Bão Yagi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người trồng rừng Bắc Giang
Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang, tính đến ngày 22/9/2024, bão số 3 đã làm 37.501 ha rừng (chủ yếu là rừng keo và bạch đàn) của hàng chục nghìn chủ rừng bị đổ, gãy. Trong đó, huyện Sơn Động bị thiệt hại nặng nhất với diện tích 18.377 ha rừng bị tàn phá; huyện Lục Ngạn mất hơn 12.322 ha; huyện Lục Nam thiệt hại hơn 5.556 ha. Nhìn rừng keo gần 3 năm tuổi của gia đình đang trong thời kỳ phát triển nay bị gió bão quật gẫy trắng cả quả đồi, ước tính thiệt hại gần 1 tỷ đồng, ông Vũ Văn Tĩnh ở thôn Hiệp Reo, xã Vĩnh An, huyện Sơn Động mất ăn mất ngủ vì nguồn thu nhập chính gần như mắt trắng. Gia đình đang tập trung tận thu, vớt vát được phần nào hay phần đó. Ông Tĩnh tâm sự, trước cơn bão, gia đình đang bán lâm sản với giá từ 1.100 - 1.150 đồng/kg, bây giờ bị đổ, keo đẹp cũng chỉ bán được với giá 800 đồng/kg.
Nhiều diện tích rừng trồng bị gẫy đổ phải chặt để trồng thay thế
Cũng tại thôn Hiệp Reo, hơn 4 ha cây bạch đàn của gia đình bà Phan Thị Canh cũng bị bão tàn phá. Vì chưa đủ tuổi khai thác nên một số diện tích cây bị gẫy buộc phải chặt bỏ, còn những cây bật gốc đổ rạp xuống đất, gia đình đang cố gắng tự khắc phục: cây nào sống thì trồng, cây nào không sống thì phải chặt đi trồng lại. Bà Vi Thị Yên, Phó Trưởng thôn Hiệp Reo cho biết: thu nhập của bà con chỉ trông mong vào vườn keo, vườn bạch đàn, các hộ đều vay tiền ngân hàng để trồng rừng. Thế nhưng cơn bão vừa qua gây thiệt hại rất lớn. Nhiều cánh rừng bị thiệt hại nặng nề không thể tận thu, ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của người dân trong thời gian dài sau này.
Khẩn trương giúp dân khắc phục thiệt hại
Để phục hồi diện tích rừng kinh tế phải mất chu kỳ 5 năm, nghĩa là đến năm 2029 mới có thể bắt đầu khai thác gỗ ở rừng trồng, đồng nghĩa với việc những năm tới, nhiều xưởng gỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang sẽ gặp khó về nguyên liệu để chế biến. Trong khi đó, lượng cây bị gẫy, đổ đang khó tiêu thụ vì chính các nhà máy, xưởng chế biến gỗ cũng đang phải tập trung khắc phục thiệt hại do bão. Trước thực trạng trên, tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều giải pháp nhằm sớm ổn định lại tình hình. Ngày 15/9/2024, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Giang có văn bản hỏa tốc gửi các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đánh giá thiệt hại và đề xuất hỗ trợ do cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra. Ngày 16/9/2024, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu tập trung chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.
Theo đó, đối với diện tích rừng bị thiệt hại nhẹ, số cây còn lại đủ tiêu chí thành rừng thì chỉ tận thu những cây bị gẫy, đổ bật gốc; phát bớt cành, lá, dựng, níu cây nghiêng, đổ; lèn chặt gốc để cây rừng tiếp tục sinh trưởng. Đối với rừng trồng của chủ rừng tự đầu tư thì chủ rừng quyết định việc khai thác, tận dụng, tận thu gỗ và lâm sản theo quy định. Chủ rừng có trách nhiệm trồng lại rừng ngay vụ kế tiếp. Diện tích rừng trồng có cây bị đổ, gẫy hoàn toàn hoặc số cây còn lại không bảo đảm tiêu chí thành rừng, thì khai thác, tận thu toàn bộ số cây để trồng lại rừng mới; riêng với diện tích rừng trồng bạch đàn chu kỳ 1, khi khai thác, tận thu nghiên cứu điều kiện cụ thể có thể kinh doanh chồi bằng biện pháp cắt gốc cây sát mặt đất (gốc chừa lại ≤ 10cm). Đối với rừng trồng do Nhà nước đầu tư (rừng trồng là rừng sản xuất, phòng hộ, đặc dụng), tổ chức lập hồ sơ, đánh giá mức độ thiệt hại, thực hiện việc khai thác, tận dụng, tận thu lâm sản theo quy định ngay khi điều kiện thời tiết thuận lợi; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang, sẽ có 33.592 ha/37.501 ha rừng bị thiệt hại được hỗ trợ (thiệt hại trên 70%, mức hỗ trợ 4,0 triệu/ha; thiệt hại từ 30% -70%, mức hỗ trợ 2,0 triệu/ha), với mức dự kiến hỗ trợ là 94,3 tỷ đồng.
Những diện tích chỉ bị đổ, bật gốc người dân tiến hành phát bớt cành, lá, dựng, níu lại cây
UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo tuyên truyền, vận động các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn không để xảy ra tình trạng ép giá lâm sản. Các cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp rà soát lại số lượng, chủng loại cây giống hiện có; xác định nhu cầu và khả năng cung ứng cây giống để lập phương án sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp phục vụ trồng lại rừng bị thiệt hại. Khẩn trương khắc phục, sửa chữa các hạng mục vườn ươm; tiêu độc khử trùng vườn ươm để đưa vào sản xuất. Thực hiện các biện pháp kỹ thuật khơi rãnh thoát nước, phun thuốc phòng, chống nấm bệnh, không để ảnh hưởng đến số cây giống hiện còn tại vườn ươm. Triển khai ngay công tác sản xuất cây giống có chất lượng, bảo đảm số lượng, đủ cung cấp cây giống lâm nghiệp cho công tác trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán trong năm 2024 và 2025. Cùng với đó, lựa chọn loài cây trồng, các biện pháp kỹ thuật lâm sinh phục hồi rừng, trồng lại rừng cho từng loại rừng theo đúng quy định. Đối với rừng sản xuất lựa chọn loài cây trồng phù hợp với mục đích kinh doanh.
Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố chủ động, phối hợp với các phòng, ban của huyện và UBND các xã, thị trấn thực hiện công tác thống kê diện tích rừng, diện tích vườn ươm bị thiệt hại, mức độ thiệt hại làm cơ sở để UBND các huyện, thành phố báo cáo theo quy định. Tuyên, truyền, hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình cá nhân sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp kịp thời khắc phục các hậu quả sau bão gây ra, xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh cây giống bảo đảm cung cấp đủ cây giống lâm nghiệp có chất lượng phục vụ cho trồng rừng, trồng cây phân tán năm 2024 và 2025.
Hoàng Văn