Trong điều kiện khan hiếm đất ở nông thôn, đặc biệt là đất nông nghiệp, mức tăng dân số cao so với khu vực thành thị, dư thừa lao động đang là vấn đề nổi cộm ở nông thôn và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Thất nghiệp và bán thất nghiệp đã và đang trở thành vấn đề lớn vì khả năng tạo ra việc làm cho lao động nông thôn còn hạn chế. Tất cả các nhân tố này cùng với khoảng cách về thu nhập giữa thành thị và nông thôn đã sinh ra các dòng di cư từ nông thôn ra thành thị. Cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đang tiếp diễn ở Việt Nam, khu vực thành thị sẽ tiếp tục được mở rộng, trong khi nông thôn ngày càng bị thu hẹp. Việc xuất hiện các dòng di cư lao động lớn từ nông thôn ra thành thị là điều không tránh khỏi.
Thực tế, di cư lao động là nhân tố tích cực trong việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế hộ gia đình và góp phần vào công cuộc xói đói,giảm nghèo ở nông thôn. Quá trình di cư từ nông thôn ra đô thị đã tạo điều kiện cho người di cư có thêm cơ hội được tiếp xúc với công nghiệp hóa - đô thị hóa hiện đại. Người lao động tiếp thu nhiều kiến thức mới từ thực tiễn lao động, ứng dụng các thành tựu về khoa học - kỹ thuật vào phục vụ sản xuất có ý nghĩa không chỉ nâng cao năng suất lao động mà còn nâng cao trình độ,kỹ năng cho người nông dân, giúp họ giảm bớt thời gian lao động và có điều kiện nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe.
Di cư lao động nông thôn góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của các gia đình nông thôn. Ảnh: Internet.
Mặt khác, di cư nông thôn - đô thị còn góp phần giảm sức ép về ruộng đất, lao động dư thừa, đồng thời phát triển và hình thành các loại hình dịch vụ đa dạng, năng động đáp ứng nhu cầu về sức lao động của nền kinh tế thị trường. Ngoài việc nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho gia đình, học hỏi được nghề mới, những kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, di cư nông thôn - đô thị còn có vai trò truyền tải các thang giá trị mới về nông thôn.
Như vậy, di cư trên thực tế đã thúc đẩy quá trình luân chuyển giữa nông thôn - đô thị, tạo ra những nhu cầu và lối sống mới ở làng quê, đồng thời góp phần tăng thu nhập, tạo nền tảng để phát triển kinh tế và thúc đẩy sự nghiệp đổi mới nông thôn. Đây được xem là một giải pháp hữu hiệu trong việc giải quyết bài toán kinh tế cho gia đình ở nông thôn trong giai đoạn hiện nay.
Theo kết quả nghiên cứu “Lao động di cư ở nông thôn miền Trung Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa,hiện đại hóa” cho thấy, di cư lao động cũng làm xuất hiện sự thiếu hụt lao động có tính chất thời điểm và ở những loại hình công việc nhất định. 90% người được hỏi cho rằng di cư lao động ở địa phương họ ngày càng tăng, gây khó khăn đối với phát triển kinh tế của địa phương. Cụ thể di cư lao động sẽ dẫn đến thiếu hụt lực lượng lao động 61.4%, thiếu người quản lý 10.0%, thiếu người có kinh nghiệm và kỹ năng 12.8%[1].Do đó, khu vực đô thị trở nên ngày càng quá tải còn nông thôn thì ngày một trống trải, ruộng đồng hoang hóa.
Di cư lao động từ nông thôn ra thành thị gây nên tình trạng quá tải đối với đời sống của thành thị. Ảnh: Internet.
Tác động của di cư đối với cộng đồng được nhận biết theo nhiều khía cạnh. Di cư vừa có tác động tích cực nhưng cũng vừa tác động tiêu cực đến sự phát triển cộng đồng. Về mặt tích cực, di cư lao động có thể làm giảm áp lực lao động, tăng thu nhập của hộ gia đình và tạo ra nhu cầu tiêu dùng lớn hơn ở địa phương, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, đầu tư và mở rộng kinh doanh ở địa phương bằng nguồn tiền được gửi về.
