Toàn cảnh hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban chấp hành Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ảnh: TTXVN)
Vì sao phải cách mạng tự thân?
Thứ nhất, cách mạng tự thân là một thuộc tính quan trọng mà học thuyết Mác - Lênin đã chỉ dẫn.
C.Mác chỉ rõ: “Biện chứng không tôn thờ bất cứ điều gì, theo bản chất của nó, nó là phê phán và mang tính cách mạng”. Tính phê phán và tính cách mạng này không chỉ thể hiện trong đối tượng của cách mạng, mà còn thể hiện đối với bản thân một chính đảng Mácxít. Trong sứ mệnh cải tạo thế giới khách quan, con người cũng không ngừng cải tạo thế giới chủ quan của mình, làm cho thế giới chủ quan phù hợp với thế giới khách quan. Vậy nên, một chính đảng Mácxít muốn trường tồn tất yếu phải không ngừng cách mạng tự thân.
Thứ hai, cách mạng tự thân - bài học từ thực tiễn một số nước trên thế giới.
Ở Liên Xô, ngay từ buổi đầu xây dựng chính quyền Xôviết, V.I.Lênin đã cảnh báo: “Không có kẻ thù nào, dù là hung bạo nhất, có thể chiến thắng được những người cộng sản, ngoại trừ chính họ tự tan rã, chính những lỗi lầm của họ và họ không kịp sữa chữa”. Điều đó cho thấy, cùng với thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch từ bên ngoài, những lầm lẫn chuyển hóa thành sai lệch từ bên trong và những “giặc nội xâm”… tất cả hợp thành kẻ thù nguy hiểm nhất tiêu diệt một chính đảng Mácxít hoặc làm cho chính đảng Mácxít ấy tự rã rời, tự băng hoại, tự sụp đổ bất cứ lúc nào. Câu chuyện Liên Xô sụp đổ có nhiều nguyên nhân, trong đó, một trong những nguyên nhân quan trọng là sự lơ là, không chăm lo đến công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng; thậm chí phạm sai lầm nghiêm trọng: buông lỏng rồi đi đến xoá bỏ điều 6 trong Hiến pháp của Liên Xô. Nhấn mạnh về điều này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã?” đăng trên Tạp chí Cộng sản (tháng 4/1992) đã chỉ ra nguyên nhân chính là “việc “buông lơi” công tác xây dựng Đảng, xa rời quần chúng, mất uy tín nghiêm trọng trước Nhân dân, không được Nhân dân ủng hộ chính là tử huyệt, là nấm mồ chôn một thời huy hoàng của Liên Xô”[1].
Người dân la ó phản đối lãnh đạo Gorbachev trong cuộc diễu hành Ngày Lao động 1/5/1990. Ảnh: Internet.
Khác với Liên Xô, bài học từ sự thành công kỳ diệu của Trung Quốc là minh chứng sống động của việc một chính Đảng luôn biết làm “cách mạng bản thân”, xem đó là “đáp án thứ hai để Đảng Cộng sản Trung Quốc nhảy ra khỏi vòng chu kỳ lịch sử hưng thịnh suy tàn” để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới. Ở Trung Quốc, kể từ sau Đại hội lần thứ XVIII đến nay, vấn đề “cách mạng bản thân” luôn được nhấn mạnh. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ: “Để Đảng ta luôn là người tiên phong của thời đại, là xương sống của dân tộc và luôn là Đảng cầm quyền theo chủ nghĩa Mác, bản thân nó phải vượt trội. Điều gì được coi là vượt trội, đó là dám tiến hành cách mạng bản thân”[2]. Qua các thời kỳ cách mạng, đặc biệt trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn nhìn nhận rõ về các vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của Đảng, khiến Đảng bị suy yếu, bị hư hoá, bị mờ nhạt hoá, trở nên “hai mặt” về chính trị, “thiếu can xi tinh thần”, “bốn tác phong xấu”, vấn nạn tham nhũng… Từ đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương: lấy đồng chí Tập Cận Bình làm hạt nhân, kiên trì “rèn sắt” để “bản thân thật cứng”, đi sâu thúc đẩy quản lý Đảng nghiêm minh, toàn diện. Nhờ đó, “đã khắc phục được những tiêu cực mà nhiều năm nay không thể khắc phụ được; chữa khỏi nhiều căn bệnh trong Đảng mà nhiều năm Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa thể chữa khỏi được”. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Trung Quốc thời gian qua đã giành được những thắng lợi quan trọng, góp phần củng cố toàn diện chính trị, loại bỏ những hiểm hoạ, rủi ro nghiêm trọng, mở ra thời kỳ mới cho cuộc cách mạng bản thân của Trung Quốc như hiện nay.
