Cách ứng xử phù hợp với lịch sử là hiểu đúng, hiểu rõ sự thật lịch sử, nhận thức sâu sắc giá trị, ý nghĩa của sự kiện lịch sử để hướng tới tương lai. Gần 50 năm qua, triệu triệu người Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài, dù đã đi qua trường kỳ kháng chiến với bao mất mát, hy sinh hay những thế hệ sinh sau năm 1975 đều tự hào, trân trọng giá trị, ý nghĩa thiêng liêng của ngày chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, ngày 30-4-1975 để khơi dậy, phát huy niềm tự hào dân tộc nhằm xây dựng nước Việt Nam ngày càng "cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc"
Chân lý khắc sâu vào lịch sử
Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là khúc ca khải hoàn, bản anh hùng ca kỳ diệu của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, đây là bản anh hùng ca vĩ đại của các lực lượng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc, của cả loài người tiến bộ trên thế giới. Sự kiện này cũng là thất bại thảm hại, nặng nề của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai cùng bọn chư hầu.
Ngày 30/4/1975 ghi vào lịch sử thế giới là “một biểu tượng cho sức sống của chủ nghĩa quốc tế vô sản, tình đoàn kết chống đế quốc xâm lược”. Do đó, ngay khi nhân dân Việt Nam vừa làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, nhân loại tiến bộ trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ ở Mỹ hướng đến Việt Nam với tấm lòng kính phục, chia sẻ niềm vui, giành nhiều lời hay, ý đẹp ca ngợi chiến thắng vĩ đại đó.
Nhiều nước trên thế giới đánh giá thắng lợi của nhân dân Việt Nam mang ý nghĩa thời đại sâu sắc, cổ vũ và thúc đẩy quá trình đấu tranh vì độc lập, tự do của nhân loại tiến bộ; mãi mãi ghi vào lịch sử đấu tranh giải phóng loài người như một trang sử huy hoàng nhất, cống hiến quan trọng vào củng cố vị trí các lực lượng hòa bình, dân chủ, độc lập dân tộc và CNXH, xứng đáng với niềm tin yêu và lòng cảm phục của loài người tiến bộ trên thế giới[1].
Sự xuyên tạc - tự phơi bày bản chất
Giá trị, ý nghĩa thắng lợi ngày 30/4/1975 rất sáng rõ, cho thấy tính tất yếu thắng lợi của chính nghĩa. Song, nhiều năm qua, có những cá nhân và tổ chức, vì động cơ khác nhau mà phủ nhận, hạ thấp, xuyên tạc giá trị, ý nghĩa ngày 30/4/1975. Hiện nay, trên mạng xã hội thường xuất hiện các luận điệu xuyên tạc, đó là:
1) Đòi “định danh” lại tên gọi ngày 30/4/1975 với sự ngụy biện hết sức ngây ngô, rằng: “gọi ngày giải phóng thì mơ hồ vì không thể có miền Bắc đi giải phóng cho miền Nam”; “gọi là ngày thống nhất thì rất khiên cưỡng vì Việt Nan dân chủ cộng hòa và VNCH là hai nước khác nhau”; “gọi là ngày hòa bình sao được vì đất nước đến nay vẫn chưa có hòa bình”; “gọi là ngày hữu nghị cũng không đúng vì đánh nhau với Campuchia và Trung Quốc”; “gọi là ngày hòa giải thì gợn những hạt sạn”; “gọi là ngày hòa hợp, ngày nô lệ, ngày quốc hận, ngày đen tối đều không chuẩn”...(?!)
2) Xuyên tạc, vu khống “nhân dân miền Bắc thôn tính miền Nam, nên đây thực chất chỉ là nội chiến, là chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh ý thức hệ nên không có gì đáng tự hào”, rồi chúng đề xuất “gọi ngày 30/4 là tưởng niệm ngày quốc hận”, “kỷ niệm tháng Tư đen”…
3) Phủ nhận giá trị độc lập, tự do, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ mà nhân dân Việt Nam gây dựng, bảo vệ qua mấy nghìn năm lịch sử, họ cho rằng: “nếu không có ngày 30/4/1975 thì miền Nam Việt Nam ngày nay phát triển không kém gì Hàn Quốc, vượt xa Thái Lan…”(?!).
4) Đưa ra luận điệu đòi “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập” mới có thể thực hiện việc hòa hợp, hòa giải dân tộc.
Bản chất sự kiện ngày 30/4/1975 cho thấy chỉ có một đáp án đúng là: “Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, vì:
Một là, gọi “giải phóng” vì ngày 30/4/1975 đánh dấu đất nước Việt Nam nói chung, miền Nam Việt Nam nói riêng thoát khỏi ách thống trị của kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai.
