Theo kế hoạch mà truyền thông đưa tin, thì Mỹ sẽ công bố kết quả công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam trong thời gian tới. Cũng chính vì vậy, vấn đề nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đã dày công xây đắp gần 40 năm qua có PHẢI LÀ NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG HAY KHÔNG đang là mối quan tâm chung của cả Việt Nam, Mỹ và những nền kinh tế liên quan, kèm theo đó là những quan điểm khác biệt, thậm chí là trái ngược, sai lầm và cả luận điệu xuyên tạc cũng “dày thêm”, rằng: kinh tế thị trường là mô hình kinh tế của chủ nghĩa tư bản; Kinh tế thị trường (KTTT) là nền kinh tế vận hành theo các quy luật thị trường không có sự can thiệp của nhà nước; và chỉ có một loại KTTT là KTTT tư bản chủ nghĩa. …Vậy nên, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng, phát triển không đủ điều kiện là nền kinh tế thị trường (!).
Ở góc nhìn khoa học, có thể khẳng định, Mỹ hoàn toàn có thể công nhận quy chế thị trường đối với nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện nay là thoả đáng trên mọi phương diện, bởi các căn cứ sau:
1. Nền kinh tế Việt Nam được hình thành, vận hành trên cơ sở và nguyên tắc của nền kinh tế thị trường đã được hình thành trong lịch sử phát triển nhân loại
Nhìn lại lịch sử phát triển nhân loại cho thấy đến nay loài người đã trải qua 2 kiểu tổ chức sản xuất xã hội để hình thành nền tảng kinh tế phục vụ nhu cầu sinh tồn, phát triển của xã hội loài người, đó là: sản xuất phục vụ nhu cầu tự thân (hay còn gọi là tự cung tự cấp) và sản xuất phục vụ nhu cầu xã hội (gọi là sản xuất hàng hoá), tương ứng với mỗi kiểu tổ chức sản xuất này là cách thức tổ chức, vận hành kinh tế đó là kinh tế tự nhiên và kinh tế tế hàng hóa. Theo dòng lịch sử, kinh tế hàng hóa xuất hiện vào cuối thời kỳ tan rã của hình thái Công xã nguyên thủy, bước vào Chiếm hữu nô lệ với dạng thức ban đầu là kinh tế hàng hóa giản đơn; sau tiến triển lên kinh tế thị trường là trình độ phát triển cao của kinh tế hàng hóa (ở trình độ này, nền kinh tế thị trường tiến triển qua 2 mô hình căn bản là:
+ Kinh tế thị trường tự do cạnh tranh (hay còn gọi là kinh tế thị trường cổ điển - hình thành từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX) là nền kinh tế vận hành chủ yếu bởi điều tiết của các quy luật thị trường (giá trị, cung - cầu, cạnh tranh…), có rất ít sự can thiệp của nhà nước. Tuy nhiên, sự điều tiết của quy luật thị trường - “bàn tay vô hình”, ngoài những ưu việt, nó còn những khuyết tật đưa đến nhiều hệ quả tiêu cực, đặc biệt là khủng hoảng kinh tế chu kỳ[1], đòi hỏi phải có sự can thiệp/quản lý của nhà nước - “bàn tay hữu hình” để hạn chế, khắc phục những khuyết tật do điều tiết tự phát của cơ chế thị trường.
+ Kinh tế thị trường hỗn hợp (hay còn gọi là kinh tế thị trường hiện đại - hình thành từ những năm 40 của thế kỷ XX đến nay) là nền kinh tế vận hành trên cơ sở kết hợp/dung hợp cơ chế tự điều tiết của quy luật thị trường với sự can thiệp/điều tiết của nhà nước. Tức là nền kinh tế vừa có điều tiết bởi các quy luật kinh tế khách quan - “bàn tay vô hình”, vừa có điều tiết bởi nhà nước - “bàn tay hữu hình”.