Có thể nói, Liên Xô - Trung Quốc là hai gam màu tối - sáng để Đảng ta chiêm nghiệm và đúc rút những bài học kinh nghiệm quý cho sự lãnh đạo của mình. Vậy nên, trong bài viết quan trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa”. Trong điều kiện mới, Đảng ta cần quan tâm và phát huy hơn nữa tinh thần tự cách mạng triệt để, tự soi, tự sửa mình để Đảng ta thực sự là một chính Đảng Mácxít chân chính, giữ vững vị thế, vai trò lãnh đạo để trường tồn cùng dân tộc.
Thứ ba, cách mạng tự thân là yêu cầu khách quan để có thể đáp ứng với cục diện thế giới và trong nước đầy biến động hiện nay.
Cục diện thế giới, trong nước hiện nay với rất nhiều biến động phức tạp, khó lường, khó đoán định, khó dự báo cùng những nguy cơ tiềm tàng ảnh hưởng đến sự tồn vong của một chính Đảng Mácxít. Một không gian hội nhập sâu rộng, trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, không gian 4.0 lan toả nhiều chiều… Đối mặt với nhiều mâu thuẫn mới, thách thức mới, nếu Đảng ta không đủ nhạy bén, không thấu suốt xu hướng phát triển mà kịp thời đề ra chủ trương, quyết sách đúng đắn thì sẽ không bắt nhịp cùng thời cuộc, thậm chí sẽ bị bỏ lại phía sau. Nếu Đảng ta không tự cách mạng bản thân triệt để, không nâng cấp mình để ngang tầm với nhiệm vụ mớithì những nguy cơ tiềm tàng (nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; tụt hậu xa hơn về kinh tế, nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch) đã được Đảng ta chỉ ra từ Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ (1994), cộng với đó là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn và đẩy lùi… tất cả sẽ là những hiểm hoạ khôn lường ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng. Vì vậy, kiên trì làm cách mạng tự thân là nhu cầu khách quan của Đảng để có thể ứng phó với những rủi ro, nguy cơ, thách thức, để Đảng ta mãi trường tồn cùng nhịp đập thời đại.
Thứ tư, cách mạng tự thân là yêu cầu khách quan để Đảng ta hiện thực hoá mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước.
Đảng ta vì lợi ích của nhân dân mà sinh ra “ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”. Trong giai đoạn mới, việc hiện thực hoá mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa” theo tinh thần Nghị Quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đang bước vào thời kỳ then chốt. Để đạt được mục tiêu đó không phải dễ dàng, không phải kiểu “đánh trống khua chiêng” là có thể thực hiện được, mà Đảng phải tự cách mạng bản thân với một tinh thần “quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực, có bước đi phù hợp, phát huy mọi nguồn lực, động lực và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa…”[3]; “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ… Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị…”[4]. Có như vậy mới giúp Đảng ta nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu nhằm ứng phó với nguy cơ, thách thức, hiện thực hoá mục tiêu đề ra.
Để cách mạng tự thân của Đảng ta thành công
Một là, tăng cường xây dựng chính trị của Đảng làm cơ sở vững chắc để Đảng quản lý toàn bộ sự lãnh đạo của mình.
Hai là, không ngừng bổ sung, phát triển, làm phong phú chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện lịch sử mới; đồng thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc nền tảng của Đảng, cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng.
Ba là, dựa vào tai mắt của dân để làm cách mạng bản thân; phải “biến hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”[5].
Bốn là, hoàn thiện hệ thống pháp quy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương nghiêm minh trong Đảng. Kiên trì lấy Điều lệ Đảng làm gốc, lấy chế độ tập trung dân chủ làm cốt lõi, lấy các quy định: 24-QĐ/TW về “Thi hành Điều lệ Đảng”, Quy định 22-QĐ/TW về “Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng”; Quy định 37-QĐ/TW về “Những điều đảng viên không được làm”, Quy định 41-QĐ/TW về “Miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”, Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ làm trục chính.
Năm là, củng cố sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và cán bộ, đảng viên của Đảng có tinh thần trách nhiệm, hoài bão, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tăng cường hệ thống kiểm tra, giám sát, kỷ luật thống nhất, toàn diện và hiệu quả trong Đảng.
Cao Hiệu