Tỉnh Bình Thuận có nhiều đặc trưng về văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng các dân tộc sinh sống tại đây. Hiện nay, tỉnh Bình Thuận có 72 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có 28 di tích, danh thắng quốc gia và 44 di tích, danh thắng cấp tỉnh, thể hiện sự đa dạng và đa sắc màu, mang những nét đặc trưng riêng của từng cộng đồng dân tộc và có sức lôi cuốn hấp dẫn du khách tìm kiếm khám phá. Các di tích phân bố trong không gian rộng lớn gắn với các cộng đồng tộc người, tín ngưỡng, tôn giáo nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân, đã và đang được bảo tồn, trùng tu, sửa chữa, nâng cấp, gìn giữ. Đây là những thế mạnh quan trọng tạo tiền đề cho du lịch văn hóa phát triển.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trường Dục Thanh - di tích lịch sử, nơi Bác Hồ dừng chân dạy học (phường Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận)
(Nguồn: baobinhthuan.com.vn)
Về văn hóa phi vật thể, ở tỉnh đang tồn tại trên 50 nghi lễ dân gian và hoạt động lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo ở nhiều cấp độ quy mô khác nhau, tiêu biểu như: lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn; lễ hội Ramưwan của đồng bào Chăm theo đạo Bàni; lễ hội Trung thu, lễ hội Nghinh Ông của bà con người Hoa; lễ hội Dinh Thầy - Thím. Ngoài ra còn có các nghi lễ dân gian, các lễ hội văn hóa các dân tộc diễn ra hằng năm hoặc 2 năm tổ chức 1 lần, thường vào các dịp mùa Xuân, mùa Thu, mùa thu hoạch nông nghiệp. Bên cạnh đó, còn có những làng nghề thủ công truyền thống như dệt, gốm của đồng bào Chăm, các cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, làng nghề nước mắm... Nghề làm gốm thủ công của người Chăm Bình Thuận được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, điều này không chỉ là sự ghi nhận về những nét đặc sắc của nghề làm gốm của bà con người Chăm, mà còn mở ra những triển vọng mới trong phát triển nghề nghiệp cũng như thu hút sự quan tâm của khách du lịch khi đến Bình Thuận.
Thời gian qua, việc thực hiện bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch ở tỉnh Bình Thuận luôn được các cấp quan tâm. Nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của địa phương đã được nghiên cứu, khôi phục, bảo tồn, tôn tạo, đã có 25/28 di tích, danh thắng quốc gia và 27/44 di tích cấp tỉnh được đầu tư bảo quản, tu bổ, tôn tạo bằng nguồn ngân sách của Nhà nước và kinh phí xã hội hóa do Nhân dân đóng góp để phát huy giá trị và giới thiệu, quảng bá phát triển hoạt động du lịch văn hóa. Nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn và phát huy có hiệu quả, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc. Nhờ đó, lượng khách du lịch đến với tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước, tăng thu ngân sách của tỉnh và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, năm 2023, Bình Thuận đón hơn 8,5 triệu lượt du khách với tổng doanh thu đạt trên 23.000 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2022. Địa phương cũng trở thành một trong 9 tỉnh, thành phố có doanh thu du lịch cao nhất cả nước. Quý I/2024, lượt khách du lịch tăng 6,41% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt gần 2,2 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế đạt gần 122 ngàn lượt. Doanh thu du lịch ước đạt 5.701,5 tỷ đồng, tăng 6,2% so cùng kỳ năm ngoái.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi, tặng quà nhân dân xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận
(Nguồn: baobinhthuan.com.vn)
Tỉnh cũng đã quan tâm đến công tác tôn vinh nghệ nhân để bảo đảm cho các giá trị văn hóa truyền thống phi vật thể không bị bị thất truyền, mai một. Đến nay, Chủ tịch nước đã trao tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân cho 1 nghệ nhân người Chăm Bà La Môn, loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng thực hiện nghi lễ; trao tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú cho 15 nghệ nhân ở các loại hình: Nghệ thuật trình diễn dân gian (Đờn ca tài tử, làm nhạc cụ và biểu diễn trống Chăm, nghệ thuật múa dân gian Chăm), tri thức dân gian (nghề dệt truyền thống Chăm, nghề làm gốm truyền thống Chăm).
Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch ở tỉnh Bình Thuận còn gặp nhiều khó khăn. Việc tuyên truyền, vận động nhân dân cùng góp phần xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ở địa phương chưa được tiến hành một cách bài bản và sâu rộng. Hầu hết các di tích, danh thắng cấp quốc gia và cấp tỉnh tuy đã được tu bổ, tôn tạo nhưng do nguồn kinh phí hạn chế nên chỉ mang tính chất chống xuống cấp là chính, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai tu bổ, tôn tạo bảo đảm tính đồng bộ, khôi phục lại các yếu tố nguyên gốc, môi trường cảnh quan và nét trang nghiêm của di tích, danh thắng. Vẫn còn một số địa phương trong tỉnh chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Để tiếp tục đạt được kết quả từ việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch ở tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành phải thật sự quan tâm triển khai hiệu quả những chính sách, kế hoạch về khai thác giá trị văn hóa phục vụ phát triển du lịch. Có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đến các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa nhiều tiềm năng, bảo đảm nguyên tắc bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nhất là giá trị các di sản, bản sắc văn hóa dân tộc và những sắc thái văn hóa đa dạng của cộng đồng dân cư các địa phương. Thúc đẩy sự gắn kết, phối hợp hiệu quả giữa các ngành, các doanh nghiệp, người dân, các bên liên quan trong xây dựng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng, sinh thái, văn hóa. Bảo đảm các mục tiêu của phát triển du lịch bền vững, bao gồm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, hiệu quả kinh tế, sự phát triển cho địa phương, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm an sinh xã hội và công bằng xã hội./.
Hồng Hiếu