dịch đúng là những khó khăn. Nhưng với quyết tâm của toàn đảng, cả hậu phương… nhất định sẽ bảo đảm cung cấp cho tiền tuyến”[4]. Đến đây, một quyết định lịch sử được Bộ Chính trị đưa ra với một ý chí, quyết tâm sắt đá “dốc toàn lực tiêu diệt bằng được quân địch ở Điện Biên Phủ”.
Và với khát vọng hoà bình, với ý chí phi thường, một quốc gia còn non trẻ, có thể chế chính trị tiến bộ, có Đảng tiên phong lãnh đạo và một vị lãnh tụ có uy tín lớn trong Đảng và trong lòng dân - lãnh tụ Hồ Chí Minh, Việt Nam đã vươn mình làm nên một trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, đập tan sự kháng cự của Pháp trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất, chấm dứt sự có mặt của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương.
… đến khơi dậy khát vọng, ý chí quyết tâm xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
Tròn 70 năm một sự kiện lịch sử, là cơ hội để Đảng ta, nhân dân ta nhìn lại một dấu ấn lịch sử hào hùng của thế kỷ XX, cũng là lúc đề ra những quyết sách cho thời kỳ tới.
Trên cơ sở dự báo về những chuyển động phúc tạp, khó lường, khó đoán định của thời cuộc, khi thế giới đang trải qua những biến động lớn: xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, tôn giáo, hoạt động khủng bố, bạo loạn lật đổ, chủ nghĩa bá quyền…, bên cạnh xu thế hoà bình, hợp tác, phát triển, toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Ở trong nước, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách phức tạp, song với “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế” đạt được qua gần 40 năm đổi mới, Việt Nam ta đang bước vào giai đoạn có ý nghĩa quyết định.
Trong bối cảnh đó, giải pháp cho những vấn đề đặt ra đối với dân tộc ta, làm thế nào và bằng cách nào để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc - một thông điệp mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh nhiều lần với các cách diễn đạt khác nhau như: “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, “khát vọng vươn lên”, “khát vọng phát triển mạnh liệt”…
Từ góc độ bài học của lịch sử qua thắng lợi Điện Biên Phủ, phải chăng cần nhận thức và giải quyết các vấn đề sau đây nhằm góp phần hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước:
Thứ nhất, tiếp tục củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng, bởi Đảng có vững sự nghiệp phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc mới thành công. Đảng có trong sạch mới tạo dựng, củng cố được niềm tin, lòng tin của dân đối với Đảng. Dân tin yêu Đảng, một lòng một dạ phụng sự, cống hiến xây dựng Tổ quốc - đó chính là sức mạnh nội sinh tiềm tàng cho sự phát triển vững bền.
Thứ hai, làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng ta đã rất thành công với công tác này nên đã huy động toàn dân hướng về Điện Biên Phủ với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Ngày nay, sứ mệnh của Đảng là tiếp tục thắp sáng ngọn lửa đó trong toàn xã hội nhằm hướng tới mục tiêu chấn hưng dân tộc phồn vinh và hạnh phúc, hưng thịnh và phát triển. Nếu nỗi nhục mất nước, mất độc lập, mất quyền tự do, dân sinh, dân chủ là “mẫu số chung” để toàn dân tộc Việt Nam đồng sức, đồng lòng đứng lên “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” thì ngày nay phải làm cho mọi người dân ý thức được sự tụt hậu xa hơn về kinh tế, về nỗi nhục của đói nghèo, tụt hậu để từ đó thổi bùng lên ngọn lửa của ý chí tự tôn dân tộc, ý chí làm giàu cho bản thân, cho gia đình, cho quê hương, đất nước.
Thứ ba, cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục về truyền thống dân tộc, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cần phải có những chính sách, giải pháp nhằm khơi dậy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thắt chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân. Bởi đó là nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, là động lực chủ yếu và là nhân tố quyết định đảm bảo cho việc hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước.
Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế, tạo lập và phát huy nguồn lực bên ngoài. Xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, vừa hợp tác, vừa đấu tranh hiện nay đòi hỏi các quốc gia, các chính đảng cầm quyền phải tìm kiếm và thực thi đường lối đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt hơn nhưng vẫn có tính nguyên tắc - bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc lên hàng đầu. Chính vì vậy, để giữ vững độc lập dân tộc, để tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước lúc này không chỉ nhìn từ các nguồn lực bên trong, mà đòi hỏi Đảng, nhân dân ta phải tạo lập các mối quan hệ cần thiết nhằm “chủ động và tích cực hội nhập sâu rộng, có chiều sâu, ổn định, lâu dài; mở rộng những điểm tương đồng, thu hẹp những điểm khác biệt về lợi ích, phấn đấu không để những khác biệt ấy biến thành mâu thuẫn hoặc xung đột lợi ích”.
[1] Ban Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính Trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945 – 1975 – Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, H,2000, tr.487.
[2] Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tháng 12/1953.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr.88.
[4] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập I (1930-1954)/Quyền 2 (1945-1954), Nxb CTQGST, H.2018, tr439-440.
Tâm Sáng