Di cư lao động có những tác động tiêu cực như gây ra sự thiếu hụt lao động trong thời gian căng thẳng mùa vụ, con cái của người di cư lao động không được chăm sóc đầy đủ, tệ nạn xã hộigia tăng, truyền thống văn hóa có thể bị mai một,... Có nhiều gia đình ông bà tuy tuổi đã cao vẫn phải làm lụng để nuôi cháu thay con. Nhiều gia đình có người di cư lao động thành công, gửi tiền về cho gia đình, xây dựng nhà cửa, nhưng những đứa trẻ lại thiếu đi tình thương từ cha mẹ. Phần lớn người dân đều cho rằng khi có người thân đi di cư lao động thì việc chăm sóc giáo dục con cái không thuận lợi như trước, con cái thường bỏ học giữa chừng hoặc học hành xa sút so với trước khi cha mẹ đi làm ăn xa.
Con cái của người di cư lao động không được chăm sóc đầy đủ do thiếu tình thương của cha mẹ. Ảnh: Internet.
Để phát huy mặt tích cực và khắc phục, hạn chế tác động tiêu cực của vấn đề di cư lao động, nhất thiết phải thực hiện đồng bộ những giải pháp căn bản:
Một là, phảicó chính sách phát triển nông thôn, tạo cơ hội cho nông dân chuyển đổi nghề. Xây dựng quy hoạch vùng kinh tế - xã hội, bảo đảm thống nhất không gian kinh tế giữa các tỉnh trong một vùng. Tiến hành quy hoạch tổng thể gắn đô thị với nông thôn, công nghiệp với nông-lâm-ngư nghiệp.
Hai là, tạo điều kiện hỗ trợ các hộ gia đình ở nông thôn để họ phát triển kinh tế gia đình, kinh tế tư nhân. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng bởi thực tế có nhiều cá nhân, hộ gia đình hiện nay đang còn thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm làm kinh tế. Cần đẩy mạnh phát triển kinh tế tạo việc làm tại chỗ cho người lao động, phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đây là mô hình, nếu phát triển được thì sẽ giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, hơn nữa các ngành nghề này có nhu cầu lao động lớn. Khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến làm ăn.
Tạo thêm việc làm cho lao động tại nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng để người lao động ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập ở địa bàn nông thôn. Ảnh: Internet.
Ba là, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Mở rộng và phát triển các loại hình đào tạo dạy nghề cho người lao động nhằm gia tăng số lượng cũng như nâng cao chất lượng nguồn lao động. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề nghiệp cùng với hệ thống dạy nghề chính quy, khuyến kích các cá nhân, tổ chức xã hội, doanh nghiệp cùng tham gia.
Bốn là, lựa chọn các điểm, cụm công nghiệp địa phương cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh doanh hộ gia đình để từ đó ưu tiên đầu tư hạ tầng về đường, điện cho sản xuất. Đặc biệt ưu tiên, hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến của hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân. Nhà nước nên chuyển các khu công nghiệp ra xa các khu đô thị quá đông đúc, tiến hành xây dựng mức thuế đất đai cao ở các đô thị lớn và thấp ở các vùng nông thôn để kéo nông nghiệp về nông thôn.
Năm là, xây dựng và phát triển trung tâm giới thiệu việc làm, tư vấn việc làm, là cầu nối giữa các doanh nghiệp với người lao động. Các tổ chức đoàn thể ở địa phương như hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên chung tay cùng chính quyền địa phương định hướng nghề nghiệp cho người lao động. Tạo điều kiện cho người lao động tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đồng thời thực hiện có hiệu quả chính sách xóa đói, giảm nghèo, các chương trình cho vay vốn trợ cấp đối với người lao động có hoàn cảnh khó khăn…
Như vậy, di cư lao động là một yếu tố đóng góp quan trọng và không thể thiếu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Di cư chính là cơ hội thúc đẩy sự phát triển đồng đều và rộng khắp, làm giảm sự khác biệt vốn có giữa các vùng, thông qua việc đáp ứng phần lớn nhu cầu lao động cho phát triển công nghiệp và đầu tư nước ngoài sau khi có chính sách Đổi Mới. Tuy nhiên khi nhìn nhận và đánh giá tác động hay ảnh hưởng của di cư lao động đến phát triển nông thôn hiện nay, cần phải nhìn nhận và nhấn mạnh đến yếu tố trong sản xuất nông nghiệp. Đây là vấn đề cần được xem xét, có những giải pháp cụ thể để vừa thúc đẩy nông thôn phát triển một cách bền vững, vừa tạo ra môi trường thuận lợi cho người di cư, cho các hộ gia đình và xã hội.
[1]Lê Thị Kim Lan (Chủ biên), Lao động di cư ở nông thôn miền Trung Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa,hiện đại hóa, Nxb Đại học Huế, 2011.
Văn Trường