Nhận diện âm mưu của các thế lực thù địch là một trong hành động để giúp Đảng, Nhà nước và nhân dân thấy được bản chất của chúng và có biện pháp đấu tranh. Thông qua lý thuyết kịch hóa của E.Goffman sẽ giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân có thể nhận rõ bộ mặt thật và bộ mặt giả của các thế lực phản động, thù địch. Từ đó, có các biện pháp để hình thành bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và xây dựng môi trường dân chủ để cho âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch không có cơ hội tồn tại và phát triển.
Vai diễn của các thế lực phản động, thù địch được nhận diện từ lý thuyết kịch hóa của Erving Goffman
Lý thuyết kịch hoá còn được gọi là Lý thuyết về kiềm chế biểu cảm mà đại diện là Erving Goffman (1922-1982), nhà Xã hội học Mỹ. Luận điểm cơ bản của Goffman rất gần giống với quan điểm của đại văn hào Shakepeare “cả thế giới là một sân khấu mà trên đó những người đàn ông, đàn bà là những diễn viên”. Nói cách khác, toàn bộ xã hội là một tấn kịch khủng lồ với những diễn viên vừa đóng vai khán giả, vừa đóng vai nhân vật. Các diễn viên này có nhiệm vụ diễn tốt vai diễn của mình, tức là thực hiện tốt vai trò xã hội của họ[1].
Lý thuyết kịch hoá dùng nhiều thuật ngữ của kịch học như mặt nạ, sân khấu, vai trò, kịch bản, cảnh diễn. Luận điểm then chốt của thuyết này là kiềm chế biểu cảm. Nói về cơ chế này, Goffman viết “cá nhân được chia làm hai phần cơ bản, cá nhân được xem là người trình diễn, người có nhiệm vụ tạo ra các ấn tượng trong suốt quá trình diễn xuất và cá nhân được xem là nhân vật, là kiểu người điển hình có tinh thần, nghị lực và những đặc điểm, phẩm chất mà người diễn viên phải thể hiện. Các đặc điểm của diễn viên và các đặc điểm của nhân vật có trật tự khác nhau, nhưng cả hai đều có ý nghĩa của chúng với tư cách là cuộc trình diễn phải diễn ra”[2]. Tức là, các chủ thể tương tác có thể đóng kịch, có thể trình diễn trước công chúng để tạo ra hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp về họ[3]. Điều này có nghĩa rằng, khi tham gia vào quá trình tương tác xã hội, con người đều mong muốn thực hiện “vai diễn” một cách tốt nhất và luôn tạo ấn tượng tốt đẹp đối với người đối diện. Theo cách tiếp cận này, dư luận xã hội có thể được một hay một nhóm người cố tình tạo ra nhằm mục đích khác nhau, trong trường hợp mị dân là nhằm mục đích xấu nhưng được che đậy bởi những ý kiến đánh giá bóng bẩy[4].
Với quan niệm như vậy, Goffman đem “trả lại khái niệm vai cho sân khấu”. Ông làm rõ quan niệm cuộc đời là một sân khấu, mỗi tình huống là một cảnh, một đoạn kịch trong đó mỗi cá nhân thể hiện, đóng vai diễn của mình. Mỗi cá nhân đều học vai trò, chuẩn bị vai, vào vai, nhập vai trong từng cảnh ở nhà, trên đường phố, tại văn phòng, công sở và trong từng mối tiếp xúc cụ thể với những người xung quanh. Với việc phân biệt “sân khấu” và “hậu trường”, Goffman chỉ ra sự khác biệt giữa bộ mặt của “cái tôi” của cá nhân: (1) Một bộ mặt được giới thiệu cho mọi người biết trên sân khấu. Bộ mặt này gọi là vai diễn hay bộ mặt sân khấu. (2) Một bộ mặt chỉ thể hiện ở hậu trường. Bộ mặt này chính là tính cách của cá nhân hay bộ mặt hậu trường.