Như vậy, về nguồn gốc, bản chất kinh tế thị trường là kinh tế hàng hoá có trước chủ nghĩa tư bản nghĩa, là thành quả, là sản phẩm của văn minh nhân loại được hình thành, phát triển bởi lịch sử phát triển kinh tế nhân loại, nhưng trong hình thái kinh tế chủ nghĩa tư bản, nhất là ở các nước tư bản phát triển, KTTT đã được vận dụng với nhiều thành công, dẫn đến nhiều người lầm tưởng kinh tế thị trường là sản phẩm “riêng có” của chủ nghĩa tư bản, do chủ nghĩa tư bản “sáng tạo nên”.
Bởi tính ưu việt của nền KTTT hiện đại, ngày nay, hầu hết các quốc gia, bao hàm các nước tư bản phát triển trên thế giới đều là nền KTTT có sự can thiệp/quản lý của nhà nước, song do mục tiêu phát triển quốc gia, do điều kiện thực tiễn khác nhau mà KTTT có sự can thiệp/quản lý của nhà nước ở các nước trên thế giới là không hoàn toàn giống nhau, nên đang có nhiều mô hình khác nhau: KTTT tự do ở Mỹ, KTTT xã hội ở Đức, KTTT nhà nước phúc lợi ở Thuỵ Điển, KTTT phối hợp ở Nhật Bản, KTTT đặc sắc Trung Quốc…và Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một trong những mô hình đó.
(Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dự Hội nghị cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ về Đổi mới sáng tạo và Đầu tư tại Hà Nội ngày 11-9-2023).
2. Nền kinh tế Việt Nam đã hội đủ các tiêu chuẩn của một nền kinh tế thị trường theo thang đo được chấp nhận phổ quát
Hiện nay, có một số bộ tiêu chí được chấp nhận trong đo lường mức độ phát triển của kinh tế thị trường, chẳng hạn như bộ quy chuẩn chung (tiêu biểu là các nước G7); hay các tiêu chí do EU, Mỹ đưa ra là để đánh giá nền kinh tế các nước khác, nhất là các nền kinh tế chuyển đổi hoặc các tiêu chí kinh tế thị trường của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), và các chỉ số tự do kinh tế do The Wall Street Journal và The Heritage Foundation công bố.
Trong đó, các bộ tiêu chí dao động từ 4-6 tiêu chí, ví như 6 tiêu chí về nền kinh tế thị trường của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đưa ra gồm: (1) Khả năng chuyển đổi đồng tiền; (2) Tự do thỏa thuận mức lương; (3) Đầu tư nước ngoài; (4) Sở hữu hoặc quản lý của nhà nước đối với các ngành sản xuất; (5) Quản lý của nhà nước đối với sự phân bổ các nguồn lực; (6) Các yếu tố khác mà cơ quan tiến hành điều tra thấy cần thiết....hay bộ 12 chỉ số tự do kinh tế của The Wall Street Journal và The Heritage Foundtion được xây dựng dựa trên 4 trụ cột lớn là: 1-Hệ thống pháp luật; 2-Quy mô của Chính phủ; 3- Hiệu quả của các quy định đối với doanh nghiệp; 4-Độ mở của thị trường.
Mặc dù có số lượng tiêu chí đánh giá khác nhau, song cơ bản các tiêu chí này tập trung vào hai nhóm yếu tố chính, đó là chỉ số tự do kinh tế (Economic Freedom - EF)[2] và mức độ can thiệp của Chính phủ.
Chính bởi vậy, chỉ cần tập trung xem xét hai nhóm chỉ số cơ bản này cho phép khẳng định rằng, nền kinh tế Việt Nam đã hội đủ các tiêu chuẩn của một nền kinh tế thị trường hay chưa theo thang đo được chấp nhận phổ quát.
