V.I.Lênin sinh ngày 22 tháng 4 năm 1870, mất ngày 21 tháng 1 năm 1924, là một nhà cách mạng lỗi lạc, nhà lý luận chính trị, nhà mácxít cách mạng sáng tạo, chân chính, kiệt xuất.
Ngay từ khi truyền bá chủ nghĩa Mác vào nước Nga, trong bài Về một số đặc điểm trong sự phát triển lịch sử của chủ nghĩa Mác, đăng trên báo Ngôi sao, số 2, ngày 23 tháng Chạp năm 1910, V.I.Lênin viết: “Học thuyết của chúng tôi - Ăngghen nói về mình và về người bạn nổi tiếng của mình - không phải là một giáo điều mà là một kim chỉ nam cho hành động. Luận điểm kinh điển ấy nhấn mạnh một cách đặc biệt rõ rệt và nổi bật một phương diện của chủ nghĩa Mác mà người ta rất thường hay quên không nhìn tới. Mà quên không nhìn tới phương diện ấy thì chúng ta sẽ làm cho chủ nghĩa Mác trở thành phiến diện, quái dị, chết cứng sẽ vứt bỏ linh hồn sống của nó, sẽ phá hủy cơ sở lý luận cơ bản của nó - tức là phép biện chứng, học thuyết về sự phát triển lịch sử toàn diện và đầy mâu thuẫn; như thế chúng ta sẽ phá hủy sự liên hệ giữa chủ nghĩa Mác với những nhiệm vụ thực tiễn nhất định của thời đại, những nhiệm vụ có thể biến đổi ở mỗi bước ngoặt mới của lịch sử”[1].
V.I.Lênin viết tiếp: “Chính vì chủ nghĩa Mác không phải là một giáo điều chết cứng, một học thuyết nào đó đã hoàn thành hẳn, có sẵn đâu vào đấy, bất di bất dịch, mà là một kim chỉ nam sinh động cho hành động, chính vì thế nên nó không thể không phản ánh sự biến đổi đặc biệt mạnh mẽ của điều kiện sinh hoạt xã hội. Phản ánh sự biến đổi ấy là sự tan rã sâu sắc, sự hoang mang, những dao động đủ các loại, tóm lại là: một cuộc khủng hoảng vô cùng trầm trọng bên trong chủ nghĩa Mác. Một hành động quyết liệt chống lại sự tan rã ấy, một cuộc đấu tranh kiên quyết, ngoan cường để bảo vệ những nguyên lý của chủ nghĩa Mác lại một lần nữa được đề ra thành vấn đề trước mắt. Thời kỳ trước, những tầng lớp hết sức rộng rãi thuộc những giai cấp không thể bỏ qua chủ nghĩa Mác được, khi đề ra nhiệm vụ của mình, đã hiểu chủ nghĩa Mác một cách hết sức phiến diện, hết sức kỳ quặc; họ đã học thuộc lòng “khẩu hiệu” này hay “khẩu hiệu” khác, câu trả lời này hay câu trả lời kia cho các vấn đề sách lược, nhưng họ không hiểu được tiêu chuẩn mác-xít của những câu trả lời ấy là gì. Việc “đánh giá lại tất cả những giá trị” trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội dẫn tới chỗ “xét lại” những cơ sở triết học trừu tượng nhất và tổng quát nhất của chủ nghĩa Mác”[2]; “Việc lặp lại ʺnhững khẩu hiệuʺ học thuộc lòng mà không hiểu, không suy nghĩ, dẫn tới chỗ phổ biến rộng rãi những lời nói suông rỗng tuếch; những lới nói suông này, trong thực tế, quy lại là những trào lưu hoàn toàn phi mác‐xít”[3].
Trong cuộc đời hoạt động lý luận cũng như hoạt động cách mạng, Lênin luôn là một nhà mácxít chân chính và sáng tạo. Ông luôn nhắc nhở những người mácxít rằng: “Chúng ta đừng tin điều nói rằng tư tưởng chính thống cho phép chúng ta tin bất cứ một cái gì, rằng tư tưởng chính thống gạt bỏ những sự vận dụng có tinh thần phê phán và gạt bỏ những sự phát triển hơn nữa, rằng nó cho phép dùng những công thức trừu tượng để làm lu mờ những vấn đề lịch sử. Nếu có những môn đồ nào của tư tưởng chính thống mà mắc phải những khuyết điểm thực sự nghiêm trọng ấy, thì lỗi đó hoàn toàn tại bản thân họ, chứ tuyệt nhiên không phải là tại tư tưởng chính thống là tư tưởng rõ ràng có những phẩm chất hoàn toàn trái ngược lại”[4].
