Chính sách đào tạo lao động nông thôn
Từ cuối năm 2021, tỉnh Hà Nam tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 15 trong những năm tiếp theo, đặt ra những giải pháp về nâng cao chất lượng cho lực lượng lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngoài việc được hưởng các chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo, lao động nông thôn của Nhà nước, tỉnh đã có chính sách đối với người học nghề và giáo viên dạy nghề, như hỗ trợ chi phí đào tạo; ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn tín dụng tại địa phương theo quy định; được trợ giúp tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoặc giải quyết việc làm sau học nghề...
Lớp dạy nghề cơ khí tại trường Cao đẳng nghề Hà Nam cho lao động nông thôn để hướng tới xuất khẩu lao động.
(Nguồn: vnbusiness.vn)
Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiến hành khảo sát, xác định nhu cầu đào tạo nghề của lao động nông thôn theo từng nghề và cấp trình độ đào tạo, đồng thời yêu cầu các đơn vị rà soát, đề xuất bổ sung danh mục ngành, nghề đào tạo cho lao động nông thôn; mức chi phí, thời gian đào tạo đối với từng nghề, đảm bảo phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường lao động. Đến nay, tỉnh đã phê duyệt danh mục 42 nghề đào tạo ngắn hạn cho lao động nông thôn (bao gồm 14 nghề nông nghiệp, 28 nghề phi nông nghiệp); đồng thời ban hành quy định mức chi phí đào tạo và mức hỗ trợ chi phí đào tạo đối với từng ngành nghề.
Đến hết năm 2023, lực lượng lao động nông nghiệp của tỉnh Hà Nam khoảng 87.600 người, chiếm tỷ lệ 18,34%, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh. Năm 2023, tổng sản phẩm GRDP của tỉnh đạt 50.201,9 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 9,41% so với năm 2022, cao thứ 5 trong số các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng và cao thứ 8 toàn quốc. Trong đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 8,540,3 tỷ đồng, tăng 1,2% so với năm 2022. Ngành nông nghiệp tỉnh Hà Nam phát triển với tốc độ cao và ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa. Kinh tế nông nghiệp chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ; các mô hình tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới, phát triển.
Tuy nhiên hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Kinh phí thực hiện chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn hạn chế, chưa bố trí được ngân sách hoặc lồng ghép với nguồn vốn từ các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội khác. Chưa huy động được nguồn lực doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hiệu quả công tác đào tạo nghề chưa cao...
Khai giảng lớp đào tạo nghề Mộc dân dụng tại xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam thuộc chương trình đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
(Nguồn: doanthanhnien.vn)
Giải pháp nâng cao chất lượng lao động nông thôn
Để phát huy hơn nữa tiềm năng của lao động nông thôn trong giai đoạn tiếp theo, bên cạnh việc tiếp tục phát triển những nghề truyền thống sẵn có trên địa bàn tỉnh cho lao động nông thôn, tỉnh Hà Nam cần có những giải pháp hoàn thiện chính sách đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động, tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị của tỉnh, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh, đổi mới phương thức tuyên truyền theo hướng thiết thực, hiệu quả phù hợp với từng đối tượng, nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của tỉnh, kết quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; kịp thời biểu dương gương điển hình trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, nhân rộng mô hình đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt. Tập trung đào tạo các nghề, có chính sách cụ thể, rõ ràng và thiết thực hỗ trợ học nghề cho người dân do thu hồi đất sản xuất.
Phục hồi, phát triển các làng nghề truyền thống. Việc phát triển các làng nghề truyền thống tạo công ăn việc làm tại địa phương, giúp người nông dân “ly nông bất ly hương”. Hình thức tạo việc làm này vẫn bảo đảm nguồn nhân lực khi mùa vụ đến, đồng thời nâng cao hiệu quả hệ số sử dụng thời gian của người nông dân. Với những làng nghề đang phát triển, cần duy trì mở rộng quy mô. Bên cạnh đó, chủ động tiếp nhận những ngành, nghề mới phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi địa phương. Cần cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề. Những yếu tố này đòi hỏi người lao động nông thôn thường xuyên phải học hỏi, chủ động nâng cao tay nghề vừa kế thừa kỹ năng ngành nghề cũ vừa phải tiếp nhận ký năng mới như: Kỹ năng quản lý, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng sử dụng những máy móc mới vào trong sản xuất...
Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tăng cường đầu tư cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang phát huy hiệu quả tốt nhưng khó huy động nguồn lực xã hội; rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách, nhất là chính sách thuế, đất đai nhằm khuyến khích các tập thể, cá nhân trong tỉnh tham gia tích cực hơn nữa vào công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm cho lao động nông thôn. Các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh xây dựng và ban hành chương trình, giáo trình đào tạo trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và yêu cầu của thị trường lao động. Thường xuyên cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới, tập trung xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng, đáp ứng yêu cầu đào tạo. Đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị theo ngành nghề và trình độ đào tạo, bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định. Chú trọng đổi mới chương trình đào tạo theo chuẩn năng lực, chuẩn đầu ra, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng, lấy nhu cầu tuyển dụng làm căn cứ để xây dựng các khóa đào tạo nghề.
Sa Quyên