Tàu Latouche-Tréville - con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ Bến cảng Nhà Rồng ngày 5/6/1911. Ảnh tư liệu
Câu chuyện lịch sử hôm nay sẽ điểm lại những quốc gia Người in dấu chân trong cuộc đời hoạt động cách mạng không mệt mỏi.
1. Cộng hoà Singapore (1911, 1930, 1933)
- Lần 1: Ngày 8-6-1911: Theo tàu Amiral Latouche Tréville, Nguyễn Tất Thành ghé cảng Singapore;
- Lần 2: Tháng 4-5/1930: Theo sự phân công của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Singapore;
- Lần 3: Tháng 1-1933: Sau khi được trả tự do, ngày 12-1-1933, Nguyễn Ái Quốc từ Hồng Kông (Trung Quốc) đi Anh qua Singapore, nhưng đến Singapore thì bị cảnh sát tại đây bắt quay trở lại Hồng Kông.
2. Cộng hoà xã hội chủ nghĩa dân chủ Sri Lanka (1911,1928)
- Lần 1: Ngày 14-6-1911: Nguyễn Tất Thành ghé cảng Côlômbô của Sri Lanka khi làm phụ bếp trên tàu Amiran Latusơ Tơrêvin;
- Lần 2: Cuối tháng 6-1928: Trong hành trình về gần Tổ quốc, Nguyễn Ái Quốc từ nước Đức, qua Thụy Sĩ, sang Italia rồi từ cảng Napôli (Napoli), đáp tàu Nhật Bản đi Xiêm. Trên đường đi, Người dừng lại ở Sri Lanka ít ngày, ẩn danh là một thành viên của đoàn thủy thủ và ở khách sạn ngày nay mang tên “Thắng Lợi”, tới thăm tỉnh Candi.
3. Cộng hoà Arập Ai Cập (1911, 1946)
- Lần 1: Ngày 30-6-1911: Khi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp trên tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, ghé vào cảng Xaít của Ai Cập;
- Lần 2: Ngày 7 đến 10-6-1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm Cairô trên đường sang thăm Cộng hòa Pháp.
4. Cộng hoà Pháp (1911, 1912, 1913, 1917-1923, 1927, 1946)
Nước Pháp là nơi chứng kiến nhiều bước ngoặt trong hành trình cứu nước của Nguyễn Ái Quốc. Sau này, khi làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã trở lại thăm nước Pháp. Người đã sống, hoạt động và thăm nhiều thành phố, địa điểm của Pháp.
- Lần 1: Tháng 7-1911, sau một tháng vượt biển, tàu Amiran Latusơ Tơrêvin đến thành phố Marseille – đầu mối giao thông quan trọng của Pháp với các nước ở Á, Phi và nhiều nước châu Âu. Tại đây, Người đã sống những ngày đầu tiên trên đất Pháp. Ngày 15-7 Nguyễn Tất Thành tới hải cảng Le Havre, rồi đến hải cảng Đoongkéc (Dunkerque) trên bờ biển Măngsơ theo hành trình của tàu.
- Lần 2: Năm 1913, Nguyễn Tất Thành theo tàu rời Mỹ trở về Le Havre;
- Lần 3: Từ năm 1917 đến ngày 13-6-1923, Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp để có điều kiện trực tiếp tham gia phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp. Người đã sống và làm việc tại thủ đô Paris.
- Lần 4: Trung tuần tháng 11-1927: Nguyễn Ái Quốc được Quốc tế Cộng sản cử đi Pháp; Người rời Mátxcơva (Liên Xô) đi Đức và sau đó bí mật sang Pháp.
Năm 1912, Nguyễn Tất Thành làm thuê cho một chiếc tàu của hãng Sácgiơ Rêuyni rời Pháp đi vòng quanh châu Phi, châu Mỹ tới Hoa Kỳ. Hành trình qua các nước châu Phi, châu Mỹ chính là cuộc khảo sát thực tế của Nguyễn Tất Thành. Khi trở lại Pháp năm 1917, Người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Tất Thành có cơ sở so sánh những gì xảy ra ở Pháp, đây cũng chính là những bài học thực tế vô cùng quan trọng để sau này Nguyễn Ái Quốc viết nhiều bài báo nổi tiếng tố cáo tội ác của đế quốc thực dân gây ra cho nhân dân các nước thuộc địa. Năm 1912, theo hành trình con tàu của hãng Sácgiơ Rêuyni, Nguyễn Tất Thành đã ghé vào đảo Réunion, một đảo nằm trong Ấn Độ Dương, là một vùng hải ngoại của Pháp. Cùng năm đó, Nguyễn Tất Thành ghé vào đảo Martinique – một hòn đảo nằm ở phía Đông vùng biển Caribe, là một trong các vùng hải ngoại thuộc Pháp. Năm 1918, Nguyễn Tất Thành đã trở lại Réunion thăm Cựu Hoàng đế Thành Thái đang bị Thực dân Pháp an trí tại đây.
