Con tàu HQ-505 do thuyền trưởng Vũ Huy Lễ điều khiển đã trở thành khối công sự giữ đảo Cô Lin. Ảnh: Internet.
Tiếng nói lên án hành động xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam mà Trung Quốc thực hiện
Trước khi xảy ra xung đột trên vùng biển quần đảo Trường Sa với đỉnh điểm là sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988, Trung Quốc đã liên tiếp có những hành động ngang ngược, vi phạm chủ quyền của Việt Nam như cho máy bay, tàu chiến thực hiện các hoạt động khiêu khích, trinh sát, tập trận… xung quanh vùng biển Trường Sa. Vì vậy, sự quan tâm và tiếng nói của dư luận thế giới đã được thể hiện xuyên suốt quá trình của sự kiện này. Báo Ngọn Đuốc Phương Bắc (Thụy Điển), số ra ngày 26-2-1988 với đầu đề Sự đe dọa mới của Trung Quốc chống lại Việt Nam “đã nghiêm khắc lên án hành động khiêu khích và đe dọa của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa lãnh thổ Việt Nam, gây căng thẳng ở khu vực Đông Nam Á và phá hoại quá trình hòa bình đang diễn ra ở Đông Dương”[1]. Ngày 9-3-1988, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Cam-pu-chia đã lên tiếng kịch liệt lên án Trung Quốc xâm phạm trắng trợn độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuyên bố có đoạn viết: “Những hành động khiêu khích của nhà cầm quyền Trung Quốc và những hành động xâm phạm liên tục của họ chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chứng tỏ rằng tham vọng bành trướng và bá quyền nước lớn của họ vẫn không hề thay đổi. Những hành động này của Trung Quốc đi ngược lại xu thế hiện nay trong khu vực cũng như trên thế giới về cùng tồn tại hòa bình, hữu nghị, láng giềng tốt và hợp tác. Những hành động này còn là một sự đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của các nước ven Biển Đông và làm tổn hại đến sự ổn định trong khu vực”[2].
Ngày 21-3-1988, Ủy ban Mê-hi-cô đoàn kết với Việt Nam đã ra Tuyên bố lên án mạnh mẽ Trung Quốc xâm phạm quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tuyên bố viết: “Ủy ban Mê-hi-cô đoàn kết với Việt Nam nghiêm khắc lên án những hành động quân sự có tính chất khiêu khích và bành trướng của Trung Quốc ngày 14-3 xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, bắn vào các tàu vận tải của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cùng với dư luận thế giới, chúng tôi kiên quyết đòi Trung Quốc phải chấm dứt việc khiêu khích chống Việt Nam, rút ngay lập tức các tàu chiến và lực lượng của họ ra khỏi vùng biển của Việt Nam”[3].
Ngoài ra, dư luận tại Nhật Bản, Tiệp Khắc, Pháp, Mỹ cũng lên tiếng phê phán hành động vũ lực và mưu đồ bành trướng của Trung Quốc. Báo A-Ca-Ha-Ta của Đảng Cộng sản Nhật Bản ngày 25-3-1988 đã đăng bình luận chỉ rõ: “Việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng các hòn đảo, thậm chí lại tiến công các tàu không vũ trang của Việt Nam rõ ràng là một hành động bá quyền giống như bọn thực dân và đế quốc trước đây”[4].
