Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến đạo đức của cán bộ, đảng viên. Người xem đạo đức cách mạng là điều “căn bản”, là “cái gốc” của người cán bộ, đảng viên. Những chỉ dẫn của Người về vấn đề này đã trở thành nguyên tắc, phương châm và kinh nghiệm hết sức quý báu cho Đảng ta trong việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên
Trong nhiều bài nói, bài viết, Hồ Chí Minh đã thể hiện một quan điểm thống nhất: Cán bộ, đảng viên và đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giữ vai trò hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng. Người khẳng định: Vấn đề cán bộ là rất trọng yếu và cần kíp. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Theo Hồ Chí Minh: Một người cán bộ tốt phải có đạo đức cách mạng và phải luôn giữ vững đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng nói tóm tắt là: Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân. Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không.
Hồ Chí Minh nêu rõ: Vô luận lúc nào, việc gì, người cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là “tính Đảng”. Nâng cao đạo đức cách mạng và tính đảng chính là bồi bổ cho “cái chất” của người cán bộ, đảng viên. Đây là điều cốt yếu để Đảng trong sạch, vững mạnh và mỗi cán bộ, đảng viên đều ra sức làm tròn nhiệm vụ được giao phó, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng là rất toàn diện, bao hàm cả phẩm chất và năng lực, đạo đức và tài năng. Vì vậy, không nên phân biệt một cách máy móc giữa “đức” và “tài”, không đúng với bản chất của đạo đức cách mạng.
Với vai trò và những nội dung bản chất, cốt lõi của đạo đức cách mạng như trên, nên trong công tác cán bộ, Hồ Chí Minh yêu cầu, trước hết phải biết rõ cán bộ mới có thể cất nhắc cán bộ một cách đúng mực. Người đã nêu lên 4 tiêu chí cơ bản để lựa chọn cán bộ: Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh; những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng, luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng; những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn; những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật. Người yêu cầu: Đảng phải chọn lựa những người rất trung thành và rất hăng hái, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo và phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra ngoài.
Như vậy, trong tiêu chuẩn cán bộ, cả hai mặt đức và tài được Hồ Chí Minh kết hợp biện chứng thống nhất với nhau. Phẩm chất, tài năng của cán bộ phải được đánh giá bằng kết quả công tác thực tiễn thực hiện những nhiệm vụ cụ thể được giao.
Quy định của Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi trọng việc xây dựng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; đồng thời, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống những căn bệnh do chủ nghĩa cá nhân gây ra. Đại hội XIII của Đảng chủ trương: Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc để làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày.
Ngày 9/5/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Quy định này đã khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng là luôn coi trọng việc xây dựng, giáo dục và rèn luyện cán bộ, đảng viên, xem “đức là gốc” của người cán bộ, đảng viên.
Có thể nói, Quy định ra đời là rất phù hợp và cần thiết. Bên cạnh những nội dung bản chất, cốt lõi, Quy định có sự bổ sung những giá trị đạo đức mới, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Những chuẩn mực đạo đức cách mạng trong Quy định được hệ thống hoá thành 5 điều, với những tiêu chí, tiêu chuẩn rất cụ thể. Đặc biệt, những điểm mới trong Quy định thể hiện nhận thức của Đảng ngày càng sâu sắc hơn, toàn diện hơn về bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới, như phẩm chất “6 dám”: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung. Điều này thể hiện sự kỳ vọng rất lớn của Đảng vào những cán bộ, đảng viên có đạo đức, bản lĩnh, tài năng trong việc tạo ra những đột phá để phát triển đất nước. Quy định ra đời như một “cẩm nang”, “kim chỉ nam” không những giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi”, “tự sửa”, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu để hoàn thiện bản thân, mà còn là một cơ sở rất quan trọng để đánh giá, lựa chọn và sàng lọc cán bộ, đảng viên.
Để Quy định 144-QĐ/TW đi vào thực tiễn cuộc sống, trước hết, người cán bộ, đảng viên nói chung, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cấp, các ngành phải gương mẫu, nghiêm túc trong thực hiện các chuẩn mực đạo đức này, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trên cơ sở của Quy định, cần nhanh chóng bổ sung các nội dung mới vào tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hàng năm và trong các quy trình công tác cán bộ; xem đây là cơ sở quan trọng để đánh giá, lựa chọn cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Trên cơ sở Quy định này, các cấp uỷ, tổ chức đảng cần khẩn trương triển khai nghiên cứu, vận dụng để sớm ban hành quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá đối với từng chức danh cán bộ sát hợp với yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị để làm căn cứ cho việc đánh giá, lựa chọn cán bộ trong thời gian tới.
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh đến quan điểm của Đảng có sự kế thừa, phát triển về tiêu chuẩn của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, trong đó đạo đức cách mạng chính là thước đo hàng đầu về phẩm chất đạo đức, tư cách của người cán bộ, đảng viên.
Thùy Dung