5. Cộng hoà Djibouti (1912): Người ghé vào theo hành trình của tàu.
6. Vương quốc Tây Ban Nha (1912): Ghé vào theo hành trình của tàu.
7. Cộng hoà Bồ Đào Nha (1912): Ghé vào theo hành trình của tàu.
8. Cộng hoà Algeria Dân chủ và Nhân dân (1912):
- Lần 1: Năm 1912: Nguyễn Tất Thành ghé vào theo hành trình con tàu của hãng Sácgiơ Rêuyni;
- Lần 2: Ngày 11-6-1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé đến thăm tỉnh Biskra trên đường sang thăm Cộng hòa Pháp.
9. Cộng hoà Tunisian (1912): Ghé vào theo hành trình con tàu của hãng Sácgiơ Rêuyni.
10. Cộng hoà Senegal (1912): Ghé vào theo hành trình của tàu.
11. Cộng hoà Benin (1912): Ghé vào theo hành trình của tàu.
12. Cộng hoà Cameroon (1912): Ghé vào theo hành trình của tàu.
13. Cộng hoà Congo (1912): Ghé vào theo hành trình của tàu.
14. Cộng hòa Argentine (1912): Người ghé vào theo hành trình của tàu.
15. Cộng hòa Uruguay (1912): Ghé vào theo hành trình của tàu.
16. Cộng hòa Liên bang Brazil (1912): Ghé vào theo hành trình của tàu.
17. Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (1912-1913): Theo hành trình con tàu của hãng Sácgiơ Rêuyni, Nguyễn Tất Thành dừng lại ở Hoa Kỳ cuối năm 1912. Tại đây, Người đã đến một số địa điểm như: Thành phố New York (Quận Brooklyn, thăm Tượng Nữ thần tự do ở Bến cảng New York, Khu Harlem); thành phố Boston.
18. Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (1913-1917): Cuối năm 1913, Nguyễn Tất Thành theo tàu rời Mỹ trở về Le Havre (Pháp) sau đó sang Anh, với mục đích để học tiếng Anh và để nghiên cứu vương quốc được mệnh danh là “Mặt trời không bao giờ lặn” . Một số địa điểm ở London có liên quan đến cuộc sống lao động và học tập của Nguyễn Tất Thành như: Khách sạn Đraytơn Cơớc, sở tìm việc ở Sôhô – thủ đô Luân đôn, khách sạn Cáclơtơn (Carlton), Công viên Haiđơ (Hyde Park), Thư viện Anh, sông Thami, nhà số 8 đường Xtêphen Tôttenham, nhà số 10 quảng trường Oocsat, Thị trấn New Haven.
19. Cộng hoà Liên bang Đức (1919, 1920, 1923, 1927-1928, 1957)
- Lần 1: Cuối tháng 9-1919: Nguyễn Ái Quốc cùng với Luật sư Phan Văn Trường sang Đức rồi trở về Pháp vào khoảng giữa tháng 10-1919;
- Lần 2: Đầu những năm 1920, khi tham gia Hội Du lịch ở Pháp, Người đi thăm một số nước trong đó có Đức.
- Lần 3: Ngày 16-6-1923, Nguyễn Ái Quốc đến Berlin trong hành trình từ Pháp sang Liên Xô. Tại Berlin, Nguyễn Ái Quốc được Cơ quan đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên Bang Nga tại Đức cấp cho giấy đi đường và thị thực nhập cảnh vào nước Nga, Sở cảnh sát Berlin cấp Giấy phép tạm trú và đi lại trên lãnh thổ Đức. Cuối tháng 6-1923, Nguyễn Ái Quốc rời Đức từ cảng Hămbuốc để đi Pêtơrôgrát (Liên Bang Nga);
- Lần 4: Tháng 12-1927: Nguyễn Ái Quốc bí mật quay trở lại Đức và nhận làm phóng viên cho tờ báo Thế giới (Die Welt). Được Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản ra quyết định đồng ý để Người trở về Đông Dương, đầu tháng 6-1928, Nguyễn Ái Quốc rời nước Đức bắt đầu cuộc hành trình về gần Tổ quốc. Từ Đức, Người qua Thuỵ Sĩ rồi sang Italian;
- Lần 5: Ngày 25-7-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Berlin, mở đầu chuyến thăm hữu nghị nước Cộng hòa Dân chủ Đức.