Tàu HQ-604 - con tàu bị địch bắn chìm trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc ở Gạc Ma. Ảnh trưng bày tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
Quan điểm ủng hộ tính hợp pháp về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
Các Báo Méc-Đê-Ca và Người Quan Sát (In-đô-nê-xi-a) ngày 25-3-1988 đã đăng bài viết của Tiến sĩ R.Áp-đun-ga-ni, trong đó vạch rõ tính chất phi pháp và phi nghĩa việc Trung Quốc gây xung đột ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng như âm mưu lâu dài của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á. Bài báo ghi nhận: “Trên thực tế từ lâu Việt Nam đã thực hiện chủ quyền trong quần đảo Trường Sa”[5]. Ngày 4-4-1988, Ủy ban Mỹ đoàn kết với Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia đã ra tuyên bố bày tỏ sự bất bình trước việc Trung Quốc tấn công các tàu vận tải của Việt Nam và chiếm các bãi đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuyên bố nêu rõ: “Những hành động nói trên của Trung Quốc là xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế… Vì vậy, chúng tôi đòi Trung Quốc phải rút ngay tất cả các tàu chiến và quân chiếm đóng của họ ra khỏi lãnh hải và các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đồng thời chấm dứt mọi hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam”[6]. Báo Mô-Ning-Xta (Anh) trong một bài viết ngày 8-4-1988 đã lược ghi các cơ sở lịch sử, pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thời các vua Gia Long, Minh Mạng đến thời kỳ thuộc Pháp và Hội nghị Xan Phran-xi-xcô năm 1951. Báo Ba-ra-ca-đa, cơ quan của Mặt trận giải phóng Dân tộc Xan-đi-nô (FSLN) ở Ni-ca-ra-goa số ra ngày 21-4-1988 với đầu đề “Lập trường của Việt Nam: cần thương lượng cho hòa bình và hữu nghị” đã đăng bài bình luận kèm theo bản đồ Việt Nam có cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bài báo có đoạn viết: “Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ trước thế kỷ XVIII đã có mặt các đội Hoàng Sa và Bắc Hải do các vua triều đình nhà Nguyễn của Việt Nam phái ra, và theo các chuyên gia, thì việc Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo đó là hợp pháp”[7].
Sự đồng tình, ủng hộ đối với Việt Nam trong lập trường, chính sách giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình
Báo Pa-Xa-Xôn (Lào) số ra ngày 29-3-1988 đăng bình luận lên án những hành động xâm phạm mà Trung Quốc đã thực hiện trong vùng biển quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bình luận nhấn mạnh: “Nhân dân các bộ tộc Lào hoàn toàn ủng hộ lập trường và thái độ thiện chí của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong giải quyết vấn đề lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình, ủng hộ tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 25-3-1988 và công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 26-3-1988 đề nghị hai bên chấm dứt ngay mọi hành động vũ lực, dòi phía Trung Quốc sớm đáp ứng những đề nghị của Việt Nam giải quyết những bất đồng về lãnh hải bằng thương lượng hòa bình, phù hợp với tình hình và xu thế đối thoại hiện nay trên thế giới”[8]. Chiều 29-3-1988, trong cuộc họp báo ở Trung tâm báo chí Bộ Ngoại giao Liên Xô, đồng chí G.Ghê-ra-xi-mốp, Cục trưởng Thông tin Bộ Ngoại giao Liên Xô đã phát biểu trong đó nhấn mạnh: “Liên Xô ủng hộ những bước có tính chất xây dựng của Việt Nam trên con đường giải quyết các vấn đề bất đồng với Trung Quốc thông qua bàn đàm phán chứ không phải bằng vũ lực”[9]. Ngày 9-4-1988, Đảng Cộng sản Anh đã ra tuyên bố bày tỏ sự lo ngại sâu sắc trước việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đồng thời ủng hộ lập trường của Việt Nam về vấn đề Trường Sa. Bản tuyên bố nêu rõ: “Đảng Cộng sản Anh kêu gọi nhà cầm quyền Trung Quốc rút hết quân khỏi quần đảo Trường Sa, đồng thời giải quyết những bất đồng với Việt Nam bằng các cuộc thương lượng và và bằng giải pháp hòa bình phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước cũng như lợi ích của nhân dân trong toàn khu vực”[10]. Ngày 17-4-1988, Bộ Ngoại giao Cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia ra Tuyên bố lên án nghiêm khắc và đòi Trung Quốc chấm dứt ngay chính sách bành trướng và những hành động thù địch, đáp ứng thiện chí của Việt Nam và ngồi vào bàn thương lượng để giải quyết bất đồng giữa hai nước. Bản Tuyên bố khẳng định: “Cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia tuyên bố hoàn toàn ủng hộ Tuyên bố ngày 13-4-1988 của Bộ Ngoại giao Việt Nam và khẳng định một lần nữa tình đoàn kết chiến đấu và sự ủng hộ kiên quyết đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”[11].
Lê Thủ