Như vậy, trong cuộc sống, mỗi cá nhân luôn thể hiện tính cách cá nhân qua hai bộ mặt, một là bộ mặt mà cá nhân đó phải diễn khi đóng vai diễn đó hay nói cách khác, bộ mặt giả tạo của cá nhân; một là bộ mặt chính của cá nhân khi thoát khỏi vai diễn, bộ mặt này của cá nhân khó được nhận thấy bởi vì nó chỉ bộc lộ khi cá nhân đó đối diện với chính bản thân họ. Vì thế, nghiên cứu theo cách tiếp cận này luôn cần chú ý phân biệt bộ mặt trên sân khấu và bộ mặt trong hậu trường. Hai bộ mặt sân khấu và hậu trường của các thế lực phản động, thù địch được thể hiện như sau:
(1) Bộ mặt giả tạo, bộ mặt sân khấu, bộ mặt này luôn đẹp trong mắt công chúng. Theo đó, các thế lực phản động, thù địch, đối tượng cơ hội đã cố gắng tạo ấn tượng tốt đối với nhân dân với vai diễn chính kịch. Chúng đã núp bóng “người tốt” với nhiều vai diễn khác nhau như người Việt yêu nước, trí thức, người yêu tự do, dân chủ, người tài trợ… để kích động, lôi kéo nhân dân. Ví dụ: Sự kiện năm 2014, Trung Quốc hạ đặt dàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, các đối tượng phản động, cơ hội, thù địch đã núp bóng chiêu bài “tuần hành ôn hòa” để trà trộn cùng người dân xuống đường phản đối hành động của Trung Quốc.
(2) Bộ mặt hậu trường, đây là bộ mặt thật của đối tượng. Theo đó, bản chất thâm độc, đê hèn, phá hoại của các thế lực phản động, thù địch bộc lộ sau khi kết thúc vai diễn và rời khỏi sân khấu để vào hậu trường. Đó là khi họ kêu gọi “tuần hành ôn hòa” trước sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 và sự “ôn hoà” lại được thể hiện bằng cách kích động đập phá tài sản của doanh nghiệp, ném bom xăng vào trụ sở cơ quan chức năng, chống người thi hành công vụ. Với danh nghĩa là người Việt yêu nước, chúng đã kích động gây bạo loạn ở một số địa phương với nhiều hệ lụy phức tạp về an ninh.
Giải pháp tháo bỏ “mặt nạ” của các thế lực thù địch
Thời gian qua, các thế lực thù địch luôn “diễn” rất hay, họ thường đeo “mặt nạ” với “vai diễn” chính diện. Tuy nhiên, màn kịch sân khấu bao giờ cũng phải kết thúc, cho nên các vai diễn phản diện dù có cố gắng đánh bóng nhưng khi đến hồi kết thúc thì vẫn bị bại lộ thân phận. Vì thế, vận dụng cách tiếp của E.Goffman sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, làm công tác tuyên giáo nói riêng có đủ “bản lĩnh” tháo gỡ mặt mạ và vạch trần những “kịch bản” dưới hình thức tin đồn; giải mã những ký hiệu, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch để giúp cán bộ, đảng viên và người dân nhận diện được âm mưu của các đối tượng chống Đảng, chống Nhà nước. Vận dụng cách tiếp cận lý thuyết kịch hóa của E.Goffman vào tháo gỡ “mặt nạ” của các thế lực thù địch thì cần thực hiện một số biện pháp như sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác truyền thông về biểu hiện, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch một cách rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Tăng cường nghiên cứu các nội dung, hình thức phù hợp với nhận thức của nhân dân và tạo sự hấp dẫn đối với nhân dân. Thực hiện công khai, minh bạch và dân chủ trong việc triển khai các chủ trương, chính sách. Tất cả điều này nhằm giúp cho mọi tầng lớp nhân dân nhận rõ bản chất phản động, xấu xa của các thế lực chống Đảng, chống Nhà nước.
Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ năng lực và phẩm chất chính trị vững vàng, góp phần hình thành đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ bản lĩnh vạch trần và lột bỏ mặt nạ sân khấu của các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị. Do đó, đẩy mạnh học tập và nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; thường xuyên kiểm tra, giám sát tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức của đảng viên.
Thứ ba, thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện tốt các chính sách này sẽ giúp người dân tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Khi đó, bộ mặt giả tạo của các thế lực phản động, thù địch không phát huy được tác động và bộ mặt đó nhanh chóng được tháo bỏ.
----------------------------------------------------------------------
[1] Lê Ngọc Hùng, Phạm Tất Dong (1997), Xã hội học, Nxb Đai học quốc gia Hà Nội, trang 150.
[2] Lê Ngọc Hùng (2008), Lịch sử và lý thuyết xã hội học, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, trang 301.
[3] Lê Ngọc Hùng (2011), Lịch sử và lý thuyết xã hội học,nxb Đại học quốc gia Hà Nội, trang 345-351.
[4] Phan Tân (2015), Dư luận xã hội: Lý luận và thực tiễn (sách chuyên khảo), Nxb KHXH, Hà Nội, trang 69.
TT