Bình Phước là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Tây của Đông Nam Bộ, nối liền với Nam Tây Nguyên và là phần cuối của dãy Trường Sơn. Những bằng chứng khảo cổ đã chứng minh sự có mặt của người cổ sinh sống trên mảnh đất Bình Phước với niên đại cách đây từ 1.900 đến 2.000 năm. Thời Pháp thuộc và thời Mỹ - Ngụy, với những chính sách khai thác thuộc địa và cai trị của chúng, dân số bị ép buộc di cư vào Bình Phước rất đông. Sau ngày giải phóng, dân số của tỉnh tăng nhanh do người dân các địa phương khác đến xây dựng vùng kinh tế mới và di dân tự do. Hiện nay, với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, minh bạch, Bình Phước tiếp tục thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, người lao động đến đầu tư, làm việc, góp phần tăng dân số của tỉnh. Bình Phước là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước. Những truyền thống quý báu đó đã hun đúc nên giá trị cốt cách của người Bình Phước là “hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo’”. Những đặc tính nổi bật đó được thể hiện trong lối sống, sinh hoạt gia đình và cộng đồng, trong giao tiếp, ứng xử, trong văn hóa ẩm thực, vừa là niềm tự hào và giá trị truyền thống quý báu của người Bình Phước.
Chương trình văn nghệ lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, trí thức, nhà sáng tạo tiêu biểu, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực năm 2022 của tỉnh, diễn ra tại Đền thờ Vua Hùng, huyện Phú Riềng - Ảnh: Trương Hiện
(Nguồn: baobinhphuoc.com.vn)
“Hòa hợp” là thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp lại thành một khối thống nhất và sự hài hòa trong quan hệ xã hội. Đây là kết quả của sự giao thoa, tích tụ các giá trị văn hóa từ các vùng miền khác nhau, văn hóa của người Bình Phước thống nhất trong đa dạng, là kết tinh của các tộc người, là sự chọn lọc các giá trị văn hóa từ các miền quê, vùng miền trong cả nước. “Nghĩa tình” là thể hiện tinh thần nhân ái, thành thật, yêu thương, chia sẻ và sống tốt với nhau. Đây là sự phản ánh tình cảm son sắt, biết ơn của đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Bình Phước luôn chân thành, trước sau như một. “Tự cường” là thể hiện ý chí vươn lên, có khát vọng và niềm tin xây dựng phát triển đất nước, địa phương, cơ quan, gia đình và bản thân. Đây cũng là ý chí, tinh thần nghị lực, truyền thống của người Miền Đông gian lao, anh dũng. “Kỷ cương” là thể hiện nhận thức sống và làm việc theo Hiến pháp và phát luật, chấp hành tốt các quy định của Đảng và của tổ chức; sống trong sạch, không tham nhũng, tiêu cực và không tiếp tay, tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực. “Sáng tạo” là thể hiện tư duy, phong cách và năng lực làm việc hướng tới tạo ra những giá trị mới, tạo động lực cho sự phát triển hiệu quả của địa phương, đơn vị và cá nhân trên các lĩnh vực.
Ngày 20/11/2023, Tỉnh uỷ Bình Phước đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó xác định: “Xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện, có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam; đồng thời, phát huy mạnh mẽ các đặc tính nổi trội là hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo”[1]. Nghị quyết số 14-NQ/TU được ban hành là sự kế thừa, phát huy các phẩm chất văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam, những phẩm chất nổi trội của người Bình Phước trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và là nguồn lực để xây dựng, phát triển tỉnh Bình Phước trong thời kỳ mới, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc xây dựng người con người Bình Phước hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng yếu, thường xuyên trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị con người Bình Phước trong giai đoạn mới.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước với điệu múa sạp truyền thống. Ảnh: Bùi Liêm
(Nguồn: sggp.org.vn)
Để Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy đi vào cuộc sống, phát huy những đặc tính nổi trội trong xây dựng và phát triển hệ giá trị con người Bình Phước, thời gian tới cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân. Mặt khác, cần nâng cao nhận thức về chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, truyền thống yêu nước, trình độ hiểu biết xã hội; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân Bình Phước đối với cộng đồng, với quê hương, đất nước.
Đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh để niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố và tăng cường; qua đó sẽ góp phần tạo nên hiệu ứng tích cực trong việc xây dựng và thực hiện những chuẩn mực đạo đức con người Bình Phước trong giai đoạn mới. Cấp uỷ và hệ thống chính trị các cấp của địa phương cần thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương, xây dựng văn hóa liêm chính đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các cấp. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thiết thực, hiệu quả; song song với đó là chủ động phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; những hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hệ thống chính trị và trong xã hội.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Quân khu 7, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh cắt băng khánh thành Đài tưởng niệm thuộc Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết tại ấp Cần Dực, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.
(Nguồn: tinhuybinhphuoc.vn)
Tiếp tục nhân rộng và lan tỏa những tấm gương điển hình, người tốt, việc tốt, những giá trị văn hóa tốt đẹp, như lòng yêu nước, niềm tự hào, ý thức trách nhiệm, tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần sẵn sàng cống hiến, sáng tạo; những đặc điểm về hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo trong mỗi người dân Bình Phước. Bên cạnh đó, cần linh hoạt, sáng tạo các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc biệt chú trọng định hướng cho thế hệ trẻ Bình Phước thông qua không gian mạng và các ứng dụng trên nền tảng số nhằm tạo môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực cho thế hệ trẻ.
[1] Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20/11/2023 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Dư Oanh