20. Cộng hoà Italia (1920, 1928)
- Lần 1: Năm 1920, trong thời gian hoạt động ở Pháp, ngoài tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ Phôbua, Nguyễn Ái Quốc còn tham gia các Hội nghệ thuật và khoa học, Hội những người bạn của nghệ thuật, Hội Du lịch…. Người đi tham quan nhiều nơi ở Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Đức. Tại Italia, Người đã đến thăm tòa thánh Vaticăng, nhà thờ thánh Pie (Pierre), Viện bảo tàng Vaticăng…
- Lần 2: Năm 1928, trên đường từ Đức về Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã đi qua Italia, Người ghé vào Hội chợ Milan (Milano), quán ăn Tơráttôria Laposa (Trattoria Laposa)….. Đến cuối tháng 6 năm 1928, Người từ cảng Napoli đáp tàu Nhật Bản đi Xiêm.
21. Liên bang Thụy Sĩ (1920, 1928)
- Lần 1: Năm 1920, khi tham gia Hội Du lịch ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đi thăm một số nước trong đó có Thụy Sĩ;
- Lần 2: Tháng 6-1928, trên hành trình từ Đức trở về nước, Nguyễn Ái Quốc ghé qua Thụy Sĩ.
22. Liên bang Nga (1923-1924, 1927, 1934-1938, 1950, 1952, 1955, 1957, 1959, 1960, 1961, 1962)
Liên Xô là trung tâm của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trong hành trình tìm đường cứu nước, Liên Xô chính là địa điểm mà Nguyễn Ái Quốc đã khát khao được đến nhất. Những năm tháng Người học tập và hoạt động cách mạng ở Liên Xô: 1923-1924; 1927; 1934-1938 là những năm tháng ghi nhớ trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.
- Lần 1: Ngày 30-6-1923: Nguyễn Ái Quốc đến cảng Pêtơrôgrat. Đây là lần đầu tiên Người đặt chân lên mảnh đất của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết. Sau đó Người đến Matxcơva tham dự Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân và sôi nổi tham gia nhiều hoạt động cách mạng. Đến tháng 10-1924, Nguyễn Ái Quốc trở về Quảng Châu (Trung Quốc) tiếp tục hoạt động;
- Lần 2: Tháng 5-1927: Nguyễn Ái Quốc rời Quảng Châu đi Hồng Kông, đến Thượng Hải. Sau đó đáp tàu từ Thượng Hải đi Vlađivôxtốc (Liên Xô) rồi đến Matxcơva và làm việc trong Quốc tế Cộng sản;
- Lần 3: Tháng 7-1934 đến tháng 10- 1938: Sau khi được xử trắng án tại vụ án Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc lưu lại Trung Quốc một thời gian, đến tháng 7-1934, Nguyễn Ái Quốc tới Matxcơva. Người chính thức được nhận vào học Trường Quốc tế Lênin năm học 1934-1935, sau đó vào làm nghiên cứu sinh và giáo viên thỉnh giảng của Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc thuộc địa. Đến tháng 10-1938, Nguyễn Ái Quốc đáp xe lửa ở ga Iarôxlapxki rời Matxcơva đi về phương Đông;
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, từ tháng 2 năm 1950 đến tháng 6 năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và làm việc Liên Xô thêm 11 lần nữa.
23. Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (1924-1927, 1929, 1930-1934, 1938-1941,1942, 1945, 1950, 1954, 1955, 1957, 1958, 1959, 1960, 1961, 1962, 1963, 1964, 1965, 1966, 1967, 1968)
Trung Quốc là nước láng giềng có chung biên giới với Việt Nam. Từ khi cách mạng Việt Nam chưa có Đảng Cộng sản lãnh đạo, Nguyễn Ái Quốc đã sáng suốt lựa chọn địa điểm hoạt động ở miền Nam Trung Quốc giáp biên giới với Việt Nam. Trung Quốc là một trong những nước Nguyễn Ái Quốc sống và hoạt động lâu nhất. Sau này khi trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhiều lần sang thăm Trung Quốc.
