Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế địa phương
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp đa dạng, bao gồm trồng cây ăn quả, vật nuôi, trồng rừng kinh tế và nuôi trồng thủy sản, người dân Bắc Giang đã sản xuất và sáng tạo nhiều đặc sản ẩm thực như: Vải thiều, cam, bưởi Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, rượu làng Vân, xôi trứng kiến Sơn Động... Bên cạnh đó, tỉnh có hàng trăm di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề truyền thống, làng quan họ cổ với nét văn hóa riêng và các danh thắng, hồ đập, rừng nguyên sinh... Nhiều công trình văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, nổi tiếng, tiêu biểu như: Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), những di tích lịch sử về cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang. Đặc biệt, tỉnh có 5 di sản văn hóa được UNESCO công nhận là: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm; Dân ca Quan họ; Ca trù; Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Đó là những tiềm năng thuận lợi cho phát triển du lịch thiên nhiên - nông nghiệp sinh thái - văn hóa cộng đồng.
Những năm gần đây, ở Bắc Giang đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch cộng đồng. Điển hình như mô hình của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông nghiệp và Thương mại du lịch sinh thái Giáp Sơn (Giáp Sơn, Lục Ngạn), ngoài việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới giúp tăng năng suất, chất lượng, xây dựng và củng cố thương hiệu vải thiều, HTX còn thường xuyên phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tổ chức các sự kiện nhằm thu hút du khách đến thăm quan trải nhiệm, như tổ chức trình diễn thời trang trong vườn vải thiều của gia đình ông Trần Văn Hành, thôn Chão, xã Giáp Sơn. Sự kiện thu hút hàng nghìn lượt người tham dự, đồng thời đây được xem là mô hình “đưa chợ về vườn” đối với đặc sản vải thiều Lục Ngạn. Khi đến đây, du khách có thể giao lưu văn hóa, văn nghệ và nghỉ lại qua đêm, mua sản phẩm phái sinh từ trồng vải như mật ong, giấm vải... Vào mùa vải ra hoa, có dịch vụ cắm trại tại thung lũng hoa vải và trải nghiệm công đoạn quay mật ong hoa vải. Quả vải thiều còn được bán "nguyên cây" giúp tăng giá trị cây vải. Phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch vườn là cách đưa chợ về vườn thay vì phải mang sản phẩm ra chợ.
Chương trình biểu diễn thời trang mang tên "The Art Of Lychee" trong vườn vải thiều của gia đình ông Trần Văn Hành, thôn Chão, xã Giáp Sơn
(Nguồn: baobacgiang.vn)
Tiếp đến là mô hình liên kết sản xuất, chế biến chè xanh Bản Ven gắn với dịch vụ du lịch cộng đồng, giáo dục trải nghiệm của HTX Thân Trường (Yên Thế). HTX đã đầu tư xây dựng 7 nhà sàn cộng đồng, 3 khu chức năng, vườn và xưởng sản xuất chè cùng nhiều hạ tầng thiết yếu khác, công suất phục vụ là 1.500 khách/ngày (phục vụ ăn trưa) và 500 khách lưu trú qua đêm. Nhờ có nhãn hiệu chè xanh Bản Ven, giá bán của sản phẩm tăng 30-50%. Khi phát triển du lịch, đường giao thông được nâng cấp, cảnh quan môi trường sạch đẹp hơn, các gia đình đều chỉnh trang nhà cửa để thu hút du khách. Người dân có thêm khoản thu từ dịch vụ tham quan, trải nghiệm hái chè, xem biểu diễn văn nghệ.
Du lịch sinh thái Bản Ven (xã Xuân Lương, huyện Yên Thế) thu hút đông đảo khách du lịch.
Ảnh: nongnghiep.vn
Triển khai nhiều giải pháp gỡ khó
Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái hiện nay ở Bắc Giang vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều địa phương chưa khai thác hết tiềm năng, mô hình sản xuất còn ít và quy mô còn nhỏ. Nông dân vẫn chưa đầu tư nhiều vào công nghệ tự động hóa và chuyển đổi số. Các chương trình khuyến nông gắn với du lịch sinh thái cộng đồng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Du lịch sinh thái chưa được triển khai một cách bài bản và thiếu sự tương tác của cộng đồng địa phương...
Để kịp thời gỡ khó, nhiều giải pháp đã được tỉnh đưa ra, như tăng cường xây dựng và quảng bá thương hiệu "Travel Shopping" cho sản phẩm nông nghiệp du lịch. Thúc đẩy việc hoàn thiện quy hoạch du lịch cho các vùng đất nông nghiệp được phép làm du lịch, từ đó tận dụng tài nguyên cho phát triển du lịch và nông nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho sự kết hợp và tương tác giữa hai ngành. Đào tạo, nâng cao nhận thức về du lịch nông nghiệp cho người dân địa phương. Khuyến khích việc đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp tại các điểm du lịch bao gồm trang trại, vườn cây, khu chế biến nông sản địa phương. Xây dựng định hướng phát triển du lịch nông thôn và tích hợp, bổ sung trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch nông thôn. Thúc đẩy liên kết nông thôn - đô thị trong phát triển du lịch, ưu tiên phát triển du lịch nông thôn ở những nơi có lợi thế về tài nguyên, kết nối với các khu vực động lực phát triển du lịch, trung tâm du lịch. Các địa phương có tiềm năng du lịch xây dựng đề án, chương trình hoặc kế hoạch phát triển du lịch.
Xây dựng các mô hình nông nghiệp với mục tiêu tập trung vào nông nghiệp hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp và kết hợp nông nghiệp với các dịch vụ (như du lịch trải nghiệm, dịch vụ bảo vệ môi trường, dịch vụ kinh doanh nông sản...). Ưu tiên xây dựng các mô hình gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng... Thúc đẩy đổi mới và đa dạng hóa các kênh thông tin và truyền thông khuyến nông bằng cách áp dụng công nghệ thông tin.
Hoàng Văn