Trong sự nghiệp của mình, một mặt V.I.Lênin đã xây dựng học thuyết lý luận thông qua việc kế thừa, bổ sung, phát triển những nguyên lý của chủ nghĩa Mác; mặt khác ông cũng đấu tranh không khoan nhượng với những tư tưởng của các phe phái phi mácxít. Một trong những phe phái đó là phái dân túy. Cuộc đấu tranh của V.I.Lênin có ý nghĩa quan trọng với chúng ta trong việc đấu tranh chống những biểu hiện dân túy hiện nay.
Cuộc đấu tranh của V.I.Lênin chống phái dân túy
Chủ nghĩa dân túy hay phái dân túy (populism) là một trào lưu xã hội - chính trị ở Nga nửa cuối thế kỷ XIX. Nguồn gốc xã hội của chủ nghĩa dân túy là cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân, chủ yếu là nông dân nhằm đòi ruộng đất và thủ tiêu các hình thức bóc lột của chế độ nông nô.
Ban đầu, phái dân túy có nhiều tư tưởng tiến bộ vì những người theo phái này căm thù sâu sắc chế độ chuyên chế của Nga hoàng; nhiệt tình bênh vực chủ trương mở rộng giáo dục, đề cao chế độ tự quản, bảo vệ lợi ích của quần chúng, chủ yếu là nông dân Nga lúc bấy giờ. Tuy nhiên, phong trào đấu tranh của phái dân túy nhanh chóng thất bại do trong tư tưởng và phương pháp đấu tranh của họ mang nặng tính không tưởng tiểu tư sản. Dù vậy, sau đó phong trào đấu tranh này vẫn tồn tại dai dẳng nhưng mang nặng tính tự do và trở thành trào lưu phản động, thỏa hiệp, đi đến làm tay sai cho Nga hoàng và thực chất là bảo vệ cho phú nông. Vì vậy, “bản chất của chủ nghĩa dân túy là sự hỗn tạp những tư tưởng dân chủ nông nghiệp với ước mơ xã hội chủ nghĩa, hi vọng bỏ qua chủ nghĩa tư bản - một biến dạng của chủ nghĩa xã hội không tưởng tiểu tư sản ở nước Nga, đó là hệ tư tưởng của phái dân chủ nông dân”[1].
V.I.Lênin đã từng đánh giá rất cao tư tưởng của phái dân túy giai đoạn đầu vì đó là một trào lưu dân chủ - cách mạng trong một nước đang ở vào đêm trước cuộc cách mạng tư sản. Tuy nhiên, V.I.Lênin cũng đã chỉ rõ những hạn chế, tiêu cực, phản động của phái này ở những giai đoạn phát triển tiếp theo. Theo V.I.Lênin, tư tưởng của phái dân túy có xu hướng chống lại những quan điểm của chủ nghĩa Mác vì phái dân túy dựa trên nền tảng chủ nghĩa duy tâm chủ quan. Phái dân túy cho rằng chủ nghĩa Mác chỉ là sự sao chép lại “tam đoạn luận” của Hêghen chứ không có gì mới; do đó họ bài xích những nguyên lý cơ bản chủ nghĩa duy vật của C.Mác; xem xét sự phát triển của lịch sử, xã hội loài người chỉ là quy luật tự nhiên đơn thuần. Hơn nữa, phái dân túy cho rằng nông dân là lực lượng trung tâm của cách mạng, do vậy họ chủ trương đi lên chủ nghĩa xã hội từ công xã nông thôn. Những người thuộc phái dân túy tự xưng là “những người bạn dân” khi ủng hộ nông dân, cổ súy nông dân đứng lên làm cách mạng. Do đó, V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Chủ nghĩa dân túy điều hòa, nhu nhược, đa cảm và mơ mộng của những “người bạn dân” sẽ không thể đứng vững lâu được, khi nó bị tấn công từ hai phía: một phía thì bị phái cấp tiến chính trị tấn công vì những “người bạn dân” có thể tin vào bọn quan lại và không hiểu được sự cần thiết tuyệt đối phải có đấu tranh chính trị; phía khác thì bị những người dân chủ - xã hội tấn công vì “những người bạn dân” tuy không có liên quan gì với chủ nghĩa xã hội và hoàn toàn không có một khái niệm nào về nguyên nhân gây ra sự áp bức người lao động và về tính chất cuộc đấu tranh giai cấp đang diễn ra nhưng lại muốn được coi là những người xã hội chủ nghĩa hay gần như vậy”[2].
Trong nhiều tác phẩm, V.I.Lênin đã phê phán những quan điểm sai lầm, phiến diện của phái dân túy, trong đó tác phẩm “Những “người bạn dân” là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ xã hội ra sao” là một tác phẩm bút chiến kiểu mẫu của V.I.Lênin chống lại phái dân túy. Thông qua việc phê phán những sai lầm của phái dân túy khi đồng nhất phép biện chứng của C.Mác với Hêghen, V.I.Lênin đã thể hiện rõ lập trường mácxít kiên định và thái độ kiên quyết bảo vệ chủ nghĩa Mác trước những luận điệu xuyên tạc, sai lầm, phiến diện của phái dân túy.
