Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là một trong năm nội dung quan trọng trong công tác cải cách hành chính nhằm đẩy mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2020-2025. Trên cơ sở chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong quản lý, điều hành, thể hiện quyết tâm đột phá trong cải cách hành chính. UBND tỉnh đã triển khai rà soát, cập nhập, sữa đổi, bổ sung, xây dựng khung pháp lý của tỉnh hỗ trợ xây dựng phát triển chính quyền điện tử các cấp.
Về nhân lực số: 100% sở, ban, ngành cấp tỉnh thực hiện kiện toàn Tổ Chỉ đạo Chuyển đổi số do đồng chí Thủ trưởng làm Tổ trưởng; 100% UBND huyện, thị xã, thành phố kiện toàn Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số do đồng chí Chủ tịch UBND cấp huyện làm trưởng ban. UBND Tỉnh đã kiện toàn Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2030.
Về hạ tầng số, nền tảng số và dữ liệu số: Hạ tầng viễn thông, trạm thu phát sóng thông tin di động và cáp quang internet băng thông rộng trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển với mục tiêu bảo đảm phủ sóng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. 100% trung tâm xã, phường, thị trấn có kết nối cáp quang internet. Mạng 3G, 4G phủ sóng trên 80% khu vực dân cư. Tỷ lệ điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng có kết nối internet cố định là 62,2%. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 68%; tỷ lệ hộ gia đình có người có điện thoại thông minh là 79%; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối internet cáp quang là 60%.
Trung tâm dữ liệu điện tử của tỉnh được triển khai phục vụ Chuyển đổi số theo hướng công nghệ điện toán đám mây, cơ bản đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật theo quy định, có kết nối với Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ theo mô hình do Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn; được vận hành cơ bản ổn định phục vụ triển khai, quản trị, vận hành, khai thác, ứng dụng 11 nền tảng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh.
Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình)
(Nguồn: baoquangbinh.vn)
Hệ thống mạng WAN của tỉnh đã hoàn thành đầu tư, triển khai đến 22 cơ quan cấp tỉnh và 08 UBND cấp huyện. Hệ thống hội nghị truyền hình chuyên dùng của tỉnh đã hoàn thành nâng cấp, mở rộng ứng dụng đến 151/151 xã, phường, thị trấn, bảo đảm kết nối thông suốt, phục vụ các hội nghị trực tuyến 4 cấp từ Trung ương đến xã.
Mô hình Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh, cấp huyện tiếp tục được nghiên cứu, triển khai thử nghiệm và xây dựng. Một số dịch vụ đô thị thông minh cơ bản đã và đang được phát triển, cung cấp, trong đó, từ tháng 11/2022 đã triển khai ứng dụng Hệ thống phần mềm dùng chung Tiếp nhận và xử lý phản ánh hiện trường của tỉnh (App QUANG BINH - S) trên địa bàn thành phố Đồng Hới.
Về chính quyền số: Tiếp tục triển khai, duy trì và cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh theo quy định của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông. Tổ chức nâng cấp, hoàn thiện, quản lý, vận hành và đẩy mạnh triển khai ứng dụng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh. Ngoài Cổng thông tin điện tử chính của UBND tỉnh, còn có 58 trang thông tin điện tử thành phần của cơ quan cấp tỉnh, 08 UBND cấp huyện, 151 UBND cấp xã. Cổng dịch vụ công/hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh đã công khai 922/922 thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp bằng hình thức dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), đạt tỷ lệ 100%, trong đó có 793 DVCTT toàn trình, 129 DVCTT một phần. Tỷ lệ DVCTT do tỉnh xây dựng được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 100% (796/796). Tỷ lệ DVCTT do tỉnh xây dựng phát sinh hồ sơ trực tuyến là 86,84%; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến của các DVCTT do tỉnh xây dựng là 71,23%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC là 50,12%.
Đã hoàn thành kết nối Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Hệ thống dịch vụ công liên thông của Bộ Công an để phục vụ triển khai 02 dịch vụ công liên thông. Tỷ lệ kết nối chế độ báo cáo, cung cấp thông tin, dữ liệu của tỉnh với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đạt 100%. Nhiều cơ quan, đơn vị của tỉnh tiếp tục xây dựng, nâng cấp hoặc nhận chuyển giao triển khai, duy trì ứng dụng các hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, như: Các phần mềm quản lý cầu - đường, quản lý đăng kiểm xe ô tô, quản lý tàu sông, quản lý giấy phép lái xe, quản lý phương tiện thông qua thiết bị giám sát hành trình, quản lý tài sản đường bộ, quản lý tài sản đường thủy...
Về kinh tế số, xã hội số: Kinh tế số và xã hội số tiếp tục phát triển. Các tổ chức, doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ hơn việc sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để đổi mới mô hình kinh doanh, tăng năng suất lao động. Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác là 88%. Tỷ lệ các hộ gia đình có địa chỉ số là 91,1%. Tỷ lệ cấp căn cước công dân gắn chip cho công dân đủ điều kiện có mặt trên địa bàn đạt 98,5%. Số lượng dân số ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân là 5.145 người, đạt 0,45%.
Ứng dụng số hóa để vận hành lưới điện 110kV ở Quảng Bình
(Nguồn: nhandan.vn)
Về an toàn thông tin mạng: UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dùng Internet trên địa bàn; quán triệt thực hiện các văn bản liên quan đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự của Trung ương, các hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và các quy chế quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, chuyên ngành của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống cơ sở vật chất ở một số địa phương trong tỉnh, đặc biệt là hệ thống hạ tầng thiết bị máy tính, kết nối mạng ở một số cơ quan, đơn vị vẫn thiếu về số lượng, kém về chất lượng. Trung tâm dữ liệu điện tử của tỉnh dù đã được quan tâm nâng cấp nhưng chưa đạt chuẩn; năng lực xử lý và lưu trữ dữ liệu chưa đáp ứng yêu cầu. Nguồn nhân lực đảm nhận việc phối hợp triển khai và tổ chức quản lý vận hành các hệ thống thông tin còn mỏng và yếu, đặc biệt ở cấp huyện, xã; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước về chuyển đổi số chưa được thường xuyên.
Thời gian tới, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục tập trung nâng cấp các hệ thống phần mềm trong cơ quan nhà nước, phát triển dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh số hóa các quy trình, hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Tiếp tục rà soát, đánh giá và triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, tránh lộ lọt thông tin; đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua việc ứng dụng đa đạng các kênh truyền thông, nâng cao nhận thức, hình thành văn hóa số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân.
Ngành Giáo dục-Đào tạo tỉnh Quảng Bình tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm đổi mới giáo dục
(Nguồn: baoquangbinh.vn)
Tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch... Đầu tư phát triển các nền tảng số, nền tảng thương mại điện tử, nền tảng truy xuất nguồn gốc... cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất kinh doanh, quản lý, giám sát chuỗi cung ứng sản phẩm...
Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin và nâng cao trình độ công nghệ của đội ngũ cán bộ, nhưng với các kết quả đã đạt được và những định hướng mang tính chiến lược của tỉnh, có thể kỳ vọng đến năm 2030, công tác chuyển đổi số của tỉnh Quảng Bình sẽ có những chuyển biến tích cực, từng bước đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội./.
Trương Thị Hoài - Trường Chính trị tỉnh Quảng Bình