- Lần 1: Từ ngày 11-11-1924 đến tháng 5-1927: Địa điểm đầu tiên trên đất Trung Quốc mà Nguyễn Ái Quốc đặt chân tới là thành phố Quảng Châu. Đây là thời kỳ diễn ra nhiều sự kiện quan trọng đối với cách mạng Việt Nam: Thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra báo Thanh niên, mở các lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ, nhằm chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930;
- Lần 2: Ngày 23-12-1929: Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm (Thái Lan) đến Hồng Kông (Trung Quốc) chuẩn bị cho Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản Việt Nam. Tại đây, từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2-1930, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thông qua những văn kiện chính thức của Đảng: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt… do Người khởi thảo;
- Lần 3: Cuối tháng 5-1930: Nguyễn Ái Quốc từ Singapore trở lại Hồng Kông và Người tiếp tục hoạt động tại Trung Quốc. Đến 6-6-1931, Nguyễn Ái Quốc trong tên gọi Tống Văn Sơ bị cảnh sát Hồng Kông bắt giữ. Sau khi được trả lại tự do, Người đã bí mật sống ở Phúc Kiến, Thượng Hải. tháng 6-1934, Tống Văn Sơ rời Thượng Hải sang Liên Xô;
- Lần 4: Năm 1938-1941: Cuối năm 1938, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô tới Trung Quốc, đầu tiên Người đến Văn phòng Lan Châu của Giải phóng quân Trung Quốc rồi từ đó đi Tây An, sau đó đến Diên An, Trùng Khánh, Quế Lâm, Quảng Tây nhằm tìm được con đường trở về nước lãnh đạo phong trào cách mạng. Ngày 28-1-1941 Người qua mốc biên giới Việt – Trung số 108, trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba nước ngoài;
Từ năm 1942 đến năm 1958, Hồ Chí Minh 10 lần sang Trung Quốc hoạt động cách mạng, thăm và làm việc Trung Quốc trong cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó đáng kể nhất là việc Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam từ 8/1942 đến tháng 9-1943.
Từ năm 1959-1968: Hằng năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có các chuyến thăm, làm việc hoặc nghỉ dưỡng tại Trung Quốc.
24. Nhật Bản: Năm 1924, con tàu chở Nguyễn Ái Quốc từ Vlađivôxtốc (Liên Xô) đi Quảng Châu (Trung Quốc) ghé cảng Mốt Di của Nhật Bản.
25. Vương quốc Bỉ: Tháng 12 năm 1927, nhận sự phân công của Quốc tế Cộng sản, từ Pháp Nguyễn Ái Quốc đi dự cuộc họp của Đại hội đồng của Liên đòan chống đế quốc tại Brucxen (Bỉ).
26. Vương quốc Thái Lan (1928-1929, 1930)
- Lần 1: Năm 1928: Nguyễn Ái Quốc đến hoạt động ở Thái Lan từ tháng 7-1928 đến tháng 11-1929. Người đến Băng Kốc với tên gọi Nguyễn Lai. Sau đó, Người đã đi làm công tác vận động Việt kiều tại nhiều tỉnh miền Trung và Đông Bắc Thái Lan.;
- Lần 2: Tháng 4-1930: Người tới Thái Lan làm nhiệm vụ của Quốc tế Cộng sản giao.
27. Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào (1928-1929): Trong thời gian hoạt động ở Xiêm (Thái Lan), Nguyễn Ái Quốc đã ít nhất hai lần từ Xiêm vượt sông Mêkông sang Lào (Xavẳnnakhệt, Khămmuộn) để nghiên cứu tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của nhân dân Lào, của bà con Việt kiều và khảo sát thực địa để tìm đường bí mật qua Lào về hoạt động tại Việt Nam.
28. Malaysia: Năm 1930, Nguyễn Ái Quốc đến Malaysia làm nhiệm vụ do Quốc tế Cộng sản giao.
Qúa trình hoạt động quốc của lãnh tụ Hồ Chí Minh là quá trình khảo nghiệm thực tiễn, nghiên cứu lý luận cách mạng thế giới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, gắn kết cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, cũng là quá trình Người làm lan tỏa tinh thần, ý chí, khát vọng, phẩm giá và bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới!
Bình Thi