Gợi mở của V.I.Lênin đối với cuộc đấu tranh chống những biểu hiện dân túy ở Việt Nam hiện nay
Từ những năm 50 của thế kỷ XX, thuật ngữ “chủ nghĩa dân túy” được sử dụng nhiều hơn để mô tả các phong trào chính trị khác nhau, từ chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản châu Âu đến chủ nghĩa chống cộng McCarthy của Mỹ và chủ nghĩa Peron của Áchentina…
Sở dĩ chủ nghĩa dân túy có xu hướng trỗi dậy trong thời gian qua là do những biến đổi chính trị - xã hội sâu sắc trên thế giới như xu hướng phân hóa giàu nghèo tăng mạnh, bất bình đẳng gia tăng, lợi ích chính đáng của đông đảo người lao động chậm được giải quyết… “Khi một bộ phận người dân bất mãn trong một thời gian dài, vượt qua giới hạn chịu đựng của họ mà không có những giải pháp chính trị, kinh tế, xã hội thích hợp thì đó chính là mảnh đất màu mỡ cho xu hướng dân túy bùng nổ, đe dọa chủ nghĩa tự do, dân chủ truyền thống ở các nước phương Tây”[3]. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình chính trị của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ở Việt Nam, chủ nghĩa dân túy không có cơ sở kinh tế, chính trị - xã hội để hình thành với tính cách là một “chủ nghĩa” nhưng những biểu hiện dân túy vẫn xuất hiện. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được do công cuộc đổi mới đất nước mang lại, trong thời gian qua, tình hình kinh tế, chính trị - xã hội ở nước ta vẫn còn một số hạn chế như kinh tế tăng trưởng chưa bền vững, quản lý phát triển xã hội hiệu quả còn thấp; tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chậm được đẩy lùi…Những hạn chế trên đã khiến những biểu hiện dân túy vẫn có cơ sở xuất hiện ở Việt Nam.
Một trong những biểu hiện dân túy rõ nét nhất là tình trạng một số người lợi dụng chức quyền để đưa ra những phát ngôn gây sốc, những hành động “mị dân” để lôi kéo, lấy lòng dân chúng. Họ có thể là nhà khoa học, chính khách, chuyên gia đã lợi dụng các diễn đàn lớn như hội nghị, hội thảo khoa học, các buổi tiếp xúc cử tri hay các sự kiện có đông đảo dân chúng tham gia để đưa ra những phát ngôn “gây sốc” nhằm tạo nên sự chú ý của dư luận. Thậm chí, có những người đã lợi dụng mạng xã hội để đưa ra những thông tin “giật gân” nhằm “câu like”, “câu view”.... Điều nguy hại hơn cả là những phát ngôn, những thông tin đó hoặc là không đúng với đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; hoặc là những thông tin thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng.
Khi đưa những thông tin hoặc phát ngôn này, họ dùng rất nhiều “chiêu bài” để gây sự chú ý như dùng những thông tin mập mờ, ngôn ngữ “giật gân” để thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, tạo nên những dư luận xã hội không tốt hoặc gây rối loạn thông tin chính thống. Tình trạng này đang có xu hướng gia tăng ở Việt Nam bởi lẽ những người có biểu hiện dân túy thường biết lợi dụng những hạn chế, những bất ổn về một số mặt của đời sống xã hội để nương theo nguyện vọng của nhân dân, hứa hẹn về quyền lợi cho số đông. Do đó, những người này thường được truyền thông tung hô, trở thành “người của công chúng”, “thần tượng truyền thông” và có ảnh hướng rất lớn đến công chúng.
Tuy ở Việt Nam không có chủ nghĩa dân túy theo đúng nghĩa với tính cách là một trào lưu có sức ảnh hưởng rộng lớn, có sự tham gia của nhiều người nhưng những biểu hiện dân túy cũng không phải không dễ dàng nhận ra và cũng không thể xem nhẹ. Phòng ngừa, đấu tranh chống lại những biểu hiện dân túy ở Việt Nam hiện nay là trách nhiệm không chỉ của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, của các cơ quan truyền thông, báo chí mà còn cần có sự tham gia tích cực của mỗi cán bộ, đảng viên.
Cuộc đấu tranh của V.I.Lênin chống lại phái dân túy không chỉ giúp chúng ta nhận diện những biểu hiện dân túy ở nước ta hiện nay mà còn cổ vũ, khích lệ chúng ta cần phải kiên quyết đấu tranh chống lại những biểu hiện đó, góp phần tạo sự thống nhất trong tư tưởng, nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tạo sự ổn định về chính trị - xã hội để từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
[1] Cục Tuyên huấn - Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (2019), Một số vấn đề về chủ nghĩa dân túy hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.9
[2] V.I.Lênin (1974), Toàn tập, tiếng Việt, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, tập 1, tr.427
[3] Cục Tuyên huấn - Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (2019), Sđd, tr.23
Chiên Lê