Thực vậy, về chỉ số tự do kinh tế[3], cho thấy từ năm 1986 đến nay, những cải cách theo hướng tự do kinh tế, phát triển kinh tế thị trường Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Thứ nhất, về hệ thống pháp luật, trọng tâm là đảm bảo các quyền tài sản đã được thực thi khá tốt, chẳng hạn, tính đến tháng 9-2018, Chính phủ đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 96,9% diện tích đất. Quyền tài sản và các quyền khác trong kinh doanh đã được thiết lập cơ bản và vẫn tiếp tục cải thiện. Tuy nhiên, theo một số đánh giá quốc tế, cơ quan tư pháp của Việt Nam còn nhiều hạn chế và tình trạng tham nhũng vẫn là vấn đề cần được cải thiện.
Thứ hai, về quy mô Chính phủ, trọng tâm là đo lường mức thuế; chi tiêu chính phủ; “Sức khỏe” tài khóa. Thực tế cho thấy mức độ tham gia của Chính phủ tới nền kinh tế tại Việt Nam ở mức vừa phải. Cụ thể, mức thuế thu nhập cá nhân cao nhất là 35% và mức thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất là 22%. Các loại thuế khác bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế tài sản. Tổng gánh nặng thuế tương đương 18,6% tổng thu nhập trong nước. Bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu NSNN thấp hơn nhiều giới hạn và ngưỡng cảnh báo[4].
Thứ ba, về hiệu quả của các quy định đối với doanh nghiệp, ghi nhận ở mức độ nhất định, việc khởi nghiệp ngày càng trở nên dễ dàng hơn và chi phí đăng ký kinh doanh cũng được cắt giảm. Các biện pháp kiểm soát bình ổn giá vẫn có hiệu lực đối với nhiên liệu, năng lượng, nước, tài nguyên thiên nhiên và dược phẩm. Tuy nhiên, đây là một điểm trừ đối với nền kinh tế Việt Nam khi xem xét ở phương diện là một nền kinh tế thị trường, bởi những rào cản với việc thực thi pháp luật của các doanh nghiệp tuy có cải thiện, song còn yếu.
Thứ tư, về mức độ mở cửa của thị trường[5] cho thấy Việt Nam đã đạt được một sự tiến bộ vượt bậc, độ mở của nền kinh tế thông qua chỉ số giá kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP. Hiện tại độ mở cửa của nền kinh tế Việt Nam là hơn 200% GDP và được đánh giá là một trong những nền kinh tế có độ mở rất lớn. Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài, tính lũy kế đến hết năm 2023, Việt Nam thu hút được 39.140 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đạt 468,917 tỷ USD[6]. Khu vực tài chính tiếp tục phát triển và việc cho vay theo chỉ đạo của các ngân hàng thương mại nhà nước đã được thu hẹp trong những năm gần đây. Dẫu vậy, căn cứ trên tiêu chuẩn quốc tế, vẫn bị đánh giá là thiếu hiệu quả.
(Còn nữa)
[1] Đại khủng hoảng 1929-1933 là một minh chứng
[2] Chính là mức độ tôn trọng các quy luât thị trường hay còn gọi là mức độ tự do của thị trường
[3] Được bao quát trên cơ sở 4 trụ cột do Quỹ Di sản (Heritage Foundation) công bố và Chỉ số EF của thế giới và của Bắc Mỹ do Viện Fraser (The Fraser Institute) công bố và đo lường. Các chỉ số này bao gồm các mục như bảo đảm quyền tài sản, gánh nặng các quy định và độ mở của thị trường tài chính, cùng nhiều mục khác bao gồm: 1-Hệ thống pháp luật; 2-Quy mô của Chính phủ; 3- Hiệu quả của các quy định đối với doanh nghiệp; 4-Độ mở của thị trường.
[4] Kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm sáng; toàn bộ chỉ tiêu về xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/kinh-te-viet-nam-tiep-tuc-la-diem-sang-toan-bo-chi-tieu-ve-xa-hoi-deu-dat-va-vuot-muc-tieu-de-ra-11924010509374759.htm
[5] Độ mở của nền kinh tế thường được đo bằng kim ngạch xuất nhập khẩu chia cho quy mô GDP.
Phạm Thị Túy