Một trang mạng đăng tải bài viết xuyên tạc về tổ chức Công đoàn Việt Nam
Nhận diện sự xuyên tạc của thế lực thù địch, phản động về thực thi quyền công đoàn ở Việt Nam
Một là, các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc việc thực thi quyền công đoàn ở Việt Nam chỉ mang tính hình thức, không hiệu quả. Chúng trắng trợn xuyên tạc: tổ chức Công đoàn ở Việt Nam đã không còn là tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người lao động, hoạt động của tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ mang tính hình thức, không dám đấu tranh với giới chủ, họ cũng chỉ là người làm thuê và chịu sự quản lý của người sử dụng lao động và thậm chí, có thể bị sa thải nếu làm trái ý chủ doanh nghiệp[1].
Hai là, một số tổ chức chống phá Đảng và Nhà nước ta như Nghiệp đoàn FO, Lao động Việt, Nhóm bạn công nhân (thuộc Việt Tân), Luật khoa tạp chí, Hội nhà báo độc lập... tuyên truyền, lôi kéo, kích động người lao động trong các doanh nghiệp thành lập “tổ chức của người lao động” nhằm biến tướng thành các tổ chức “công đoàn độc lập”, “nghiệp đoàn độc lập”, “nghiệp đoàn tự do”… tại Việt Nam; ý đồ của chúng là từng bước tập hợp lực lượng, kích động biểu tình, đình công, đòi tự do, dân chủ, tiến tới thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” lật đổ Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ chính trị tại Việt Nam.
Ba là, một số tổ chức, cá nhân nước ngoài đang tìm cách tác động, can thiệp, gây sức ép đối với Việt Nam xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, theo hướng mà trước mắt là chúng đặt ra đến năm 2025 sẽ xuất hiện mô hình “Liên hiệp các tổ chức người lao động” tại Việt Nam để cạnh tranh trực tiếp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam,với ý đồ sâu xa nhằm tạo tiền đề cho việc hình thành những đảng phái chính trị đối lập trong nước.
Trang của tổ chức phản động Việt Tân xuyên tạc Đại hội Công đoàn Việt Nam
Quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước Việt Nam về quyền thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay
Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Hội nghị lần thứ tưBan Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị- xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã nêu lên định hướng: “bảo đảm sự ra đời, hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phù hợp với quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, kiện toàn các công cụ, biện pháp quản lý nhằm tạo điều kiện để tổ chức này hoạt động thuận lợi, lành mạnh theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đồng thời giữ vững ổn định chính trị - xã hội”. Đây là định hướng hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với cam kết quốc tế trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, gắn với yêu cầu đảm bảo quyền tự do hiệp hội, quyền tự do công đoàn.
Ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, đáp ứng các đòi hỏi của thực tiễn quan hệ lao động Việt Nam. Trong đó, Nghị quyết khẳng định yêu cầu cải cách chính sách tiền lương cho người lao động hiện nay là hết sức cần thiết và cấp bách với những định hướng rõ ràng, toàn diện. Đồng thời, phải “phát triển tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở, quản lý tốt việc thành lập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động… Nâng cao vai trò và năng lực của tổ chức công đoàn là tổ chức đại diện của người lao động trong quan hệ lao động phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”[2]. Như vậy, Đảng ta tiếp tục khẳng định tổ chức Công đoàn có vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi cho người lao động là thực chất và yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của tổ chức công đoàn trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng phù hợp, kịp thời; phải đảm bảo việc quản lý các tổ chức đại diện người lao động được thành lập và hoạt động phải hợp pháp, đúng mục tiêu, tôn chỉ quan trọng nhất là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động.
Thời gian qua, Việt Nam đã rất tích cực tham gia, ký kết, phê chuẩn nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU… và gia nhập 25 Công ước của ILO, bao gồm 7/8 Công ước có cam kết về lao động của ILO.
Ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, trong đó nêu rõ: “quản lý tốt sự ra đời, bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, có các biện pháp phù hợp, hiệu quả để thu hút, vận động, định hướng tổ chức này gia nhập Công đoàn Việt Nam. Tăng cường tuyên truyền để người sử dụng lao động, công nhân, người lao động nhận diện các hành vi lợi dụng việc thành lập và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để xâm phạm an ninh quốc gia, gây mất an ninh trật tự”.
Với chủ trương này, đã tiếp tục định hướng cụ thể hơn về vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam tiếp tục là tổ chức giữ “lá cờ đầu” trong việc bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng cùa người lao động. Đồng thời, mở rộng ra quyền công đoàn của người lao động tại các doanh nghiệp với việc công nhận quyền thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (ngoài Công đoàn Việt Nam). Đây là điểm mới trong việc mở rộng quyền công đoàn cho người lao động và phù hợp với xu thế chung của thế giới, cũng là một trong những “chìa khóa” để chúng ta hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023-2028. Ảnh: Internet.
Thể chế hoá những định hướng nêu trên, ngày 20/11/2019, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV đã thông qua Bộ luật Lao động năm 2019, trong đó quy định tại Chương XIII - Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, gồm 9 điều (từ Điều 170 đến Điều 178). Đây là những quy định mới về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở mang tính đột phá, thay đổi nhận thức của các nhà lập pháp về tổ chức đại diện của người lao động.
Bộ luật Lao động năm 2019 quy định cho người lao động có nhiều quyền lựa chọn hơn, ngoài tổ chức công đoàn, có thể lựa chọn thành lập một tổ chức khác, có tên gọi chung là tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Đây là một tổ chức rất mới, được xác lập trên cơ sở mở rộng quyền lựa chọn cho người lao động tổ chức này độc lập với Công đoàn Việt Nam. Việc hoàn thiện quy định pháp luật về quyền thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp nêu trên, phải bảo đảm các nguyên tắc, quan điểm và định hướng sau:
Thứ nhất, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với tổ chức của người lao động, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quản lý có hiệu quả và tạo điều kiện cho tổ chức này hoạt động thuận lợi, lành mạnh theo đúng pháp luật, phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia.
Thứ hai, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp nằm ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không phải là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, về bản chất là tổ chức xã hội đơn thuần, chỉ làm chức năng đại diện bảo vệ quyền hợp pháp, lợi ích chính đáng của người lao động trong phạm vi quan hệ lao động.
Thứ ba, bảo đảm phù hợp với quy luật của quan hệ lao động trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; khắc phục những tồn tại trong quan hệ lao động trong suốt thời gian qua, đảm bảo tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có thể tiến hành thương lượng tập thể một cách thực chất, hiệu quả về tiền lương và điều kiện làm việc theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.
Qua đó, cho thấy quyền công đoàn ở Việt Nam hiện nay, đã được mở rộng với quy định người lao động được thành lập, tham gia tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, bên cạnh tổ chức Công đoàn đã có trước đó. Đây là xu thế mà Việt Nam đã tích cực thay đổi trong các quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như trong các quy định pháp luật của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phù hợp với các cam kết tại các Công ước quốc tế của ILO và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên.
Với những định hướng của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền công đoàn hiện nay và được thể chế hoá trong các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản pháp luật có liên quan đã mở ra một nội hàm mới về quyền công đoàn của người lao động khi Việt Nam đang xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Đây là minh chứng rõ nét nhất để khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn kịp thời có những định hướng, chính sách về quyền lao động nói chung, về quyền công đoàn nói riêng vừa phù hợp với những cam kết quốc tế ở các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời phù hợp với xu thế chung của thế giới, qua đó tạo ra nhiều “kênh” khác nhau để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Đó cũng chính là những phản bác một cách mạnh mẽ, trực diện nhất đối với những xuyên tạc, bôi nhọ của các lực lượng thù địch, phản động về những rêu rao cho rằng Việt Nam đã hạn chế quyền công đoàn của người lao động.
Trương Chánh Đức