Hai là, gọi “thống nhất” vì ngày 30/4/1975 đánh dấu kết thúc thời kỳ chia cắt đất nước Việt Nam, đồng thời, mở ra thời kỳ nước nhà thống nhất, giang sơn thu về một mối, cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Ba là, gần 50 năm qua, triệu triệu người Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài, dù đã đi qua trường kỳ kháng chiến với bao mất mát, hy sinh hay những thế hệ sinh sau 30-4-1975 đều tự hào, trân trọng giá trị, ý nghĩa thiêng liêng của ngày chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi của nhân dân và dân tộc Việt Nam cũng là thắng lợi của chính nghĩa và hòa bình thế giới. Do đó, người nước ngoài yêu chuộng hòa bình, yêu quý đất nước Việt Nam đều ngưỡng mộ, khâm phục sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam và trí tuệ, bản lĩnh, anh hùng của con người Việt Nam.
Hiểu rõ lịch sử để hướng tới tương lai
Tư tưởng “không có gì quý hơn độc lập, tự do”; “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành kỳ được độc lập cho dân tộc”; “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, ý chí thống nhất Tổ quốc của nhân dân cả nước không bao giờ lay chuyển”… là chân lý thời đại Hồ Chí Minh. Đó chính là sợi chỉ xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam và lý giải tại sao phải kiên cường vượt qua mọi gian khó, hy sinh, quyết tâm đánh thắng thực dân Pháp xâm lược và giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Để cứu nước, giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc phải đi theo con đường cách mạng vô sản. Độc lập dân tộc phải đi liền với ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân, tức là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc là điều kiện tiền đề để đi lên chủ nghĩa xã hội. Và chủ nghĩa xã hội là bảo đảm chắc chắn để có độc lập, thống nhất thật sự và độc lập, thống nhất vững bền. Đó cũng là câu trả lời cho những ai có tư tưởng dao động, hoài nghi mà tự hỏi: “tại sao Việt Nam đi theo chủ nghĩa xã hội”!
Cũng cần phải nói thêm rằng, không nên đem ý chí bảo vệ độc lập, thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam đi so sánh với sự chia cắt của Triều Tiên. Bởi mỗi quốc gia, dân tộc đều có điều kiện, hoàn cảnh lịch sử riêng. Sau chiến tranh 1950-1953, Triều Tiên bị phân xẻ thành hai quốc gia với hai chế độ chính trị khác nhau: Hàn Quốc phía Nam, Triều Tiên phía Bắc. Đến nay, về lý thuyết, quan hệ giữa Hàn Quốc và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh. Nhiều gia đình chia lìa, ly tán người thân qua hơn 7 thập kỷ nhưng hy vọng một lần gặp mặt càng ngày càng trở nên mong manh. Người có trách nhiệm với tiền nhân và yêu quý đất nước mình thì sự chia cắt Tổ quốc (trong đó có sự ly tán, chia cắt gia đình ruột thịt của mình) bao giờ cũng là nỗi đau lớn đối với họ.
Trong tâm trí các thế hệ người Việt Nam yêu nước chân chính, độc lập - tự do - hạnh phúc không chỉ là khát vọng luôn cần phải gìn gữ, bảo vệ, bồi đắp, trao truyền mà còn là kết quả đấu tranh kiên cường, bất khuất để được sống, được mưu cầu hạnh phúc và tri ân tiền bối đã hy sinh cho Tổ quốc. Độc lập, tự do, hạnh phúc luôn gắn với trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ giống nòi Việt Nam; bảo vệ đất nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ vùng trời, vùng biển đảo, đường biên giới thiêng liêng được dựng xây, vun đắp, vạch định bởi công sức, máu xương của lớp lớp tiền nhân.
Sự kiện 30/4/1975 là minh chứng khẳng định chiến thắng của ý chí độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc của nhân dân hai miền Nam Bắc và chiến thắng của sức mạnh chính nghĩa, sức mạnh của văn hóa Việt Nam trước các thế lực xâm lược nhà nghề thiện chiến và bè lũ tay sai với tiềm lực kinh tế khổng lồ và phương tiện, vũ khí tối tân. Lịch sử đã trả lời: ý chí độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc chiến thắng; hành động phản ngược, “rước voi về giày mả tổ” tất yếu tiêu tan! Do đó, khắc ghi giá trị, ý nghĩa chiến thắng ngày 30/4, cần nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết bảo vệ độc lập, tự do, thống nhất đất nước trong mọi hoàn cảnh. Nâng cao cảnh giác, chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận, xuyên tạc giá trị, ý nghĩa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; bảo vệ sự thật lịch sử, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, ra sức phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; xây dựng đất nước Việt Nam ta ngày càng "cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc", vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội[2].
[1] Thế giới ca ngợi thắng lợi đại của nhân dân ta, Nxb sự thật, Hà Nội, 1977, tr.149, 283, 344, 392.
Lê Mật