Trên tinh thần đó, trong tác phẩm Cương lĩnh của chúng ta, Lênin đã khẳng định lại rằng: "Chúng ta hoàn toàn đứng trên cơ sở lý luận của Mác: lý luận đó là lý luận lần đầu tiên đã biến chủ nghĩa xã hội từ không tưởng thành khoa học; lý luận đó đã dựng lên những cơ sở vững chắc cho khoa học ấy và vạch rõ con đường mà chúng ta cần phải theo, để phát triển khoa học đó thêm nữa và phát huy nó với đầy đủ chi tiết. Lý luận của Mác đã bóc trần bản chất nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hiện đại, bằng cách giải thích cho chúng ta thấy rõ việc thuê mướn công nhân, việc mua sức lao động đã che đậy như thế nào cho việc nô dịch của một nhúm những tên tư bản, địa chủ, chủ xưởng, chủ mỏ, v. v., đối với hàng triệu người tay trắng. Lý luận đó chỉ rõ toàn bộ sự phát triển của chủ nghĩa tư bản có xu hướng làm cho sản xuất lớn gạt bỏ sản xuất nhỏ như thế nào và đã tạo ra như thế nào những điều kiện khiến có thể và cần phải tổ chức xã hội theo phương thức xã hội chủ nghĩa. Lý luận đó dạy ta nhận rõ rằng đằng sau những tập quán đã ăn sâu, những âm mưu chính trị, những luật lệ tinh vi và những học thuyết lắt léo, là cuộc đấu tranh giai cấp, cuộc đấu tranh giữa tất cả các loại giai cấp hữu sản chống quần chúng không có tài sản, chống giai cấp vô sản, giai cấp dẫn đầu tất cả những người không có tài sản. Lý luận đó đã chỉ rõ nhiệm vụ thật sự của một đảng xã hội chủ nghĩa cách mạng không phải là đặt ra những kế hoạch cải tạo xã hội, không phải là khuyên nhủ bọn tư bản và tôi tớ của chúng cải thiện đời sống cho công nhân, không phải là sắp đặt những cuộc âm mưu, mà là tổ chức cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản và lãnh đạo cuộc đấu tranh đó mà mục đích cuối cùng là giai cấp vô sản giành lấy chính quyền và tổ chức xã hội xã hội chủ nghĩa”[5].
V.I.Lênin khẳng định: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống. Chúng tôi nghĩ rằng những người xã hội chủ nghĩa ở Nga đặc biệt cần phải tự mình phát triển hơn nữa lý luận của Mác, vì lý luận này chỉ đề ra những nguyên lý chỉ đạo chung, còn việc áp dụng nguyên lý ấy thì xét riêng từng nơi, ở Anh không giống ở Pháp, ở Pháp không giống ở Đức, ở Đức không giống ở Nga”[6].
Lời căn dặn của V.I.Lênin đối với những người cộng sản lúc sinh thời vẫn giữ nguyên ý nghĩa thời sự đối với chúng ta hiện nay: “những người cộng sản ở Da‐cáp‐ca‐dơ cần hiểu được những nét đặc thù của hoàn cảnh của họ, của hoàn cảnh các nước cộng hòa của họ, khác với hoàn cảnh và những điều kiện của Cộng hòa liên bang xã hội chủ nghĩa xô‐viết Nga, là họ hiểu được rằng họ không cần phải sao chép y nguyên sách lược của chúng tôi, mà cần thiết phải cải biến sách lược đó một cách có suy nghĩ chín chắn cho phù hợp với những điều kiện cụ thể khác nhau”[7]; “Không sao chép y nguyên sách lược của chúng tôi, mà phải tự mình suy nghĩ xem những nét đặc thù, những điều kiện và những kết quả của sách lược đó như thế nào; phải áp dụng ở nước các đồng chí không phải từng câu, từng chữ mà là tinh thần, ý nghĩa, những bài học kinh nghiệm...”[8].
Trong các tác phẩm Những “người bạn dân” là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ-xã hội ra sao?”(1894); Nội dung kinh tế của chủ nghĩa dân tuý và sự phê phán trong cuốn sách của ông Xtơruvê về nội dung đó (1894), Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán (1908), Bút ký triết học (1916), Tai họa sắp đến và những phương pháp ngăn ngừa tai họa đó; Những người Bônsêvích sẽ giữ được chính quyền hay không?; Nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô viết; cách mạng vô sản và tên phản bội Causky; Bàn về Nhà nước, Kinh tế chính trị trong thời kỳ chuyên chính vô sản, Nhà nước và cách mạng (1917)… V.I.Lênin đã đấu tranh với những quan điểm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác và bảo vệ, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác với rất nhiều những nội dung lý luận đặc biệt quan trọng.
Nhân dịp kỷ niệm 154 năm ngày sinh V.I.Lênin (22/4/1870 – 22/4/2024), chúng ta không chỉ nhắc đến người cách mạng sáng tạo vĩ đại để thấy tầm ảnh hưởng lớn lao của ông đối với nhân loại, mà còn học tập phương pháp và phong cách của một người cách mạng chân chính.
[1] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, tập 20, tr.99.
[2] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, tập 20, tr.103.
[3] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, tập 20, tr.103-104.
[4] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, tập 4, tr.110-111.
[5] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, tập 4, tr.230-231.
[6] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, tập 4, tr.232.
[7] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, tập 43, tr.236.
[8] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, tập 43, tr.238.
Kiên Định